Gặp thầy giáo khiến học trò ướt mắt với những giờ học không sách vở

(Dân trí) - Đảm nhiệm công tác giáo dục, rèn kuyện kỹ năng sống cho học sinh, thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT Đà Nẵng) đã từng khiến cho rất nhiều học sinh và cả các thầy cô giáo trẻ ướt mắt với những câu chuyện về tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình bạn và những vấn đề xoay quanh cuộc sống của tuổi mới lớn trong những giờ học không sách vở.

Thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương trong một buổi chuyện trò cùng các em học sinh THCS ở Đà Nẵng
Thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương trong một buổi chuyện trò cùng các em học sinh THCS ở Đà Nẵng

Thầy Vương đã được nhiều học trò quý mến từ khi còn là thầy giáo dạy Văn ở một trường THPT trước khi về nhận công tác ở Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng với những giờ dạy học thêm miễn phí cho học trò nghèo. Trong dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Khuyến học Đà Nẵng vừa qua, thầy Vương là một trong những thầy cô giáo trẻ nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Khuyến học của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

Thầy Hoàng Vương (thứ tư, từ phải sang) nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khuyến học trong dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Khuyến học Đà Nẵng vừa qua
Thầy Hoàng Vương (thứ tư, từ phải sang) nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khuyến học trong dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Khuyến học Đà Nẵng vừa qua

Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), PV Dân trí vừa có cuộc trò chuyện cùng thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương xoay quanh những giờ học không sách vở và những kỷ niệm tình thầy trò

* Thưa thầy, thầy bắt đầu đảm nhiệm công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh thông qua các buổi trò chuyện với các em ở các buổi sinh hoạt ngoại khóa ở các trường như thế nào?

Tháng 3/2013, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án tăng cường công tác giáo dục kĩ năng sống cho thanh thiếu niên tại các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố. Là người trực tiếp tham mưu triển khai nhiệm vụ chính trị này trong ngành GD-ĐT, tôi đã tập trung nghiên cứu và bắt đầu “hành trình” giáo dục kĩ năng sống cho học sinh với chuyên đề: Để facebook là một người “bạn” tốt; tiếp đến là chuyên đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh... Từ đó đến nay, tôi không nhớ hết, nhưng có khoảng trên dưới 50 buổi chuyện trò với các em học sinh THCS, THPT ở các trường học trên địa bàn thành phố, và một số trường ngoài Đà Nẵng.

* Thầy đã chuẩn bị cho các buổi trò chuyện với học trò như thế nào? Làm sao để có thể chạm đến trái tim học trò, để các em có những nhận thức, chuyển biến tích cực trong cuộc sống hàng ngày hướng tới những giá trị đạo đức tốt đẹp trong tình cảm gia đình, thầy trò, bạn bè...?

Để hoàn chỉnh một giáo án cho buổi nói chuyện phải trải qua một quá trình chuẩn bị tương đối kĩ lưỡng. Trước hết phải tìm hiểu tâm lí lứa tuổi, những hiện tượng rối nhiễu, khó khăn về mặt tâm lí phổ biến của tuổi “teen”. Kế tiếp là nghiên cứu những tác động của các yếu tố xã hội, gia đình, bạn bè… đến quá trình phát triển nhân cách của các em. Khó nhất là xác định phương pháp, ngôn ngữ, thời lượng… truyền đạt sao cho phù hợp với lứa tuổi và đem lại hiệu quả tốt nhất. Từ đó, xây dựng, lựa chọn nội dung, dẫn chứng thực cô đọng, súc tích, dễ đi vào lòng người.

Để chuẩn bị cho những buổi trò chuyện với học trò, thầy tìm hiểu tâm lí phổ biến của lứa tuổi, những vấn đề mà tuổi teen thường gặp trong cuộc sống hiện đại ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách của học trò về sau
Để chuẩn bị cho những buổi trò chuyện với học trò, thầy tìm hiểu tâm lí phổ biến của lứa tuổi, những vấn đề mà tuổi "teen" thường gặp trong cuộc sống hiện đại ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách của học trò về sau

Để chạm đến trái tim học trò, để các em có những nhận thực, chuyển biến tích cực trong cuộc sống hàng ngày hướng tới những giá trị đạo đức tốt đẹp trong tình cảm gia đình, thầy trò, bạn bè... không thể truyền đạt theo kiểu giáo huấn em phải thế này, em phải thế kia, mà phải đi “từ trái tim đến với trái tim”, nói với các em phải bằng sự đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia, đôi lúc phải thủ thỉ, tâm tình… Trong khi trò chuyện cùng học trò, có những lúc chúng tôi chuẩn bị cả nhạc nền để góp phần mềm hóa nội dung và để những nội dung, cảm xúc, tinh cảm của mình dễ bắt nhịp trái tim các em hơn!

