“Giải mã” hiện tượng đạo đức học sinh, sinh viên xuống cấp

(Dân trí) - Một bộ phận học sinh-sinh viên có ý thức phấn đấu chưa cao, thờ ơ với các vấn đề chính trị - xã hội, không xác định được mục tiêu, lí tưởng cuộc sống; có biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật...

Một số học sinh, sinh viên (HS, SV) đề cao lối sống thực dụng, ích kỉ, thích hưởng thụ, đua đòi, xa hoa lãng phí, xem nhẹ giá trị tinh thần. Không quan tâm đến cộng đồng, người xung quanh, ít tham gia các hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội và cộng đồng; sống khép mình, đề cao chủ nghĩa cá nhân, xa rời tập thể, có một số HS, SV vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây bức xúc trong nhân dân.

Đó là những đánh giá được Bộ GD-ĐT đưa ra trong thông báo kết quả Hội thảo toàn quốc về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV. Hội thảo này đã nhận được 314 báo cáo (gồm: 59 báo cáo của các sở GD-ĐT; 107 báo cáo của các trường đại học; 106 báo cáo của các trường cao đẳng; 42 báo cáo của các trường trung học, trung cấp chuyên nghiệp); Hội thảo đã xuất bản kỷ yếu gồm 33 báo cáo tham luận của các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục và đại diện các cơ sở giáo dục trên cả nước. Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến tham gia có chất lượng về đánh giá thực trạng và đề xuất những giải pháp để tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống (ĐĐLS) cho HS, SV trong thời gian tới.

Giáo dục ĐĐLS còn yếu kém và bất cập

Theo đánh giá của các chuyên gia tham dự hội thảo thì giáo dục ĐĐLS cho HS, SV là công tác quan trọng, thường xuyên, liên tục của ngành Giáo dục. Cả cán bộ, giáo viên và HS, SV đều coi trọng công tác giáo dục ĐĐLS.

Trong những năm gần đây, công tác giáo dục ĐĐLS cho HSSV đã được đổi mới nội dung và phương pháp thực hiện và thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, cùng với sự biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội và những tác động mặt trái của kinh tế thị trường, công tác này còn bộc lộ những mặt hạn chế, yếu kém nhất định. Thực tiễn cho thấy, những tồn tại, hạn chế trong công tác giáo dục ĐĐLS cho HS, SV được thể hiện khá rõ nét. Cụ thể, chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu mới hiện nay, phương pháp giáo dục ở nhiều nơi chậm đổi mới do tư duy giáo dục chưa theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

Các điều kiện đảm bảo cho công tác giáo dục ĐĐLS còn nhiều bất cập: Đội ngũ giáo viên phụ trách công tác giáo dục ĐĐLS còn thiếu, chưa được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trong các nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu vui chơi, rèn luyện sức khỏe cho HS, SV; ngân sách cấp cho công tác này chưa được ưu tiên.

Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương chưa được thể chế hóa nên nhiều cấp chính quyền thiếu chủ động trong việc đưa ra chủ trương và giải quyết các vấn đề cụ thể của công tác giáo dục tại địa phương. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội còn lỏng lẻo, cơ chế trao đổi còn yếu và xử lý thông tin chậm được xử lý.

Ngoài ra, các yếu tố tiêu cực, khách quan của xã hội thâm nhập vào nhà trường, ảnh hưởng xấu tới ĐĐLS của HS, SV. Một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và người lớn, cha mẹ HS chưa làm gương cho HS, SV noi theo. Ở các trường ĐH, CĐ, TCCN, công tác quản lý HS,SV, nhất là HS, SV ngoại trú còn rất hạn chế, chưa thực sự đảm bảo an toàn, an ninh trường học.
 
