Giản Tư Trung - Người trồng “cây khát vọng”

“Kết nối sức mạnh của đông đảo mọi người, huy động những nguồn lực từ kho tàng tri thức nhân loại vì một giấc mơ chung, chính là chúng ta đang gieo hạt giống cho: Cây khát vọng”. Ông Giản Tư Trung - Chủ tịch sáng lập Tổ chức Giáo dục PACE - triết lý.

Ý tưởng "lạ" cho SachHay.com

Mới ra đời từ tháng 4/2008, nhưng www.SachHay.com đã thành công ngoài sức tưởng tượng, thu hút hàng triệu lượt độc giả cũng như các nhà trí thức tham gia. Điều này đã gây trí tò mò đối với độc giả về ý tưởng xây dựng trang web...?

Trong một đại dương mênh mông của tri thức, làm thế nào để lọc ra tinh hoa tri thức và làm lan tỏa đến với càng nhiều người càng tốt?... Rõ ràng, một trong những cách hiệu quả nhất và nhanh nhất là dùng sách. Vậy có cách nào để giúp mọi trong xã hội đều biết phân biệt đâu là sách hay, đâu là sách rác... trong tất cả mọi lĩnh vực? Lúc đầu, chúng tôi quyết định làm một trang web cá nhân nhằm đưa những quyển sách hay mà mình biết lên, và nó đã trở thành tiền đề cho sự ra đời của SachHay.com. Mục tiêu của SachHay.com là trở thành địa chỉ để mỗi người có thể tìm kiếm được những cuốn sách tốt cho mình và giới thiệu được những cuốn sách “đắt giá”, có ý nghĩa mà mình biết cho mọi người. Mọi cuốn sách giới thiệu trên SachHay.com đều đã được phép xuất bản tại Việt Nam, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt.

Theo ông, yếu tố quan trọng nào khiến SachHay.com thành công?

Nếu muốn thành công đột phá thì ta phải đi con đường chưa ai từng đi, làm những việc chưa ai từng làm. Chúng ta cũng đừng nghĩ chỉ học theo thế giới, mà phải sáng tạo ra những thứ để thế giới phải học lại. Nghĩ thì chưa chắc đã làm được, nhưng trước hết phải dám nghĩ đã. Tuy nhiên, thời đại ngày nay, dám nghĩ hay dám làm không thôi thì chưa đủ, mà phải biết cách làm và làm tới cùng. SachHay.com đã làm được điều đó.

Những lợi ích mà SachHay.com đem lại cho xã hội, cho cộng đồng không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, nó có những đòi hỏi nhất định như phải có máy tính, internet và có tiền mua sách. Vậy thì những người dân nghèo và những người ở vùng sâu, vùng xa sẽ khó tiếp cận được...?

Song song với dự án SachHay.com, Hội đồng sáng lập SachHay.com chúng tôi cũng đã phối hợp với các nhà xuất bản, các tác giả trên cả nước để hình thành ThuVienOnline, một thư viện trên mạng, có tính mở, có bản quyền và hoàn toàn miễn phí, và đồng triển khai Dự án Giáo dục OneBook (một cuốn sách) để đáp ứng nhu cầu đọc cho những đối tượng còn nhiều khó khăn. Mục đích của Dự án OneBook là kêu gọi mỗi người dân Việt Nam hãy gửi tặng ít nhất một cuốn sách (sách hay) cho con vùng sâu vùng xa, trẻ em đường phố, công nhân lao động nghèo, sinh viên nghèo, chiến sĩ biên giới hải đảo... và cả phạm nhân nhà tù. Điều đáng mừng là suốt từ đó đến nay, chúng tôi liên tục nhận được hàng vạn cuốn sách hay từ các nơi gửi về để gửi đến những người đang cần sách mà không có điều kiện. Mỗi cuốn sách trị giá trung bình là 30.000 đồng. Chúng tôi đang nhận được sự ủng hộ rất lớn của xã hội trong dự án này.

"Vì người" là cách "vì mình" khôn ngoan nhất

Thời gian gần đây, cái tên Giản Tư Trung còn được gắn với Dự án "Phát triển hạt giống lãnh đạo doanh nghiệp". Ông có thể chia sẻ một chút về dự án này?

Dự án này do những doanh nhân, những trí thức tâm huyết và Trường Doanh Nhân PACE - một thành viên của Tổ chức Giáo dục PACE, cùng phối hợp sáng lập và triển khai thực hiện. Mục tiêu của Dự án là tuyển chọn những người trẻ ưu tú, có khát vọng và có tố chất lãnh đạo trên cả nước để đào tạo miễn phí, nhằm giúp họ trở thành những nhà lãnh đạo doanh nghiệp tài năng, sau này góp phần hướng đến một thế hệ doanh nhân mới có khát vọng và có khả năng đua tranh mạnh mẽ cùng thế giới.

Những dự án giáo dục mà ông cùng cộng sự đang làm cho thấy không đơn giản. Song điều mà người ta băn khoăn chính là tại sao ông cứ phải lao mình vào những công việc đầy thách thức đó trong khi không có lợi nhuận gì cả?

