Giảm tải: “Nhát cắt” đầu tiên đã phạm dao

Đầu năm học 2005-2006, các trường tiểu học được chỉ đạo không sử dụng bộ sách bài tập để giảm tải và tránh tốn kém cho học sinh. Thế nhưng, thực tế cho thấy thầy và trò tiểu học càng vất vả hơn, chưa kể lãng phí hàng chục tỷ đồng vì sách đã in xong từ trước.

“Vừa qua, chúng tôi nhận được chỉ đạo từ ban giám hiệu nhà trường không cho sử dụng sách bài tập trong giờ dạy chính khóa. Tại sao lại có quyết định kỳ lạ này? Vậy số sách bài tập học sinh đã mua để làm gì ?”, nhiều giáo viên tiểu học đã bày tỏ bức xúc như vậy.

 

Phá sản

 

Bộ sách bài tập tiểu học được Nhà Xuất bản Giáo dục in từ trong hè để phục vụ cho hơn 7,7 triệu học sinh tiểu học trong năm học mới 2005-2006. Tất cả đã được in, đã được phát hành. Tại sao lại cấm?

 

Tìm hiểu quy định của Sở GD-ĐT TPHCM, chúng tôi thấy văn bản số 1388/GD-ĐT-TH ngày 28/9/2005 của Sở GD-ĐT TPHCM ghi rõ: “Học sinh không dùng sách tham khảo (các loại sách ngoài sách giáo khoa) trong tiết học chính khóa”.

 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với cô Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1). Cô Điệp nói: “Trong đợt tập huấn hè, chúng tôi đã nghe nói quy định bỏ sách bài tập nhưng sách này được đóng bộ bán kèm với sách giáo khoa nên nhiều phụ huynh đã lỡ mua”.

 

Để tránh lãng phí, nhà trường đã vận dụng dùng sách bài tập ở buổi học thứ hai, giúp học sinh luyện tập nhằm tránh quy định không dùng sách bài tập trong giờ chính khóa (buổi thứ nhất). Trong khi đó, giờ học chính khóa học sinh vẫn phải luyện tập, do đó lại “đẻ” ra thêm quyển vở bài tập. Đây là quyển vở trắng, học sinh sẽ viết đề bài và làm bài tập vào đó.

 

Không chỉ có học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm lâm vào cảnh này, hầu hết các trường tiểu học ở TPHCM và nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn sử dụng sách bài tập cách này hoặc cách khác vì đã lỡ mua.

 

Theo ông Trịnh Quốc Thái, Vụ trưởng Vụ Tiểu học Bộ GD-ĐT, bộ yêu cầu bỏ sách bài tập trong giờ học chính khóa là để tránh tốn kém cho xã hội, đồng thời giảm áp lực cho học sinh. Nhưng thực tế thì ngược lại, nhiều phụ huynh còn phải mua thêm vở cho con làm vở bài tập, hai mục tiêu giảm tốn kém và giảm tải như vậy đã phá sản.

 

Quyết định máy móc

 

Nhưng câu chuyện bỏ sách bài tập không chỉ dừng lại ở đó, mà theo các hiệu trưởng cũng như giáo viên tiểu học thì việc không cho sử dụng trong giờ học chính khóa là quyết định máy móc.

 

Trước đó, bộ sách bài tập tiểu học được in cùng với sách giáo khoa và được xem như sách nằm trong chương trình học. Học sinh làm bài tập trực tiếp vào phần để trống trong sách bài tập mà không cần chép lại đề bài, do đó không tốn thời gian cho việc chép đề.

 

Tại Trường Tiểu học Minh Đạo, (Q.5), do không được dùng sách bài tập, giáo viên ở đây phải dùng phiếu bài tập, là những tờ giấy photocopy có sẵn đề bài để học sinh điền vào khi làm bài.

 

Thầy Lưu Phương Thanh Bình, phụ trách lớp 3, nói: “Việc dùng phiếu photocopy rất tốn kém và mất thời gian cho giáo viên hơn là dùng sách bài tập. Nhưng nếu không photo sẵn đề bài cho học sinh mà bắt các em chép ra vở thì phải mất cả 20-30 phút các em mới chép xong đề bài”.

 

Ông Trần Minh Châu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ (Q.10), cũng tán đồng với ý kiến này: Bộ quy định thì các trường phải thực hiện nhưng việc sử dụng sách bài tập trên lớp rất thuận lợi cho giáo viên và học sinh. Hiện nay, không sử dụng sách bài tập, học sinh phải chép lại đề bài vào vở bài tập rất mất thời gian.

 

Chỉ là hình thức

 

Nhiều giáo viên không ngại ngùng đánh giá: Việc quá tải là do chương trình chứ không phải là các sách bài tập. Thực tế cho thấy bỏ sách bài tập không giảm tải được chút nào mà còn gây quá tải cho học sinh và mệt mỏi cho giáo viên do phải chạy đua với thời gian vốn đã ít ỏi.

 

Một quyết định đưa ra không được sự hưởng ứng của người thực hiện cho thấy nó không xuất phát từ thực tế, không đi từ bức xúc thật sự của cơ sở. Thậm chí có người ví nó chỉ là hình thức nhằm trấn an dư luận.

 

“Nhát cắt” giảm tải đầu tiên: bỏ sách bài tập, hiệu quả chưa thấy đâu mà dư luận giáo viên phản ứng ngày càng nhiều.

 

 

Theo Người Lao Động