Nghệ An:

Giảm tỷ lệ học sinh bỏ học nhờ mô hình Trường học mới VNEN

(Dân trí) - Mô hình trường tiểu học mới (VNEN) được triển khai tại 3 trường thuộc vùng khó khăn, biên giới của huyện Tương Dương (Nghệ An). Qua 3 năm được triển khai, mô hình này đã mang đến sự chuyển biến tích cực về đổi mới phương pháp dạy học.

Với mô hình trường tiểu học mới, học sinh đã được chủ động, sáng tạo trong học tập, chủ động tìm tòi kiến thức, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hợp tác, kỹ năng ứng xử, kỹ năng hoạt động tập thể ... để từ đó hình thành và phát triển năng lực bản thân.

Nhận thấy tính ưu việt của nó, ngành giáo dục huyện biên giới Tương Dương đã chỉ đạo các đơn vị vận dụng những yếu tố tích cực của mô hình vào quá trình dạy học chương trình hiện hành. Việc vận dụng đã đem lại hiệu quả tích cực, làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của huyện.

Giảm tỷ lệ học sinh bỏ học nhờ chương trình trường học mới
Góc học tập của học sinh của một số Trường tiểu học ở huyện biên giới Tương Dương của dự án trường học mới VNEN.

Là một trong những trường khó khăn của huyện Tương Dương, Trường tiểu học Yên Tĩnh 2 có 21 lớp, với 280 học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số trong diện khó khăn. Những năm trước Trường tiểu học Yên Tĩnh 2 là một trong những trường có tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng còn cao, chất lượng học sinh còn thấp.

Tuy nhiên, năm học 2013-2014, được sự chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện, Trường tiểu học Yên Tĩnh 2 đã xây dựng mô hình, môi trường lớp học cho học sinh như: các bảng biểu, các góc học tập, góc cộng đồng, góc thư viện... Không có nguồn hỗ trợ của dự án VNEN nhưng nhà trường đã vận dụng nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn khác của Nhà nước để thực hiện.
 
Giảm tỷ lệ học sinh bỏ học nhờ chương trình trường học mới
Nằm sát biên giới Việt - Lào, Trường Tiểu học Yên Tĩnh 2 huyện Tương Dương (Nghệ An) đã được đầu tư và tạo môi trường học cho các em nơi đây được học tốt hơn.

Ngoài ra, trường còn chú trọng xây dựng khuôn viên trường, lớp đảm bảo xanh sạch, đẹp. Song song với việc xây dựng môi trường lớp học, nhà trường đã chỉ đạo việc tổ chức dạy học theo mô hình trường tiểu học mới tại một số lớp. Sau một thời gian ngắn, việc vận dụng yếu tố tích cực của dự án đã tạo sự thích thú tự tin trong giao tiếp cho học sinh, đặc biệt trong năm học 2014-2015, trường đã không có học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh đạt yêu cầu có sự chuyển biến rõ rệt.

Học sinh được trải nghiệm trong từng môn học từ dự án trưởng học mới VNEN.
Học sinh được trải nghiệm trong từng môn học từ dự án trưởng học mới VNEN.

Thầy Nguyễn Đăng Hải chia sẻ: “Vào đầu năm học 2013-2014 nhà trường đã vận dụng các yếu tố tích cực của mô hình trường tiểu học mới vào 8 lớp, thấy hiệu quả nên 2014-2015 nhà trường đã nhân rộng thêm 7 lớp nữa. Trong quá trình dạy học thì thấy rõ nhất là phát huy được vai trò học sinh, học sinh biết chủ động học tập, vui vẻ thoải mái giữa cô và trò, trong lớp được trang trí thân thiện, từ đó góp phần nâng cao chất lượng học sinh”.

Còn với trường Tiểu học Tam Thái, trường có nhiều điểm thuận lợi hơn, nhưng phần lớn các em là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên trong giao tiếp các em thiếu mạnh dạn. Xét điều kiện thực tế của nhà trường, năm học 2013-2014, trường đã lựa chọn yếu tố: “Xây dựng môi trường lớp học và tổ chức lớp học” theo mô hình trường tiểu học mới. Cũng bằng cách vận dụng nguồn xã hội hóa giáo dục, nhà trường đã bổ sung cơ sở, vật chất trang thiết bị dạy học phù hợp với yêu cầu của việc tổ chức dạy học.