* Thầy có thể kể một đôi trường hợp có chuyển biến tích cực sau những lần trò chuyện cùng học trò?

Với sự chuẩn bị của mình, tôi tin là mình đã cố gắng nói đúng và nói trúng tâm lí phổ biến và những vấn đề mà các em thường gặp phải trong cuộc sống ngày nay. Nhưng điều tôi bất ngờ là rất nhiều em đã khóc, ngồi thừ rất lâu, và rất lắng nghe khi tôi nói. Có khi ngoài trời đã lất phất mưa mà các em vẫn đề nghị tôi nói tiếp. Nhiều phụ huynh nghe con về nhà kể chuyện đã đề nghị với nhà trường cần có thêm những giờ học như thế.

Học trò ướt mắt khi lắng nghe thầy Vương chuyện trò trong những giờ học không sách vở
Học trò ướt mắt khi lắng nghe thầy Vương chuyện trò trong những giờ học không sách vở

Có nhiều trường hợp học trò có chuyển biến tích cực. Như tôi nhớ có một em học sinh THPT ở một trường tư thục. Em này rất nghịch, đã chuyển rất nhiều trường. Sau khi nghe tôi chuyện trò về tình cảm gia đình trong một lần tôi về trường em, về nhà, em đã viết cho bố của mình một bức thư dài 4 trang giấy. Gia đình rất mừng khi từ đó, em rất chuyên tâm học hành và ngoan hơn hẳn. Hiện em đã thi đỗ và đi du học nước ngoài.

Hay trường hợp một học sinh cá biệt lớp 5. Em này không tin và không vâng lời ai cả. Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình em rất phức tạp khiến em ít được quan tâm, và sớm mất niềm tin vào người lớn. Nhà trường đã phân em về lớp học do một giáo viên rất nghiêm khắc chủ nhiệm. Tôi đã tư vấn nhà trường, vấn đề mà em học trò này gặp phải chính là em thiếu tình yêu thương, thiếu sự quan tâm, nên có biểu hiện cá biệt như thế. Không nên nghiêm khắc với những em học sinh như này, mà nên nhẹ nhàng ôm các em vào lòng, khiến các em cảm nhận được tình yêu thương ấm áp của thầy cô, của những người lớn xung quanh, lấy lại niềm tin vào những người lớn xung quanh cho em. Em học sinh đó đã ngoan hơn rất nhiều.

* Theo thầy, những vấn đề nào mà lứa tuổi học trò, đặc biệt là các học trò tuổi “teen”, gặp phải trong hoàn cảnh sống hiện nay ảnh hưởng nhiều tới việc hình thành nhân cách, việc học hành ở trường?

Cuộc sống hiện tại có rất nhiều điều phức tạp làm cho cuộc sống các em thiếu an toàn hơn. Trước những tác động không tốt từ phía xã hội, gia đình, bạn bè,…, rất nhiều học sinh độ tuổi THCS, THPT mắc phải những “bệnh tuổi teen” đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách, học tập, xác định giá trị sống của các em. Những “bệnh tuổi teen” phổ biến đó là: nói chuyện, không tập trung trong học tập cũng như trong giao tiếp xã hội; nghiện điện thoại dẫn đến lãng phí thời gian, nghiện game, sống ảo, mất thói quen đọc sách, làm mất sự trong sáng của tiếng Việt…; bệnh bắt chước: bắt chước thần tượng, bắt chước hút thuốc, uống rượu, xăm mình…; bệnh đố kị, không biết chấp nhận sự khác biệt (ngôn ngữ mạng xã hội gọi là GATO); bệnh không biết tư duy tích cực; bệnh không biết kiềm chế cơn nóng giận… thêm một bệnh nữa mà ít người để ý đó là “bệnh xa cha mẹ” học sinh càng lớn càng “rời xa” cha mẹ, ít tâm sự, sẻ chia, có khoảng cách với cha mẹ, điều này là một trở ngại rất lớn trong quá trình phát triển nhân cách của học sinh.

* Sự phối hợp giữa phụ huynh với nhà trường rõ ràng quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Điều này theo thầy quan sát trong thực tế hiện nay có những thuận lợi/khó khăn nào?

Phần lớn thời gian trong ngày các em sống với gia đình. Nếu gia đình quản lí, giáo dục, theo dõi, giúp đỡ tốt thì căn bản đứa trẻ sẽ có môi trường phát triển tốt, và ngược lại. Nhiều gia đình dành thời gian quan tâm đến con cái, từ việc ăn ngủ, giờ giấc đến trường, đi chơi, bạn bè, yêu đương, sở thích, việc truy cập và các trò chơi trên internet... để vừa tạo điều kiện (trong khả năng) vừa điều chỉnh, giúp đỡ các em tiến bộ, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong giáo dục con em.

