Đà Nẵng:

Gặp hai nữ sinh cùng đạt điểm 10 tuyệt đối môn Văn

(Dân trí) - Cả hai cô học trò Đà Nẵng đạt điểm 10 tuyệt đối môn Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 đều có chung niềm đam mê Văn học từ nhỏ, thích thư giãn với việc đọc truyện, sách, báo và nghe nhạc sau những giờ học.

Đó là Nguyễn Trần Thục Nhi (lớp 12/31 THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) và Nguyễn Thị Bích Ly (lớp 12/7 THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng).

"Văn học cần cho tất cả mọi ngành nghề"

Nguyễn Trần Thục Nhi - học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh chia sẻ em thích học môn Văn từ nhỏ. Với câu hỏi học trò ngày nay thường ít mặn mà với môn Văn, cho rằng học Văn rất khó, cô học trò đang nuôi ước mơ thi đỗ ngành Ngoại thương Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng trả lời em không nghĩ như vậy vì: “Theo em, Văn học cần cho tất cả mọi ngành nghề. Sau này dù mình có làm trong lĩnh vực nào thì cũng cần có kỹ năng làm văn, ví dụ như khi viết báo cáo công việc.
 
Nhiều tác phẩm trong chương trình học ở trường hiện nay có thể chưa gần gũi với cuộc sống của giới trẻ ngày nay nên chưa hấp dẫn các bạn. Nhưng em thấy học Văn không chỉ là học những gì trong sách giáo khoa, mà từ nhỏ em đã có thói quen đọc sách, báo như một cách tiếp nhận và cảm thụ văn học bên cạnh việc thu thập kiến thức xã hội, nên với em, việc học môn Văn khá nhẹ nhàng”.

Thục Nhi chia sẻ, theo em, văn học cần cho tất cả mọi ngành nghề
Thục Nhi chia sẻ, theo em, văn học cần cho tất cả mọi ngành nghề.

Cô học trò từng đoạt giải Ba môn Văn cấp thành phố từ năm học lớp 9 khá tự tin sau khi làm bài thi môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua như “quá bất ngờ khi em đạt được điểm 10 tuyệt đối”. Nhi cho biết điểm 10 môn Văn em đã từng nhận được ở trường học chỉ là những điểm các bài kiểm tra 15 phút. Còn điểm 10 cho cả bài thi như bài thi tốt nghiệp là lần đầu tiên Nhi đạt được.

Trong đề Văn năm nay, Nhi tâm đắc với câu hỏi số 3 của đề vì em đã đọc tác phẩm nhiều lần. Với câu hỏi số 2 về tấm gương của Nguyễn Văn Nam - nam sinh đã quên mình lao ra dòng nước cứu 4 em nhỏ thoát đuối nước, Nhi cho biết đã đọc nhiều bài báo về Nam. Trong cảm nhận của Nhi, “có nhiều bài báo về hiện trạng vô cảm của giới trẻ ngày nay, thì những bài báo về Nam góp một cái nhìn khác, để lại ấn tượng đẹp về hành động dũng cảm, lòng yêu thương con người của một người trẻ là Nam”.

“Hành động của Nam hướng mọi người đến những giá trị sống tốt đẹp hơn”

“Hành động của Nam không chỉ là hành động dũng cảm. Mà hành động đó xuất phát từ lòng yêu thương con người, biết quan tâm đến người khác, quên mình khi thấy người khác đang nguy cấp khó khăn. Nam khiến cho chúng em, cũng cùng trong độ tuổi với bạn phải nhìn lại mình, xem thử khi mình sống vị kỷ, chỉ biết có bản thân mình, thờ ơ và thậm chí là cười cợt trược những khó khăn, vất vả của người khác đã đúng hay chưa? hành động của Nam và tấm gương quên mình vì người của bạn khi được nhiều người biết đến thực sự đã tác động rất lớn đến xã hội, và nhất là, hướng giới trẻ đến một lối sống đẹp...” - đó là những chia sẻ cũng là những ý trong bài thi môn Văn đạt điểm 10 tuyệt đối của Nguyễn Thị Bích Ly

Thục Nhi chia sẻ, theo em, văn học cần cho tất cả mọi ngành nghề
Theo Bích Ly, hành động của bạn Nguyễn Văn Nam không chỉ là hành động dũng cảm mà hành động đó xuất phát từ lòng yêu thương con người, biết quan tâm tới người khác.

Ly cũng cho biết em hoàn toàn bất ngờ với việc đạt điểm 10 tuyệt đối. Ly chia sẻ: “Trong 3 câu hỏi, thì câu 1 và câu 3 đã nằm trong chương trình học. Còn câu 2 thì không có đáp án rập khuôn nào sẵn, chỉ có thể trình bài theo cảm nhận, suy nghĩ của mình trước hành động của Nam. Và có thể, cách nghĩ của em nhận được sự đồng tình của thầy cô giáo chấm thi”.

Chúng tôi đặt câu hỏi về việc có dư luận cho rằng đề Văn năm nay cổ xúy cho việc không tự lượng sức, liều mình cứu người. Cô học trò nộp đơn đăng ký thi đại học vào khoa Luật, ĐH Huế năm nay tỏ bày quan điểm: “Em không nghĩ đề Văn năm nay hướng mọi người đến hành động tiêu cực như vậy. Em không ở trong hoàn cảnh của Nam nên không thể nào biết được bạn đã nghĩ gì khi lao ra giữa dòng nước cứu các em nhỏ. Có thể là Nam đã không kịp nghĩ ngợi gì, không kịp suy tính thiệt hơn. Nhưng hành động của Nam, như em đã trình bày trong bài làm, xuất phát từ lòng yêu thương con người. Hành động dũng cảm quên mình vì người của Nam đã hướng mọi người đến những giá trị sống tốt đẹp hơn. Đó là sống biết yêu thương và biết quan tâm đến người khác”.

Khánh Hiền