Học sinh Tiểu học Yên Tĩnh 2 học trong môi trường Trường tiểu học mới VNEN.
Học sinh Tiểu học Yên Tĩnh 2 học trong môi trường Trường tiểu học mới VNEN.

Bàn ghế trong lớp được sắp xếp một cách hợp lý, tạo điều kiện cho việc chia sẻ, hợp tác trong các nhóm học sinh. Cuối lớp học cũng được trang trí các góc học tập như góc tự nhiên xã hội, góc Toán, góc tiếng Việt, góc thư viện mi-ni ... Đặc biệt trường đã phối hợp với Hội phụ huynh làm các vật dụng gần gũi với đời sống các dân tộc để trưng bày, điều này giúp các em thêm yêu quê hương và không quên những tập quán cũ của dân tộc mình.

Cô Thái Thị Hoài Giang - giáo viên Trường tiểu học Tam Thái cho biết: “Qua một thời gian vận dụng một số yếu tố tích cực từ chương trình VNEN (mà chúng tôi còn gọi là chương trình bán VNEN) tôi thấy đem lại hiệu quả khá cao. Đối với học sinh các em được trải nghiệm tìm được kiến thức cần học trong mỗi bài học, phần kỹ năng sống các em tốt hơn, giao tiếp, chia sẻ, hợp tác với người xung quanh tốt hơn. Với giáo viên thì phải tận tình chủ động đưa ra những bài dạy phù hợp với đối tượng học sinh, khi đó mới giúp đỡ, hướng dẫn các em tiếp cận bài học tốt hơn”.

Sau hơn 2 năm chỉ đạo việc vận dụng những yếu tố tích cực của mô hình trường tiểu học mới vào chương trình hiện hành, toàn cấp học đã có 25 trường thực hiện, trong đó có 254 lớp xây dựng được môi trường lớp học và 275 lớp đã áp dụng cách thức tổ chức dạy học, nhất là tại các lớp ghép.

Học sinh Tiểu học Yên Tĩnh 2 học trong môi trường Trường tiểu học mới VNEN.
Học sinh Trường tiểu học Tam Thái được học dưới sự giám sát của giáo viên theo tiêu chuẩn trường tiểu học mới VNEN.

Quá trình tổ chức thực hiện đã làm thay đổi tích cực trong nhận thức của cả giáo viên, học sinh và phụ huynh, trong môi trường vừa học vừa chơi đã thu hút các em đến lớp đông đủ hơn, sỹ số học sinh không còn thất thường như trước đây, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên.

Tuy nhiên để đạt được kết quả đó, ngành Giáo dục huyện Tương Dương đã trải qua không ít khó khăn.

Bà Võ Thị Tuyết Chinh - Phó Phòng GD&ĐT Tương Dương chia sẻ: “Khi nhận thấy tính hiệu quả của chương trình VNEN, việc đầu tiên chúng tôi làm là đưa cán bộ quản lý, cốt cán của các trường thực hiện chương trình hiện hành đến tham quan, hội thảo tại trường thực hiện Dự án VNEN để học tập và trao đổi, lựa chọn những yếu tố có thể áp dụng được, rồi phải trải qua nhiều cuộc tập huấn, hội thảo, đúc rút kinh nghiệm, dự giờ tư vấn...

Vật dụng được trưng bày tại các góc học tập của dự án trường tiểu học VNEN.
Vật dụng được trưng bày tại các góc học tập của dự án trường tiểu học VNEN.

Trong quá trình triển khai chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn đó là nhiều trường chưa đủ kinh phí để xây dựng môi trường lớp học, một số ít giáo viên năng lực còn hạn chế, vẫn còn ngại đổi mới nên việc thực hiện chưa thực sự đồng bộ ở tất cả các lớp, một số lớp có hiệu quả chưa cao”.

“Qua việc vận dụng mô hình trường học kiểu mới cho thấy, hầu hết giáo viên, học sinh ở các trường học đã thích nghi với phương pháp dạy học mới, chuyển đổi vai trò của giáo viên từ giảng dạy, truyền thụ kiến thức sang tổ chức, hướng dẫn, giám sát học sinh học. Học sinh, từ chỗ học tiếp thu chuyển sang tự học dưới sự hỗ trợ của giáo viên đã tốt hẳn lên, khá hơn…”, bà Chinh cho biết thêm.

May Huyền - Nguyễn Duy
 
 

Mọi thông tin,ý kiếnđóng gópcho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!