Gặp ông Hiệu trưởng “độc nhất vô nhị”

Có một trường đại học không có cơ ngơi hoành tráng, không có sinh viên, giảng viên cơ hữu, không có kỳ thi tuyển sinh đầu vào, không thu học phí... Cái tên của trường nghe cũng rất tinh vi: Đại học của tất cả tri thức (Université de tous les savoirs - Utls).

Utls còn được gọi với một cái tên khác là Đại học Nhân dân vì tất cả mọi người đều có thể trở thành sinh viên của trường.


Utls chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2000 tại Pháp để đánh dấu một bước chuyển quan trọng: loài người bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ của tri thức.

 

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với GS Triết học Yves Michaud (ông là giảng viên cơ hữu của trường ĐH Rouen), người sáng lập và Hiệu trưởng đương nhiệm của Utls nhân dịp ông sang Việt Nam giảng bài.

 

Thưa ông, ông sẽ giảng bài gì cho các khán thính giả Việt Nam?
 
Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến Việt Nam và tôi sẽ có buổi thuyết trình về du lịch và văn hóa. Cùng đến Việt Nam với tôi lần này còn có các nhà bác học hàng đầu của Pháp trình bày bốn vấn đề có liên quan mật thiết đến toàn cầu hóa và phát triển là Không khí, Lửa, Nước, (trái) Đất.
 
Bài thuyết trình cuối cùng của Utls tại Việt Nam là Tiếng hát Pháp dưới sự đe dọa của toàn cầu hóa. Người Pháp chúng tôi thường kết thúc các vần đề bằng một bài hát (Cười). Các chủ đề được chúng tôi chọn là để hưởng ứng quyết định của LHQ chọn năm 2008 là năm quốc tế hành tinh Trái đất.
 
Đối tượng khán thính giả của Pháp và Việt Nam là khác nhau. Ông có tin là loại hình trường đại học kiểu này có hợp ở Việt Nam?
 
Kiến thức thì thời nào cũng cần và quốc gia nào cũng cần để phát triển. Việt Nam là nước có dân số trẻ và đang khẳng định mình trên trường quốc tế thì lại càng cần hơn. Thời bây  giờ người ta không nói đến lao động trẻ và rẻ là ưu thế nữa mà phải là lao động trí tuệ.

 

Tôi cũng phải nói thêm là Utls đã có mặt tại nhiều nơi trên thế giới. Hiện nay chúng tôi có khái niệm Utls và tiếp theo đó. Có nghĩa là mô hình Utls được nhân rộng lên. (Hungarie và Brazil cũng đã xây dựng thành công mô hình Utls từ các năm 2003 và 2004 - PV).
 
Các ông tuyển chọn giảng viên, giáo trình và sinh viên như thế nào?
 
Chúng tôi không có giảng viên cơ hữu. Chúng tôi  xây dựng giáo trình dựa trên nhu cầu của xã hội. Sau khi đã xác định được các vấn đề mà xã hội quan tâm chúng tôi mời các chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực đó đứng lớp. Hơn 700 buổi thuyết trình đã được tổ chức thành công.

 

Chúng tôi có thể tự hào nói rằng Utls là trường đại học đầu tiên ở Pháp được vinh dự đón hầu hết những người Pháp được giải Nobel, những nhà trí thức lớn của nước ngoài, các văn nghệ sĩ danh tiếng đến giảng dạy.

 

Sinh viên của chúng tôi là mọi người dân thấy thích đều có thể đến nghe. Chỉ riêng tại Pháp chúng tôi đã đón tiếp hơn 400.000 thính giả. Hoặc nếu không có điều kiện đến nghe thì có thể tải các bài giảng từ trên mạng xuống.

 

Các bạn sinh viên Việt Nam cũng có thể xem các bài giảng tại địa chỉ: www.utls.fr.
 
Thưa ông, Utls lấy ngân sách ở đâu để hoạt động?
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo tài trợ cho trường. Gần đây các vùng cũng tài trợ thêm cho chúng tôi vì chúng tôi có thuyết trình với học sinh các trường cấp ba, những trường này thuộc phạm vi tài trợ của các vùng.
 
Theo ông, nhân loại đang cần những loại kiến thức nào?
 
Nhân loại chúng ta đang cần là kiến thức về cuộc sống. Lĩnh vực thứ nhất là sinh hoá, gen di truyền. Lĩnh vực thứ hai là toán (tất cả các loại). Lĩnh vực thứ ba là kiến thức về công nghệ thông tin.
 
Cụ thể với trường hợp của một nước đang phát triển có tốc độ tăng trưởng kinh tế và hội nhập nhanh như Việt Nam hiện nay thì chúng tôi cần những loại tri thức gì?
 
(Trầm ngâm). Tôi nghĩ là các bạn cần trang bị thêm các tri thức về truyền thống. Tất nhiên là các bạn cũng đã có sẵn những hiểu biết về truyền thống văn hóa của mình, nhưng bây giờ phải đặt nó vào một vùng phổ quát rộng hơn.
 
Để hội nhập tốt thì trước hết mình cần hiểu rõ những giá trị văn hóa truyền thống của riêng mình và sau đó là phải biết được mình đang đứng ở đâu so với thế giới. Chúng ta không thể sống khép mình khi mà quá trình toàn cầu hóa đang dỡ bỏ dần các phân chia biên giới.
 
Thưa ông, nếu giới trẻ Việt Nam muốn tập trung vào một lĩnh vực nào đó để khẳng định mình với khu vực và thế giới...
 
Tôi khuyên các bạn nên đi vào nghiên cứu bởi vì đất đai không đẻ ra được nữa. Sức mạnh của nghiên cứu mới đem lại những lợi nhuận khổng lồ. Với những người trẻ như sinh viên Việt Nam tôi còn muốn nói rằng đã đến thời của hoá sinh di truyền, của công nghệ thông tin.
 
Và cái rất thực tế là tôi khuyên các bạn nên đến với du lịch. Tôi nói như vậy bởi vì hiện nay Du lịch đang thực sự phát triển trên thế giới. Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết các lợi thế về du lịch.

  
Ông biết gì về du lịch Việt Nam ?
 
Tôi mới đến đây được mấy hôm. Cũng mới chỉ kịp đến thăm Bảo tàng Dân tộc học, một vài danh thắng ở Hà Nội. Tôi chưa dám nhận xét gì vì nếu làm như thế thì thật nông cạn (và biết đâu lại còn sai nữa). Tôi chỉ có thể nói với các bạn như thế này: Chúng ta nên đối xử tử tế với du khách.  
 
Khách du lịch là “kẻ xâm lược” nhưng có trả tiền cho người bản địa và sau đó ra đi chứ không ở lại. Một chi tiết mà du khách dễ nhận ra là quá trình thương mại hóa di tích ở Việt Nam được coi trọng hơn là việc bảo vệ nguyên trạng di tích. Xây dựng hàng loạt các ki ốt bán hàng bao quanh và làm mới các di tích là một cách phá hủy di tích.
 
Xin cám ơn ông!

 

Theo Sinh Viên Việt Nam