Đồng thời, qua thực tế tiếp xúc tôi nhận thấy, đằng sau đa số học sinh chưa ngoan là một gia đình không hạnh phúc hoặc là gia đình quá cưng chiều, đáp ứng cả những đòi hỏi quá đáng (tiền bạc, mua sắm, ăn diện, tiệc tùng…),ngộ nhận, chủ quan, bao che cho khuyết điểm của con cái mình…

* Trước đây, thầy từng là giáo viên dạy văn, và bây giờ thầy vẫn nhiệt tâm với sự nghiệp “trồng người”. Vì sao thầy chọn nghề giáo? Thầy có thể kể những kỷ niệm đáng nhớ của thầy với các thầy cô giáo của thầy ngày xưa, hay kỷ niệm của thầy với học trò của mình?

Tôi xin mượn ý của Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để trả lời cho câu hỏi: Vì sao tôi chọn nghề giáo? Đó là duyên phận làm người đã đưa tôi đến với nghề dạy học.

Kỷ niệm về thầy cô thì nhiều, nhiều lắm. Tôi xin kể một mẫu chuyện nhỏ về người thầy thời tiểu học. Thời đó, hầu như ai cũng có một tuổi thơ rơm rạ, lấm lem bùn đất và cháy khét khói đốt đồng.Học trò đi học hầu như toàn là con nhà nghèo. Trẻ con bây giờ đến lớp khoe nhau: “bố tớ vừa mua xế hộp, mẹ tớ sắm con SH...”. Còn chúng tôi ngày đó khoe nhau: “Bữa ni, nhà tau (mình, tớ) có đám giỗ!”. Đám giỗ sẽ được ăn cơm trắng, được ăn thức ăn ngon.

Lần đó, mình nghỉ 1 buổi học. Hôm sau lên lớp, thầy giáo đang cầm trên tay chiếc roi mây (ngày xưa, thầy giáo có quyền đánh học trò hư, lười học…). Tôi run rẩy bước lên bàn thầy. Thầy gõ cây roi mây trên mặt bàn, nghiêm mặt hỏi: “Hôm qua, em đi đâu mà không đến lớp?”. Tôi thưa thầy rằng: “Thưa thầy… thưa thầy, con đi đám giỗ!”. Sau câu trả lời, Tôi chắc mình sẽ lãnh cây roi mây của thầy. Nhưng không, thầy không đánh, thầy nhìn tôi thật độ lượng và nói: “Em nhớ chép và bài ngày hôm qua nhé…!”.

Lớn lên nối nghiệp thầy, đi qua bao lận đận cuộc đời, tôi mới hiểu vì sao ngày xưa thầy không đánh. Bởi vì, thầy thương đứa học trò nghèo khó, thầy vui vì hôm qua học trò mình có một bữa cơm ngon. Thầy không muốn cái vị ngọt thơm của cơm trắng, thức ăn ngon mất đi trong đứa học trò tội nghiệp bởi roi vọt của thầy. Kỷ niệm về thầy cũng là một bài học mình luôn tâm niệm trong nghề đi dạy đó là: Với học trò phải thật nghiêm khắc nhưng cũng hết sức yêu thương và độ lượng.

Kỷ niệm với học trò thì cũng nhiều vô kể. Xin phép không kể riêng một em nào vì sợ các em khác kiện thầy. Có hai đối tượng đã để lại ấn tượng trong mình nhiều nhất đó là học trò nghèo và học trò cá biệt. Mình hay dạy luyện thi miễn phí cho các em học sinh khó khăn nhưng ý chí, nghị lực. sự hiếu học trong các em này rất lớn. Mỗi lần biết tin các em đỗ đạt, thành công, thoát khỏi cảnh nghèo là mình hạnh phúc lắm. Còn với học trò cá biệt, trong suy nghĩ rất riêng của cá nhân tôi, suy cho cùng các em cũng là những nạn nhân, buộc một học sinh thôi học là một lần giáo viên, nhà trường thất bại. Vì thế, những ngày còn đứng lớp, đã nhiều lần mình đứng về phía học sinh cá biệt để bảo vệ các em. Giờ nhiều em thành đạt, công tác rất tốt, có em là người nổi tiếng nữa… Mỗi lần các em về thăm, tự các em nhắc lại chuyện ngày xưa thầy khổ với các em thế nào, mình bỗng nghe xúc động và hạnh phúc dạt dào.

Trân trọng cảm ơn thầy!

Khánh Hiền (thực hiện)

Dòng sự kiện: 34 năm Ngày Nhà giáo VN