“Giải mã” hiện tượng đạo đức học sinh, sinh viên xuống cấp
Các yếu tố tiêu cực, khách quan của xã hội thâm nhập vào nhà trường, ảnh hưởng xấu tới đạo đức lối sống của HS, SV. (Ảnh minh họa)

Những giải pháp đột phá để thay đổi

Để giải quyết những vấn đề trên, Bộ GD-ĐT cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục ĐĐLS trong các nhà trường; Xác định cơ chế quản lý, phối hợp và điều kiện đảm bảo kinh phí, đánh giá kết quả sự phối hợp giáo dục đạo đức, lối sống giữa: nhà trường với gia đình, nhà trường với chính quyền địa phương và nhà trường với các tổ chức Đoàn, Đội, Hội.

Quy định nội dung, yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ, điều kiện đảm bảo và tổ chức bồi dưỡng nâng cao thường xuyên đối với cán bộ, giáo viên trực tiếp làm công tác giáo dục ĐĐLS cho HS, SV, cũng như trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo trong các nhà trường; Có quy định mới về bố trí giáo viên tư vấn học đường, hỗ trợ học tập, rèn luyện cho học sinh trong các trường phổ thông. Xem xét việc thành lập tổ/bộ phận tư vấn học đường (nhất là tư vấn tâm lý, kiến thức kỹ năng sống...) để hỗ trợ HS, SV trong mỗi nhà trường.

Ngoài ra, xây dựng cơ chế để duy trì việc đối thoại giữa cán bộ quản lý, nhà giáo và người học, giữa nhà trường và gia đình học sinh; Xây dựng cơ chế hỗ trợ, quản lý, giáo dục HS đối với Ban đại diện cha mẹ HS, tổ chức Đoàn, Đội, Hội và chính quyền, các tổ chức xã hội - chính trị tại địa phương; Đề xuất cơ chế cụ thể trong việc phối hợp giữa Bộ GD-ĐT với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương để cùng nhau triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục ĐĐLS cho HS, SV trong thời gian tới.

Thực hiện các giải pháp này thì trước mắt sẽ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như tuyên truyền cho toàn xã hội, việc giáo dục ĐĐLS cho HS, SV là nhiệm vụ chung của nhà trường, gia đình và xã hội. Xây dựng kế hoạch, tài liệu và phối hợp tổ chức truyền thông về các bài học kinh nghiệm, gương điển hình người tốt, việc tốt cho HS, SV. Tránh việc tuyên truyền một chiều (chỉ nêu các mặt trái và hạn chế của các vụ việc, hiện tượng có ảnh hưởng xấu trong HS, SV).

Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, giảng viên, cha mẹ HS về tầm quan trọng của công tác giáo dục ĐĐLS cho HS, SV.
 
Học sinh dễ buông xuôi trước những sự cố trong cuộc sống.
Giáo viên chủ nhiệm tại TPHCM tham gia công tác tập huấn về tư vấn tâm lý - giáo dục cho học sinh. (Ảnh: Hoài Nam)

Bộ GD-ĐT sẽ rà soát các văn bản hiện có, đề xuất xây dựng và ban hành đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, hướng dẫn về công tác giáo dục ĐĐLS cho HS, SV. Các văn bản cần quy định cụ thể về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức, sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác giáo dục ĐĐLS cho HS, SV trong trường phổ thông, TCCN, CĐ và ĐH.

Xây dựng chế độ, chính sách đảm bảo thực hiện công tác giáo dục ĐĐLS cho HS, SV. Các cấp quản lý và cơ sở giáo dục cần triển khai thực hiện và vận dụng có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thuộc phạm vi quản lí.

Xây dựng bộ tài liệu giáo dục ĐĐLS cho HS, SV cho phù hợp với từng đối tượng, độ tuổi và cấp học. Nghiên cứu đổi mới nội dung, tiến hành rà soát, lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức trong sách giáo khoa, giáo trình và hoạt động giáo dục theo các tiêu chí xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Đồng thời, cần xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về giáo dục ĐĐLS cho cán bộ giáo viên, giảng viên; xem xét đưa nội dung và phương pháp giáo dục ĐĐLS cho HS, SV vào chương trình đào tạo ở các trường sư phạm. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các cán bộ, giảng viên trực tiếp thực hiện công tác giáo dục ĐĐLS cần được tập huấn, cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn hàng năm…

S.H