Giải bài toán nói ngọng “l”, “n” từ góc độ chuyên gia

(Dân trí) - “Hiện tượng bất bình thường người ta thường quy gọi là ngọng là phát âm l và n. Chẳng hạn, “Đi Hà Nội mua cái nồi nấu cơm nếp” thì sẽ phát âm thành “Đi Hà Lội mua cái lồi lấu cơm lếp”. Toàn bộ âm n được phát âm thành l và ngược lại”.

PGS.TS Phạm Văn Tình - giảng viên kiêm nhiệm khoa Ngôn Ngữ học trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phó Tổng biên tập Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư chia sẻ với Dân trí xung quanh về việc một số học sinh các huyện ngoại thành Hà Nội phát âm l và n sai.

Hiện nay việc phát âm chưa chuẩn không phải chỉ ở Hà Nội mà ở các địa phương khác vẫn có tình trạng này. Theo PGS thì đây có phải xuất phát từ tính địa phương hay do một nguyên nhân nào khác tác động vào dẫn đến phát âm sai?

PGS.TS Phạm Văn Tình: Tiếng Việt nói chung hiện nay mình đã có dạng chuẩn bao gồm chuẩn từ vựng và chuẩn phát âm. Tuy nhiên đối với các vùng miền vẫn có sự khác nhau người ta gọi là phương ngữ. Khác biệt này có thể là về từ ngữ và cũng có thể cả về phát âm. Về góc độ ngữ pháp thì không khác nhau nhiều lắm và chúng ta cũng khó nhận ra.

Theo quan điểm của tôi thì cách phát âm của các vùng miền khác nhau là chuyện bình thường. Chẳng hạn như nếu chúng ta so sánh người Hà Nội và người miền Nam thì sẽ nhận thấy rõ điều này. Ví dụ người Hà Nội sẽ phát âm là “vui vui quá đi mất” thì người miền Nam sẽ phát âm là “zui zui quá đi mất”. Nếu so với chuẩn rõ ràng cách phát âm của người miền Nam là không đúng.

Giải bài toán nói ngọng “l”, “n” từ góc độ chuyên gia  - 1

PGS.TS Phạm Văn Tình.
Ngoài Bắc này thì cũng có một số vùng phát âm nó khác. Chẳng hạn như ở vùng Hải Hậu (Nam Định) thì người ta lại phát âm tr thành t, ví dụ con trâu trắng sẽ phát âm là con tâu tắng. Còn ở Hà Tây cũ thì người ta có thể bỏ đi một số thanh điệu, ví dụ “buổi chiều” sẽ phát âm thành “buổi chiêu”, “con bò vàng” sẽ phát âm là “con bo vang”…

Nhưng có một hiện tượng bất bình thường mà người ta thường quy gọi là ngọng đó chính là phát âm l và n. Kiểu phát âm sai này thường gây cho cảm giác người nghe thấy lạ nhất thậm chí là “hơi quê”. Chẳng hạn như, “Đi Hà Nội mua cái nồi nấu cơm nếp” thì sẽ phát âm thành “Đi Hà Lội mua cái lồi lấu cơm lếp”. Toàn bộ âm n sẽ được phát âm thành l và ngược lại. Điều đáng chú ý là có người nói được cả âm l và n nhưng họ lại thường hay lẫn lộn, không phân biệt được. Đây là lỗi sai rất cơ bản trong khi dạy phát âm và cần phải được uốn nắn kịp thời.

Theo tôi thì nguyên nhân ở đây là do thói quen của một vùng miền nào đó. Khi đã trở thành thói quen thì người ta không nhận ra được sự bất bình thường. Thật ra thì họ vẫn giao tiếp được với nhau mà không có trở ngại gì cả và chỉ khi có một người nào đó lẫn vào cộng đồng của họ thì mới phát hiện ra được sự phát âm không bình thường đó và mới đánh giá là ngọng.

Còn xét về mặt vô thanh và hữu thanh thì hai phụ âm l và n có những luật tráo đổi được cho nhau. Bộ máy cấu âm của chúng ta đôi khi vẫn hay bị chệch đối với hai phụ âm này. Ngay cả những người không bị ngọng đôi khi vẫn bị nhầm. Chính vì việc chệch đó nhưng nhưng không có sự uốn nắn thì sẽ trở thành thói quen.

