Gia Lai: Hơn 3 tháng không lương, các giáo viên sống bằng gì ?

(Dân trí) - Hàng ngày những giáo viên vất vả đứng lớp vì sự nghiệp trồng người. Tuy nhiên, hơn 3 tháng nay gần 165 trên địa bàn huyện Ia Grai (Gia Lai) vẫn chưa nhận được tiền lương. Nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ có một số giáo viên có khả năng phải bỏ nghề.

Huyện có tiền mà không dám trả lương

Lý giải việc này ông Nguyễn Văn Chè-Phó phòng Tài Chính-Kế hoạch huyện Ia Grai cho biết, ngay từ đầu năm học 2017-2018, UBND huyện, phòng giáo dục đã lên kế hoạch để dự trù tuyển dụng một số giáo viên hợp đồng nhằm đáp ứng việc thiếu giáo viên trên địa bàn theo định mức được giao.

Tuy nhiên, gần đây Trung ương đã có Kết luận số 17-KL/TW ngày 11/9/2017 của Ban chấp hành Trung ương quy định: “Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã sử dụng hết số biên chế sự nghiệp được giáo, không được thực hiện hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ.”

Chính vì Kết luận này đã khiến cho các địa phương “dỡ khóc, dỡ cười”, nhất là đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục. “Trước đó, khi tuyển dụng giáo viên hợp đồng, UBND huyện Ia Grai đã chuẩn bị ngân sách để chuẩn bị chi trả cho các giáo viên hợp đồng trên địa bàn.

Nhưng khi có kết luận này yêu cầu không được trả lương giáo viên hợp đồng bằng ngân sách, nếu huyện trả thì sẽ sai quy định. Vì vậy, huyện đã làm văn bản gửi Sở Tài chính, Sở Nội vụ để xin ý kiến…”, ông Dương Mai Tiệp-Chủ tịch huyện Ia Grai cho hay.


Những giáo viên hợp đồng hơn 3 tháng nay chưa được nhận lượng

Những giáo viên hợp đồng hơn 3 tháng nay chưa được nhận lượng

Theo văn bản số 1114/UBND của huyện Ia Grai gửi lên cho Sở Tài chính tỉnh Gia Lai có nêu, hiện trên địa bàn huyện Ia Grai có 271 giáo viên, nhân viên hợp đồng. Trong đó giáo viên là 165 người, còn lại là nhân viên y tế, thiết bị, văn thư, bảo vệ, kế toán, cấp dưỡng…

Do tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, rất nhiều đơn vị trường học trên địa bàn huyện Ia Grai đã phải hợp đồng thêm giáo viên và nhân viên. Tuy nhiên, từ đầu năm học 2017-2018, hàng trăm giáo viên, nhân viên vẫn chưa nhận được lương theo hợp đồng lao động…

Được biết, phòng giáo dục và đào tạo huyện Ia Grai cũng đã có tờ trình lên UBND huyện và phòng tài chính để xin hơn 3,8 tỉ để chi trả lương cho giáo viên, nhân viên hợp đồng từ tháng 9 đến tháng 12 năm học 2017-2018. UBND huyện Ia Grai cũng đã dành ngân sách để trả, nhưng đang chờ ý kiến của các Sở để chi trả.

3 tháng không lương… giáo viên sống bằng gì ?

Trao đổi với chúng tôi, thầy Phạm Văn Đại-Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo Ia Grai cho biết: “Do tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở nhiều đơn vị trường học nên phòng giáo dục và UBND huyện đã tiếp hành hợp đồng cho 271 giáo viên theo định mức của của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Nội Vụ nhân viên hợp đồng, trong đó giáo viên là 165 người.

Tuy vậy, hiện nay giáo viên biên chế trên địa bàn huyện còn thiếu nhiều nên mới hợp đồng. Cũng nhờ các giáo viên hợp đồng này mà công tác giáo dục được đảm bảo…Nhưng hiện nay Sở Tài chính lại không cho trả lương hợp đồng bằng ngân sách nên phòng cũng không biết làm sao ”.

“Nếu như cắt hết hợp đồng, thì sẽ xảy ra nhiều bất cập như thiếu giáo viên trầm trọng. Chính vì vậy, các giáo viên biên chế phải dạy thêm giờ. Việc này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các giáo viên, tiền tăng giờ cũng sẽ tăng khoảng 3 lần so với tiền chi cho hợp đồng. Đặc biệt, sức ép thiếu việc làm của các sinh viên sư phạm sẽ nặng nề hơn…”, ông Đại cho biết thêm.


Những giáo viên vùng sâu, vùng sa đang chật vật với hành trình trồng người

Những giáo viên vùng sâu, vùng sa đang chật vật với hành trình trồng người

Là một giáo viên đã gắn bó với ngôi trường mẫu giáo 17/3 (Thị trấn Ia Kha, Ia Grai) hơn 10 năm, cô Trương Thị Thảo (GV hợp đồng trường MN 17/3) đã hơn 3 tháng nay chưa được nhận lương. Trong khi đó, 2 con nhỏ đang cần tiền đóng học, ăn uống đều đè nặng lên đôi vai của người chồng. “Nếu tiếp tục như không có lương thì chắc tôi phải bỏ nghề. Chứ tôi “yêu nghề, yêu trẻ” nhưng trên vai tôi còn gia đình nên cần có lương để sống nữa…”.

Cô N (sinh năm 1992, giáo viên tiểu học Ia Kha, Ia Grai): “Em đi làm hơn 3 tháng nhưng không có một đồng lương để đổ xăng. Gia đình cũng đã khuyên nên bỏ việc, nhưng em vẫn cố bám trụ vì em đã dành 4 năm bám trường sư phạm học chỉ để mong được đứng lớp dạy các em học sinh. Em mong muốn lãnh đạo cấp trên tạo điều kiện để chi trả quyền lợi cho chúng em…”.

Hơn 3 tháng không lương, các giáo viên trên địa bàn Ia Grai và một số địa phương khác phải đi làm thêm ngoài giờ để cho thu nhập phục vụ cho chi phí sinh hoạt. Cuộc sống tạm bợ này liệu có kéo dài lâu, khi quyền lợi của các cô chưa được chi trả…Trong lúc đợi các Sở, ban, ngành xin ý kiến thì các giáo viên vẫn đang vẫn đang chật vật để bám trụ với giảng đường.

Hiện Phóng viên đã liên hệ với Sở Nội vụ, Sở Tài Chính tỉnh Gia Lai, nhưng hiện vẫn đang chờ ý kiến các ngành liên quan để có hướng giải quyết chế độ cho các giáo viên.

Phạm Hoàng