Giá như Bộ trưởng...

(Dân trí) - Lần đầu tiên, ngành giáo dục diễn ra một “sự kiện” bất ngờ, đích thân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân gặp mặt và <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/7/186947.vip">tặng bằng khen cho một thủ khoa</a> trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đó là em Nguyễn Đức Duy, học sinh lớp 12 chuyên Lý trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) - thủ khoa toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp năm học 2006-2007 với điểm số 59.

 

Gọi là sự kiện bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT vốn luôn được coi là kỳ thi “có cũng như không” khi hầu như học sinh nào dự thi cũng đỗ. Vì thế, thủ khoa của kỳ thi này thường cũng chỉ được xem là... “có cũng như không”.

 

Nhưng năm nay lại khác. Kỳ thi đầu tiên của cuộc vận động “Hai không ...” với tỷ lệ đỗ chỉ trên 60%, tụt hơn hẳn 30% so với các kỳ thi trước. Cũng với “Hai không...”, tại nhiều trường phổ thông, sau kỳ thi này, “Hai không” đã thành “Ba không”: Không tiêu cực, không bệnh thành tích và không... đỗ tốt nghiệp!

 

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) có 51 học sinh dự thi nhưng không em nào đỗ tốt nghiệp. Trường THPT dân lập Vân Phú (xã Vân Phú, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) có 72 học sinh tham gia kì thi và không một học sinh nào đỗ.

 

Hai Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) có 290 học sinh đi thi nhưng không có học sinh nào đỗ.

 

Tại Yên Bái, 3 trường thuộc khối bổ túc THPT với 268 học sinh thi và cũng không có học sinh nào đỗ…

 

Cộng hưởng cùng những trường “Ba không”, số trường “cận ba không” với chỉ một học sinh đỗ cũng “nở” râm ran: Ở Thừa Thiên - Huế, trong số 68 học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hương Trà, chỉ một em đỗ. Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nam Đông cũng chỉ một em đỗ và Trung tâm Giáo dục thường xuyên A Lưới “khá” hơn với 2 đỗ trong tổng số 263 học sinh dự thi!

 

Trường THPT dân lập Âu Cơ (thành phố Việt Trì) chỉ duy nhất 1 trong số 175 học sinh vượt qua kì thi tốt nghiệp. Trường THPT Phong Châu (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) cũng chỉ có 1 học sinh đỗ trong số 123 học sinh tham gia thi.

 

Trường Dân tộc Nội trú Tu Mơ Rông (Kon Tum) với 1 “thoát nạn” trong số 34 thí sinh dự thi. Tại Hòa Bình, trường THPT Mai Châu B chỉ có duy nhất 1 thí sinh “vượt rào” thành công trong số 169 em dự thi....

 

Trong tình hình bi đát như vậy thì những thủ khoa 58, 59 điểm được xem là “của hiếm”. Và thủ khoa Nguyễn Đức Duy với tổng điểm 59 đã nhận được niềm vui không ngờ khi ngành giáo dục hứa sẽ tài trợ cho em trong suốt quá trình đi học ĐH. Được biết, em sẽ đi du học.

 

Nguyễn Đức Duy thực sự là con nhà “nòi”. Bố mẹ em đều là GS-TS ngành Ngôn ngữ học. Cha em là GS-TS Ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân - đang giảng dạy tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM) và mẹ là TS Trần Thị Ngọc Lang - đang công tác tại Viện KHXH&NV TPHCM. Có lẽ, em cũng là một trong những học sinh có điều kiện học tập vào hàng tốt nhất.

 

Dư luận không thể không cảm kích trước sự nhiệt tình của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và tất nhiên Nguyễn Đức Duy hoàn toàn xứng đáng với sự quan tâm đặc biệt sâu sắc của ngành giáo dục.

 

Ở vùng núi xa xôi Lào Cai, cũng còn một học sinh khác, em Đỗ Thị Thuỳ Hương, nhưng Hương chỉ đạt 58 điểm... Có lẽ Bộ trưởng không biết, vì em đã thua Duy 1 điểm hay vì em đã ở nơi quá xa xôi?

 

Những ngôi trường “Ba không” cũng lại rơi vào những nơi quá xa xôi. Và mặc dù trong thời điểm đầy “sóng gió” khi kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra này, những ngôi trường “Ba không” mới là nơi khao khát hơn cả những cuộc viếng thăm bất ngờ của Bộ trưởng.

 

“Kém cỏi nên càng thấy tủi. Giá như Bộ trưởng...” - một Hiệu trưởng “Ba không” đã không kìm được tiếng thở dài như vậy...

 

Mai Minh