Giảng đường của “Lọ Lem”

Có đêm, cô bé ngủ gục bên đống cá cơm. Trong cái lạnh tái người của nước đá ướp, trong cái mùi tanh nồng của cá sống, cô bé chập chờn mơ mình trở thành một sinh viên...

Ba mẹ làm nghề thương hồ, mang theo bốn đứa con ngược xuôi trên dòng sông Vàm Cỏ. Năm lên 6, Nguyễn Thị Bảo Trân được ba mẹ gửi cho người mợ ở Cần Đước, Long An để tiện đến trường. Đời ba mẹ và các chị biết chữ đủ đọc tên mình và nhận biết mặt các loại tiền, ba mẹ cũng chỉ hi vọng Trân học được chừng ấy.

Đường đến trường

Mỗi ngày Trân lội bộ 14km để đến trường. Tối, cô bé chong đèn học bài. Vậy mà năm nào Trân cũng là một trong những học sinh giỏi nhất lớp.

Còn nhớ cuối năm lớp 4, mợ quyết định: "Từ năm sau Trân không được đến trường nữa! Dù sao con cũng đọc chữ rành, làm toán cộng trừ nhân chia giỏi rồi. Các chị con cũng chỉ học tới lớp 2 thôi". Cô bé mím môi lại, gật đầu. Tối đó, Trân mới dám khóc một mình. Không dám đòi hỏi thêm. Nhà mợ nghèo và đông con. Chỉ còn le lói tia hi vọng: ba mẹ đi ghe về sẽ tiếp tục cho đến trường. Hai năm sau đó, Trân ở nhà phụ mợ nấu cơm, chăm em và chờ…

Ba mẹ về. Ước mơ đến trường mới vỡ tan khi ba mẹ quyết định đưa Trân và em lên thành phố mưu sinh. Một chị thì có chồng lúc 16 tuổi. Một chị cũng đi làm mướn. Bốn người còn lại thuê một căn nhà trọ nhỏ xíu ở Bến Chương Dương. Lúc ấy, ba đang thất nghiệp.

12 tuổi, Trân theo mẹ ra chợ cá Cầu Ông Lãnh. Công việc của cô bé này là ngồi cắt đầu cá cơm (loại cá nhỏ chưa bằng ngón tay út) ròng rã 18 giờ/ngày đêm. Hằng đêm cứ từ 0 giờ, Trân cúi đầu làm cho đến 6g chiều hôm sau. Với mỗi ký cá Trân được trả công 1.500 đồng. Ngày nào giỏi lắm Trân làm được 20 kg.

Thế nhưng, để nhận được những đồng tiền ấy, mấy ngón tay bị lở loét hết. Trong cái lạnh tái người của nước đá ướp, trong cái mùi tanh nồng của cá sống, cô bé vẫn chập chờn mơ mình trở thành một sinh viên.

Duyên may mỉm cười khi một người bạn cùng cảnh ngộ giới thiệu Trân học lớp Anh văn miễn phí tại Mái ấm Tre Xanh (đường Calmette, Q.1, TPHCM). Vậy là, những lúc ngồi trước đống cá ngổn ngang, Trân lẩm nhẩm học bài. Mỗi chiều, vừa buông những con cá xuống là cô ù chạy về nhà, tắm rửa và đến lớp.

Sau khi học được một tháng rưỡi, Trân thi kiểm tra đạt điểm cao nhất lớp và được nhận học bổng học Anh văn ở trung tâm ngoại ngữ. Hơn một năm sau, Trân thi đạt chứng chỉ B. Thấy cô bé siêng năng, ham học, chị Nguyễn Thị Bạch Phát, chủ nhiệm mái ấm, còn gửi Trân học văn hóa tiếp tục ở Trường Ánh Sáng. Sau đó là Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.3.

Cứ đêm làm ngày học, vậy mà Trân "nhảy" hai năm học ba lớp.

Ươm ước mơ trong hẻm tối

Khi Trân đang học lớp 8 thì chợ Cầu Muối cũng bị giải tỏa. Những người dân tha hương sống nhờ chợ như gia đình Trân cũng tan tác. Mẹ theo chợ đầu mối về Thủ Đức sinh sống.

Trân thuê một căn nhà trọ, xin làm bưng bê trong một nhà hàng để có tiền đi học tiếp. Năm Trân học lớp 12 cũng là năm gian nan nhất. Thời gian này cô phải học hai buổi/ngày nên không thể làm ở nhà hàng. Buổi tối, Trân đi dạy kèm Anh văn với thu nhập 500.000 đồng/tháng. Số tiền này chỉ đủ đóng tiền nhà trọ. Cũng may, em gái Trân xin được việc làm, phụ chị tiền ăn. Cứ sáng nhịn đói đi học. Tối đi dạy kèm.

Khi các sĩ tử cả nước nô nức đổ về thành phố để luyện thi, Trân cũng lặng lẽ tự ôn luyện trong căn phòng trọ ở Q.4. Căn phòng trọ tối om om cuối con hẻm hun hút hai người tránh nhau không lọt. Căn phòng có món tài sản vô giá là cái thùng xốp đựng trái cây được Trân dùng làm bàn học trong nhiều năm nay.

Vậy mà Trân đỗ. Cầm giấy báo trúng tuyển cao đẳng trong tay, sau nỗi hạnh phúc chảy nước mắt là gánh nặng lo âu. Trân quyết định chọn học ngành điện tử - viễn thông, hệ cao đẳng của Trường ĐH Văn Hiến. Tuy nhiên, khoản học phí 4,4 triệu đồng/năm quá lớn với đôi vai nhỏ bé. Chưa kể hàng trăm chi phí khác suốt ba năm học.

Trân đã vượt bao chặng đường gai góc để đến trước cánh cổng của ước mơ. Nhưng, nếu không có tiền, cánh cổng ấy có khép lại cùng sự vỡ tan giấc mơ giảng đường của "cô bé Lọ Lem"?!

 

Theo Yến Trinh

Tuổi Trẻ