Vụ vi phạm quy chế thi giữa “lòng” Bộ Giáo dục:

Gian lận tình cờ hay có tổ chức?

(Dân trí) - Tại cuộc họp khẩn cấp diễn ra vào chiều 16/9, ông Nguyễn Quốc Anh, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết: Đối với trường hợp của bà Đào Thị Bình, người được xem là “nhân vật chính” trong <a href=" http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/9/141070.vip"> cuộc gặp gỡ bốn bên</a> diễn ra ngay sau khi bắt đầu buổi thi công chức 30 phút, lãnh đạo Bộ đang đặc biệt cân nhắc trong cách xử lý vì “việc này liên quan đến sinh mạng chính trị của con người”.

Trong cuộc họp với sự tham dự của hơn 40 cán bộ bàn về vấn đề làm rõ vụ việc tiêu cực trong kỳ thi tuyển công chức diễn ra ngay giữa “lòng” Bộ GD-ĐT, người chịu trách nhiệm phát ngôn cho của vụ việc này - ông Nguyễn Quốc Anh, cho hay: “Vào ngày thứ 2 (18/9), sau khi nhận bản tự kiểm điểm của chị Bình, Văn phòng Bộ sẽ họp lại một lần nữa, chính thức đề xuất hình thức và mức độ xử lý.”

 

Vào sáng mai, bà Bình sẽ phải tiếp tục nộp bản tường trình. Đây là bản tường trình thứ 4 trong vòng 3 ngày qua.

 

Sự gặp gỡ hết sức “bình thường” của những người họ hàng?

 

Theo bản tường trình của bà Bình về các diễn tiến của cuộc gặp gỡ  vào buổi sáng hôm thi tiếng Anh, thì vào trước lúc diễn ra buổi thi này khoảng 30 phút, bốn người gồm: bà Bình, bà Hiền (giáo viên Tiếng Anh), ông Phúc (chồng bà Hiền) và ông Việt (em ruột bà Hiền, là một trong hai thí sinh có liên quan) đã gặp nhau. Cũng theo giải trình của bà Bình thì đến lúc đó, bà mới biết mặt ông Việt thông qua sự giới thiệu của bà Hiền và ông Phúc.

 

Tuy nhiên, sau đó, khi cuộc thi đã diễn ra 30 phút, hai thí sinh Việt và Hoa (thí sinh Hoa là em ruột của bà Bình) lại tiếp tục “tình cờ” xin ra ngoài đi vệ sinh và “tình cờ” có cuộc gặp gỡ với các chị ruột của mình ngay trong buổi thi!

 

Nếu như bà Hiền không phải là một giáo viên tiếng Anh và sự xuất hiện của bà không phải trong buổi thi tiếng Anh thì cuộc gặp gỡ này giữa những người họ hàng có lẽ sẽ đỡ mang tính bất thường hơn.

 

Chưa thể kết luận là gian lận có tổ chức

 

Kết thúc buổi họp khẩn cấp về vụ tiêu cực này, ông Nguyễn Quốc Anh bày tỏ quan điểm của mình rằng: “Việc xem xét xử lý những vấn đề liên quan đến chị Bình phải theo đúng quy định về xử lý cán bộ, công chức. Chúng tôi phải cân nhắc thêm những chứng cứ khác.

 

Trên kết quả của những bản thẩm tra của các cá nhân có liên quan khác, cộng thêm  điều tra của các cơ quan chức năng của Bộ, chúng tôi mới có thể kết luận. Vì trách nhiệm của Văn phòng là cố gắng để chị Bình trung thực, tạo điều kiện tối đa để chị hợp tác làm rõ những vấn đề liên quan”.

 

Cũng theo ông Quốc Anh thì “trên cơ sở những gì chị Bình tự giải trình và kiểm điểm, anh chị em ở Văn phòng đã chân thành góp ý cho chị. Đến nay, chị Bình đã có 3 bản giải trình. Lần đầu tiên, ngày 13/9, chị Bình tự nguyện, chủ động viết và gửi cho Bộ trưởng và hai Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng và Phạm Vũ Luận.

 

Sau đó, ngày 14/9, theo yêu cầu của bộ phận thường trực Hội đồng tuyển dụng công chức, chị Bình có bản giải trình thứ 2. Còn bản chính thức mà chúng tôi yêu cầu chị Bình làm là theo chỉ đạo của Bộ trưởng. Đây là bản tự kiểm điểm. Thực sự mà nói, so với 2 bản đầu, thì bản tự kiểm điểm này đã đầy đủ hơn, sâu sắc hơn.

 

Những góp ý của anh chị em mà chị Bình muốn tiếp thu trở lại, chúng tôi cũng tạo điều kiện. Cuối cùng, Văn phòng Bộ đồng ý cho chị Bình tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh lần nữa bản tự kiểm điểm và nộp vào sáng thứ 2”.

 

Thứ 3, ngày 19/9, Văn phòng Bộ phải có báo cáo lên Bộ trưởng kết luận cuối cùng về sự việc tiêu cực. Đến thời điểm này, ông Quốc Anh vẫn khẳng định rằng chưa thể kết luận đây là một vụ gian lận có tổ chức.

 

Nhóm PV Giáo dục