Giải quyết thế nào với hồ sơ "ảo"?

Hà Nội phát hành khoảng trên 8 vạn mẫu hồ sơ. Có khoảng 4 vạn học sinh THPT sẽ dự thi vào các trường ĐH, CĐ. Hiện đã thu nhận khoảng 5.000 hồ sơ của thí sinh vãng lai và đang tiếp nhận hồ sơ do các trường THPT chuyển về.

Các sở GD-ĐT trên cả nước hiện nay vẫn tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) của thí sinh nộp theo tuyến trường THPT, chỉnh sửa sai sót, nhập dữ liệu vào máy tính. Dự kiến khoảng từ 20 đến 25/4 công việc này sẽ hoàn tất để chuyển giao cho các trường. Mặc dù nhiều sở GD-ĐT đều cho biết chỉ phát hành trung bình 2 bộ hồ sơ/ thí sinh, căn cứ vào ước tính số thí sinh đang học lớp 12 và số thí sinh tự do. Nhưng trên thực tế, có những thí sinh đã nộp trên dưới 10 bộ hồ sơ.

 

Việc phát sinh hồ sơ "ảo", thí sinh ĐKDT "ảo" là vấn đề không thể giải quyết triệt để trong các năm qua. Và việc khống chế số lượng hồ sơ phát hành cũng không phải giải pháp hữu hiệu.

 

Tại điểm thu nhận hồ sơ vãng lai của Hà Nội, có không ít thí sinh nộp từ 5 bộ hồ sơ trở lên. M.A, một thí sinh nộp đến 7 bộ hồ sơ ĐKDT vào các trường ĐH khu vực HN và Đà Nẵng cho biết: “Em đang là sinh viên trường ĐH dân lập Phương Đông. Năm 2004 em trượt NV1 và đỗ NV2 vào trường ĐH Phương Đông. Vào trường đó học vì nghĩ ở nhà chờ thi lại cũng lãng phí thời gian. Trong trường hợp thi các năm sau không đỗ, vẫn tiếp tục học ở trường cũ để có bằng đại học”.

 

Cách tính toán trên là phổ biến đối với một bộ phận sinh viên từng thi đỗ và đang theo học tại các trường ĐH dân lập hoặc CĐ.

 

Cũng vì điều này mà hơn một lần ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng trường ĐHDL Phương Đông khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng xây dựng điểm chuẩn ở mức trung bình để lấy những thí sinh có NV1 vào trường tôi, thay vào chỗ dành NV2 để thu hút những thí sinh có kết quả thi cao hơn. Bởi việc những thí sinh vào trường theo NV2 giống như việc "ép duyên", trước sau họ cũng sẽ ra đi. Có những năm trường Phương Đông phải chấp nhận cho cả trăm sinh viên rời trường vì thi đỗ vào trường khác. Những thí sinh "chân trong, chân ngoài" đó, không thể là những sinh viên học tốt được”.

 

Theo bà Tạ Song Hà, Phó phòng GDCN, Sở GD-ĐT Hà Nội thì sở GD-ĐTHN chỉ phát hành 8 vạn bộ hồ sơ, dự kiến mỗi thí sinh mua và nộp 2 bộ hồ sơ. Trên thực tế, số thí sinh nộp 2- 3 bộ hồ sơ là phổ biến, có một số chỉ nộp 1 bộ hồ sơ.

 

Nhưng ghi nhận của chúng tôi ở một số trường sau ngày 10/4, số thí sinh nộp 4-5 bộ hồ sơ vẫn nhiều. Có trường THPT thu nhận số hồ sơ gấp ba số HS đang học lớp 12.

 

Trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006", thí sinh chỉ có thể biết được tên ngành đào tạo, chỉ tiêu tuyển, khối thi. Nhưng thông tin để thí sinh có thể quyết định ngay ngành đăng ký dự thi thì lại nghèo nàn.

 

Theo thống kê trong mùa tuyển sinh năm nay có đến trên 30 ngành đào tạo mới được mở ở các trường ĐH, CĐ. Nhưng nhiều ngành đào tạo thí sinh chỉ nghe tên mà không rõ ngành đào tạo chuyên môn gì, ra trường làm việc trong lĩnh vực nào. Ông Bùi Duy Cam, Hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên cho biết: Những năm trước, để thu hút thí sinh có chất lượng đầu vào cao vào các ngành cần nhân lực cỏ chất lượng, như Địa chất, Môi trường, Thuỷ văn - Hải dương học... trường đã mở hệ cử nhân tài năng ở các ngành này. Nhưng gần đây nhiều trường cũng mở "cử nhân tài năng" nên các ngành học trên của trường vốn không phải là các ngành hấp dẫn khó thu hút được những thí sinh xuất sắc nhất vào học. Trên thực tế đó cũng là những ngành học ít thí sinh đăng ký.

 

Hay ngành Công tác xã hội, theo bà Đặng Kim Nhung, Phó hiệu trưởng ĐHDL Thăng Long thì đó là ngành rất phát triển trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, đây là ngành mới, nhiều người không hiểu học ngành này ra trường làm gì nên quá ít người muốn đăng ký.

 

Sự chênh lệch số thí sinh đăng ký giữa các khối thi và tình trạng "ảo" xảy ra là do thông tin ngành nghề cho HS lớp 12 nói riêng và thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ nói riêng quá nghèo nàn. Việc tổ chức tư vấn trực tiếp hay thông qua tài liệu, các phương tiện thông tin đại chúng đến thí sinh của các trường còn hạn chế, nếu không nói là quá yếu.

 

Những năm qua, không ít trường ĐH đã kêu trời vì phải "bù lỗ" vì thí sinh "ảo" khi thí sinh dự thi thực tế chỉ đạt 60-70% so với số ĐKDT. Thí sinh ảo là một trong những yếu tố gây phức tạp cho việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển ở các trường.

 

Giải quyết được khâu yếu kém này, đẩy mạnh công tác phân luồng HS cuối cấp THPT, rất có thể sẽ cải tạo được một phần rõ rệt tình trạng hồ sơ "ảo", thí sinh "ảo".

 

Theo Giáo dục và thời đại