Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Cương quyết chống lạm thu

(Dân trí) - “Với tư cách một người làm giáo dục thì chúng tôi làm dứt khoát nói "Không"với lạm thu", chiều 8/9, ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, chia sẻ với Dân trí</i>.

"Ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT TPHCM có văn bản nhắc nhở các trường không được lạm thu với bất kỳ hình thức nào. Đặc biệt nhận được phản ánh nơi nào thu vượt, Sở sẽ đi kiểm tra ngay và nếu phát hiện sai phạm, xử lý thật nghiêm".
 
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Cương quyết chống lạm thu - 1
Tiến sỹ Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM.

Được biết, mức học phí áp dụng cho năm nay ở TPHCM không tăng. Liệu có khả năng phát sinh nguy cơ lạm thu ở các trường không và Sở GD-ĐT có chế tài đối với những khoản thu ngoài quy định không, thưa ông? 

Cứ mỗi mùa tựu trường, mọi người thường đặt vấn đề lạm thu nhưng chỉ đạo của UBND thành phố cũng rất rõ là những khoản thu trong nhà trường phải đúng theo hướng dẫn liên tịch tài chánh và giáo dục 1457 ban hành từ năm 1998.

Mỗi đầu năm học, Sở lại nhắc về văn bản đó để các trường thực hiện cho đúng. Xuất phát từ mức thu nhiều loại theo 1457 quy định 10 năm nay có nhiều đối tượng khác nhau, mức độ phục vụ, yêu cầu khác nhau. Nào là tiền bán trú, tiền vệ sinh, học phí, thậm chí có những trường tổ chức thu hộ bảo hiểm y tế nên tính ra cũng có nhiều khoản. Nếu phụ huynh phối hợp với nhà trường một bên thông tin đầy đủ, một bên nghe và chia sẻ thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, thường xảy ra tình trạng thông tin không đầy đủ cũng như sự tiếp nhận không rõ ràng dẫn đến những dư luận không hay về học phí.

Nhưng năm nào cũng vậy, vào đầu năm học, báo chí liên tục thông tin về việc lạm thu. Sở có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

Trong những năm qua, chúng tôi vẫn chưa phát hiện trường hợp trường nào lạm thu. Có thể phụ huynh học sinh không đi họp theo thông báo của nhà trường, hoặc không nghe phổ biến đầy đủ về các khoản thu, nên mới bức xúc, thông tin thiếu chính xác. Nhận được phản ánh, chúng tôi luôn cho thanh, kiểm tra nhưng xác minh lại thì thấy thông tin không chính xác. Ngành luôn có quy định thu rõ ràng. Nếu ai thu sai, chắc chắn sẽ bị kỷ luật.

Hình thức kỷ luật mà ông nói cụ thể như thế nào?

Tùy vào mức độ mà có hình thức xử lý khác nhau. Nhẹ thì phê bình, khiển trách, nặng có thể hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc. Hiện tại, TPHCM có khoảng 1,5 triệu học sinh, tương đương với khoảng 1,5 triệu gia đình có con đi học. Vì uy tính của ngành, chúng tôi cương quyết không để tình trạng này xảy ra, đó là chỉ vào trường làm sai mà lại gây ảnh hưởng đến toàn ngành giáo dục.   

Nhiều phụ huynh băn khoăn bởi ngoài khoản thu do sở quy định thì còn những khoản khác gọi là đóng góp tự nguyện. Như vậy, có những quy định nào về những khoảng tự nguyện hay không, thưa ông?

Không có khoản thu tự nguyện nào khác ngoài quy định mà tôi vừa nói ở trên. Còn hoạt động của các phụ huynh trên cơ sở thấy rằng làm sao để cho con em mình trong năm học có những điều kiện thuận lợi về học tập. Lúc bấy giờ sẽ có ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường quyết định những hoạt động đó.

Việc bầu ra một ban đại diện cha mẹ học sinh cũng phải đúng chuẩn mực. Ban đại diện đó sẽ trưng cầu ý kiến phụ huynh để chọn ra những công trình thiết thực cho việc dạy và học trong năm học. Tiếp theo đó là bàn phương án thực hiện công trình đó như thế nào có thể là gây quỹ hoặc kêu gọi các mạnh thường quân đầu từ chứ không phải đơn thuần thu phí từ trong phụ huynh. Nếu có thu cũng không thu đại trà tức là thuộc về lĩnh vực tự nguyện để tham gia vào chương trình của ban đại diện. 

Xin cảm ơn ông!

Lê Phương