Các bạn nên nhớ, ngày xưa có những cộng đồng tồn tại một cách khá là khép kín. Nó có thể nằm trong một làng hay một không gian địa lý nào đó, tự cung tự cấp và không có giao lưu mấy. Cho nên việc hòa đồng với các vùng miền khác về mặt ngôn ngữ là ít vì thế nó được bảo lưu trong một thời gian dài. Còn bây giờ hiện tượng phát âm sai l và n lan tỏa đi nhưng do có sự hòa đồng giữa các vùng miền nên việc ngọng cũng giảm đi nhưng nó vẫn tồn tại ở một số người.

Đó là về mặt phát âm nhưng thực tế thì vẫn có người khi viết cũng vẫn nhầm lẫn hai phụ âm l và n. PGS đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

Cái đó là thái độ của người khi viết chính tả, đây là câu chuyện của chữ viết mà nó liên quan đến văn hóa. Chính tả nó cũng đòi hỏi anh cần có một nhận thức về cách ghi các từ ngữ và cũng mang thói quen của tính văn hóa. Thật ra Tiếng Việt của chúng ta là một thứ chữ ghi và sử dụng văn tự chữ cái la tinh. Chúng ta ghi thế nào thì đọc thế đấy và chính điều đó mà hiện nay cũng có nhiều điểm bất hợp lý về nguyên âm và phụ âm.
 
Giải bài toán nói ngọng “l”, “n” từ góc độ chuyên gia  - 2

Sửa ngọng cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt.

Trong những cái bất hợp lý đó thì chuyện lẫn giữa l và n làm cho người ta tưởng rằng có thể ghi thế này, thế kia cũng được dẫn đến hiện tượng viết sai.

Để giải quyết bài toán phát âm sai l, n này chúng ta cần phải có yếu tố nào thưa PGS?

Trước hết phải là ý thức của người nói. Chỉ khi người ta nhận diện ra được cái lỗi đó là nặng về mặt phát âm và trong giao tiếp cộng đồng là khó chấp nhận được, tạo ra những hiệu ứng không hay trong giao tiếp thì mới sửa được. Khi người ta đã nhận diện ra rồi thì với tác động của cộng đồng, của những người xung quanh sẽ giúp cho họ khắc phục lỗi đó.

Thông thường khi đã phát âm sai quen rồi thì việc sửa gặp rất nhiều khó khăn. Bởi bộ máy cấu âm của họ phải luôn phải thay đổi chuyển cách nói. Bên cạnh đó, trong đầu họ luôn tồn tại một ý nghĩ thường trực rằng với những từ như thế thì phải nhận diện ra được đâu là đúng, đâu là sai. Nói tóm lại, để sửa được lỗi phát âm l, n phụ thuộc vào bản thân và yếu tố cộng đồng.

Tôi cũng xin lưu ý, việc sửa phải được thực hiện ở cấp tiểu học, thậm chí là ở cấp dưới hơn nữa và càng sớm càng tốt. Thói quen ngôn ngữ hình thành từ khi còn rất bé sau đó định hình phát triển dần lên. Thường một đứa bé từ khi bắt đầu nói cho đến 5 tuổi đã hình thành được một ngữ năng nhất định về từ ngữ, cách nói năng và cách phát âm. Nếu không uốn nắn ngay từ đầu thì việc phát âm sai sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng của nó.

Có ý kiến cho rằng, việc các trường sư phạm (SP) tiếp nhận những sinh viên (SV) nói ngọng sau đó họ lại đứng giảng dạy cho HS thì khó giải quyết được bài toán này. Đồng ý là chúng ta phải sửa lỗi này càng sớm, càng tốt nhưng nếu GV không “chuẩn” thì vấn đề lại càng tệ hại hơn?

Hiện nay đối với các trường SP thì nguồn đầu vào rất đa dạng. Chính vì thế không thể tránh khỏi ngôn ngữ, phương ngữ vùng này vùng kia. Tuy nhiên khi SV đã vào môi trường SP họ sẽ ý thức được, phân biệt được đâu là dạng chuẩn. Khi tham gia cộng đồng mới thì đa số họ hòa đồng được.

Còn nếu họ đã có thói quen và đã nói sai quá nặng thì khi vào học hành chắc chắn thầy cô sẽ uốn nắn. Trong các môn học của SV các trường SP thì luôn có môn chuẩn hóa về mọi mặt: chuẩn hóa về phong cách giảng dạy, chuẩn hóa về mặt ngôn từ… Do đó nếu có ý thức thì chắc chắn SV sẽ điều chỉnh được nên chúng ta không cần phải lo lắng về mặt này.

Xin cảm ơn PGS!
 
Nguyễn Hùng (thực hiện)