Trong các khóa học mà tôi có cơ hội đứng lớp, thì tôi vẫn thường chia sẻ với các anh, chị và các bạn học viên rằng: "vì người là cách vì mình khôn ngoan nhất". Khi làm một điều gì đó mà muốn bền vững thực sự thì phải đặt trên nền tảng là "vì mình". Có rất nhiều cách "vì mình", nhưng đâu là cách "vì mình" khôn ngoan nhất? Theo tôi, cách "vì mình" khôn ngoan nhất là "vì người". Khi biết đặt cái riêng nằm lọt trong cái chung thì vì cái chung sẽ có cái riêng. Tuy nhiên, quan điểm này còn tùy thuộc vào "ý thức hệ" của mỗi người rằng tôi tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình ở đâu, ở tiền tài, địa vị, danh vọng hay ở những giá trị đóng góp cho đời.

Do vậy, cái quan trọng nhất là mình có làm được điều gì đó thực sự có ích cho xã hội hay không. Khi bạn làm được điều gì đó thực sự có giá trị cho xã hội thì tất cả những điều bạn muốn có sẽ có hết, xã hội sẽ cho bạn đủ, thậm chí là dư thừa... với điều kiện bạn phải xả thân.

Giá như có nhiều người trong xã hội, nhất là những người làm trong lĩnh vực giáo dục muốn "vì mình" theo cách như trên thì chắc hẳn chất lượng giáo dục, đào tạo của Việt Nam sẽ khác...?

Tôi nghĩ, trong ngành giáo dục của nước nhà cũng có rất nhiều người tâm huyết, sẵn lòng dốc sức vào sự nghiệp chung. Nhưng có lẽ, tâm huyết không thì vẫn chưa đủ và còn phải biết cách làm nữa. Như trong giáo dục đại học của ta hiện nay, ai cũng biết so với thế giới, chúng ta còn một khoảng cách khá xa. Có rất nhiều nguyên nhân, từ cơ chế vĩ mô, cho đến nhà trường, nhà giáo và cả người học nữa... Nhưng ở đây tôi chỉ muốn đề cập đến nguyên nhân từ nhà trường. Đã đến lúc ta phải thay đổi tư duy và nhận thức về nhà trường. Đại học và doanh nghiệp khác nhau ở chỗ, doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, còn đại học thì không thể vì mục tiêu lợi nhuận, mà phải vì mục tiêu giáo dục, tức là, phải tạo ra được những “con người sản phẩm” như mong đợi. Tuy nhiên, đại học hoàn toàn có thể được quản lý như một doanh nghiệp, chỉ khác doanh nghiệp về mục tiêu mà thôi. Nghĩa là dùng cơ chế doanh nghiệp để quản lý một trường học, khi đó mọi thứ sẽ khác đi rất nhiều. Và khi đó, hiệu trưởng vừa là một nhà quản trị chuyên nghiệp, vừa là một nhà giáo dục.

Người trồng “cây khát vọng”

Theo ông, sự khác biệt lớn nhất để đánh giá "sản phẩm" giữa các trường nổi tiếng và những trường tầm thường là gì?

Ngày nay, nhờ sự phát triển của giao thông và truyền thông, nên có nhiều sự bình đẳng hơn về mặt tri thức giữa các quốc gia. Bây giờ sinh viên Đại học Harvard đọc sách gì thì sinh viên ở một trường đại học bất kỳ ở Việt Nam cũng có thể đọc những cuốn sách đó. Do vậy, quan trọng là học cái tinh thần, cái tư tưởng, triết lý của nhà trường. Chẳng hạn như, bất cứ ai bước vào một trường danh tiếng trên thế giới đều có một điểm giống nhau là sau khi ra trường, dù làm kinh doanh hay bất cứ nghề gì, chắc chắn họ luôn luôn ấp ủ trong mình một điều "How to change the world make it better?" (làm thế nào để thay đổi thế giới và làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn). Đó mới là điều quan trọng, đó mới là sự khác biệt lớn nhất giữa các nhà trường và các nền giáo dục.

Là người làm trong lĩnh vực giáo dục, ông có tâm đắc với một triết lý giáo dục nào đó không?

Rousseau, một nhà khai sáng vĩ đại của châu Âu đã từng nói về giáo dục: "Cái cây được hình thành nhờ vun trồng, con người được hình thành nhờ giáo dục". Quan điểm mà tôi tin tưởng cũng gần giống như thế. Con người cũng ví như cái cây gồm có 3 phần: phần gốc, thân và phần hoa trái. Ở đây "gốc" của con người là tinh thần, tư tưởng, là nền tảng văn hoá; "thân" chính là năng lực chuyên môn, năng lực làm việc, và "hoa trái" chính là thành tích học tập, thành tích lao động, là tiền tài, địa vị, danh vọng. Do vậy, cái chúng ta cần phấn đấu chính là gốc và thân, còn hoa quả thì tự nhiên nó sẽ có. Gốc và thân tốt, đương nhiên nó sẽ được đơm hoa kết trái.

Ngoài ra, quan điểm của tôi thiên về sự học và người học nhiều hơn. Tôi vẫn thường chia sẻ là cần định nghĩa lại sự học và nhận thức lại vai trò của người học để mỗi người học tự hiểu rằng ta là "ông chủ" của cả quá trình giáo dục, là "nhà quản trị sự học" của bản thân, với tâm thế "Ta là sản phẩm của chính mình".

Nói một cách ngắn gọn, một nền giáo dục tốt của một quốc gia thì phải như thế nào?

Đó là phải tạo ra được những con người phù hợp cho xã hội tương lai mà mình mong đợi. Đó chính là cái "cây khát vọng" mà chúng ta đang hướng đến.

Xin cảm ơn ông!

Lan Hương
(Thực hiện)