Gặp thầy giáo từng 6 năm công tác bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cho đến nay những ký ức về Người anh cả Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp của ông Nguyễn Nam Kim vẫn luôn là những kỷ niệm đẹp và tươi mới như ngày nào.

Sáu năm liền, chiến sỹ Nguyễn Nam Kim (sau này là thầy giáo Nguyễn Nam Kim) từng có vinh dự sống, công tác và chiến đấu bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc Trung đội 51 - bí danh của phòng Bí thư Bộ Tổng tư lệnh - đơn vị đóng tại thôn Điềm Mạc (xã Yên Thông, Đại Từ, Thái Nguyên).

Mỗi ký ức là một bài học theo suốt cuộc đời

Chúng tìm gặp ông Nguyễn Nam Kim, nay đã 85 tuổi. Ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn có được trí nhớ minh mẫn, đôi mắt sáng, bước chân nhanh nhẹn và giọng nói trầm vang.

Ông tâm sự: “Cho tới bây giờ tôi luôn có hai điều đáng tự hào trong cuộc đời. Một là, những ký ức trong thời gian được sống, chiến đấu, lao động và học tập bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người luôn là tấm gương để tôi học tập, phấn đấu, cống hiến và dăn dạy con cháu trong cuộc đời. Hai là được làm nghề giáo, một nghề cao quý giúp giáo dục nhân cách con người và phấn đấu học tập không ngừng…”.

Ông Nguyễn Nam Kim chia sẻ những ký ức suốt 6 năm sống bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ông Nguyễn Nam Kim chia sẻ những ký ức suốt 6 năm sống bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Khi được hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ với Đại tướng, ông Kim hổi tưởng: “Ngày đó, tôi tham gia cách mạng khi mới mười tám, đôi mươi. Trực tiếp tham gia công tác liên lạc được một năm, thì tôi được điều về Trung đội 51 tại Thái Nguyên. 

Tôi hăng hái nhận lệnh không chút đắn đo suy nghĩ. Sau khi biết mình được phục vụ bên Đại tướng tôi mừng vui khôn xiết và luôn tự hứa với bản thân sẻ phấn đấu hết mình để không phụ lòng tin tưởng, giao phó của cấp trên”.

Là người trực tiếp phụ trách phiên dịch điện cho Đại tướng, vì vậy những lời nói, cử chỉ của Đại tướng luôn khắc sâu trong tâm trí ông. Có lần ông được chính Đại tướng tặng tấm hình và ghi lên dòng chữ: “Tặng Kim, cậu em út ưa âm nhạc của Trung đội 51”. 

Đó là tấm hình hai vợ chồng Đại tướng chụp khi đang xem tranh của họa sỹ Tô Ngọc Vân. “ Với tôi đó là kỷ vật vô giá, một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời”.

Trầm ngâm trong giây lát, ông Kim kể tiếp: Đại tướng là người luôn dành hết thời gian cho công việc. Có lần nhận được điện hỏa tốc tôi vội chạy lên báo cáo. 

Đến phòng làm việc, thấy Đại tướng gục thiếp đi bên bàn sách. Thương Đại tướng vất vả tôi đành rón rén bước đến để bức điện lên bàn, khẽ lấy viên sỏi đè lên bức điện và bước ra. 

Chưa được mấy bước chân, tôi nghe có tiếng gọi. Vừa quay lại thì tôi đã nhìn thấy Đại tướng tay cầm bức điện. Đại tướng hỏi tại sao không đánh thức anh. Tôi thành thật trả lời: Dạ em thương anh làm việc vất vả quá!

Không ngờ Đại tướng nghiêm sắc mặt nói: Cảm ơn Kim! Nhưng phải đặt công việc lên trên hết! Điện hỏa tốc có khi chậm một giây là biết bao xương máu của đồng chí, đồng bào ta đổ xuống! lần sau không được thế, nghe chưa!

Giọng Đại tướng vẫn ôn tồn chỉ bảo như người anh chỉ dạy cẩn thận cho đứa em nhưng cũng rất đỗi nghiêm túc. Đó cũng là bài học mà sau này tôi không bao giờ cho phép mình để tình cảm riêng lấn át công việc.

Thích ăn cơm vợ, dạy trường làng

Hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, ông Nguyễn Nam Kim bước vào đại học để thỏa mãn ước mơ ngày nào là được làm một ông giáo “thích ăn cơm vợ, dạy trường làng”.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm chuyên ngành Văn, ông được điều động đến huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) để dạy học. 

Vậy là một lần nữa lại rời xa gia đình, xa quê hương để đến với mảnh đất đầy nắng, đầy gió và bão lũ để xây dựng các ngôi trường mới thành lập. Ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường cấp 2 Thạch Thượng, sau đó là Hiệu trưởng Trường cấp 2 Cẩm Nhượng…

Những tháng ngày xây dựng trường lớp tại Cẩm Xuyên, được sống trong sự bao bọc của bà con nhân dân, ông luôn tự hứa với bản thân phải phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để không phụ lòng mong mỏi của bà con.

Đến nay, dù đã không còn tham gia dạy học, nhưng 45 năm qua ông vẫn được nhiều thế hệ học trò, thầy cô giáo tại địa phương thường xuyên tìm đến để chia sẻ về nghề về những điều trong cuộc sống.

Suốt 10 năm qua, ông đã tự trích một phần lương hưu của mình để hỗ trợ các cụ trên 90 tuổi trong thôn mỗi tháng một cân đường, hộ sữa. 

Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi ông đều tìm đến và tặng cho mỗi cháu 300 ngàn đồng. Điều đáng mừng là các cháu được ông giúp đỡ đều thi đỗ vào các trường đại học.

Nói về bức thư do chính ông viết gửi cho Ngân hàng mắt Trung ương để được hiến giác mạc sau khi qua đời. Ông cho biết: “Xem trên ti vi, tôi thấy việc làm đó có thể giúp những người không may bị bệnh về mắt có thể tìm lại ánh sáng. 

Vậy là tôi tiến hành viết thư mong muốn được hiến giác mạc sau khi qua đời. Ban đầu biết tôi có ý định đó, con cháu trong gia đình không hiểu phản đối dữ lắm nhưng sau nhiều lần thuyết phục động viên, giải thích chúng đã hiểu và đồng ý cho tôi thực hiện ý nguyện này. Tôi mừng lắm”.

Theo Duy Đại
Giáo dục & Thời đại