Giảng viên các trường sư phạm phải là chuyên gia về giáo dục

Hôm 10/10, tại trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) diễn ra Hội thảo toàn quốc với chủ đề Nâng cao năng lực cho giảng viên các trường ĐH Sư phạm. Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển.


Hội thảo thu hút sự tham gia của các cơ sở đào tạo sư phạm trong và ngoài nước, Viện nghiên cứu giáo dục…

Hội thảo thu hút sự tham gia của các cơ sở đào tạo sư phạm trong và ngoài nước, Viện nghiên cứu giáo dục…

Hội thảo là sáng kiến của Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường ĐH Sư phạm gồm Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Hội thảo tập trung vào các nội dung: Nâng cao năng lực cho giảng viên dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh; Bồi dưỡng giảng viên về đánh giá năng lực người học và năng lực giảng dạy về khoa học đánh giá; Bồi dưỡng giảng viên về dạy học tích hợp trong các trường sư phạm; Giảng viên các trường sư phạm với chương trình phổ thông mới… với tham luận của các nhà khoa học, nhà giáo của 7 trường ĐH Sư phạm trọng điểm; 170 tham luận khoa học của các trường, Khoa sư phạm, các Viện nghiên cứu sư phạm và giáo dục trong cả nước.


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo. 

Cơ hội để các trường sư phạm liên kết

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển ghi nhận sự vào cuộc một cách chủ động của các trường ĐH Sư phạm trong đổi mới giáo dục phổ thông; đồng thời phấn khởi nhận định: “Bảy trường ĐH Sư phạm trọng điểm có sự lan tỏa và thúc đẩy, quy tụ các trường đào tạo sư phạm vào cuộc một cách đồng bộ thì đổi mới giáo dục phổ thông mới có thể thành công”.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh đến tính liên thông giữa các trường sư phạm và phổ thông: “Một trong những điểm cốt lõi của việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo là hệ thống giáo dục phải “mở”, “mở” trong nội bộ hệ thống, giữa các cơ sở giáo dục & đào tạo với nhau, “mở” với xã hội và “mở” trong nước và “mở” với quốc tế…

Hội thảo lần này cũng là một hướng để các trường đào tạo sư phạm liên kết với nhau hơn. Các trường sư phạm so với các trường khác có những đặc trưng riêng, một trong số đó là sản phẩm đào tạo là những giáo viên.

Giáo viên phổ thông còn nhận được sự bồi dưỡng từ các trường sư phạm, nhưng giảng viên các trường sư phạm chỉ có thể nâng cao năng lực của mình bằng tự học và học từ đồng nghiệp.

Sự liên thông giữa các trường sư phạm và các trường phổ thông vì vậy cũng rất đặc trưng: Nếu sinh viên sư phạm, giáo viên phổ thông cần có năng lực gì thì giảng viên sư phạm phải có năng lực đó. Nếu trường sư phạm đáp ứng tốt yêu cầu của phổ thông thì chính là một cách để nâng cao năng lực của giảng viên và của bản thân nhà trường.

4 định hướng, giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên các trường sư phạm

PGS.TS Lê Quang Sơn – Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, Phó Trưởng ban tổ chức Hội thảo cho biết: Từ nội dung các báo cáo tham dự Hội thảo, có thể tổng kết được một số định hướng và giải pháp chính hướng đến nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên các trường ĐH Sư phạm như sau:

Đề xuất xây dựng mô hình nhân cách nghề nghiệp người giảng viên trường sư phạm: Ngoài những tiêu chuẩn về mặt đạo đức và chính trị, một giảng viên giỏi phải có năng lực chuyên môn cao, nắm bắt được những thành tựu mới nhất trong học thuật cũng như trong thực tiễn chuyên môn của mình; có năng lực giảng dạy phù hợp với lĩnh vực chuyên môn sâu của mình; có năng lực nghiên cứu sâu trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên: Hệ thống đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng lực giảng viên hiện nay ở các trường sư phạm đang là một lỗ hổng lớn.

Trong 3 nhóm năng lực, nhìn chung hiện nay phần “năng lực chuyên môn” là phần được các trường và giảng viên chú trọng nhiều nhất, phần “năng lực giảng dạy” mới bắt đầu được quan tâm và cần được quan tâm và cần được tiếp tục phát triển thông qua việc học tập, thực tiễn giảng dạy và phát triển của bản thân; phần “nghiên cứu” đang là năng lực thiếu hụt nhất của đội ngũ giảng viên.

Triển khai các hoạt động bồi dưỡng giảng viên: Trước mắt cần tập trung bồi dưỡng nâng chuẩn giảng viên ở 3 cấp độ: chuyên gia giáo dục, giảng viên chính và trợ giảng…

Để bắt nhịp tốt nhất với những đổi mới ở hệ thống phổ thông, yêu cầu tất cả giảng viên sư phạm phải tham gia công cuộc đổi mới phổ thông theo yêu cầu của Chương trình, SGK mới, bao gồm trước hết là các nhiệm vụ nghiên cứu thực trạng giáo dục phổ thông, nghiên cứu mô tả năng lực người giáo viên/cán bộ quản lý giáo dục; nghiên cứu đề xuất các nội dung môn học trong chương trình đào tạo giáo viên.

Đổi mới quản lý và hoạt động của bản thân các trường sư phạm: Cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động của bản thân các trường sư phạm với tư cách tổ chức giáo dục và nghiên cứu khoa học là môi trường để nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên của nó.

Vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề là một cách tiếp cận tích hợp

“Đến thời điểm này, kể cả giảng viên, giáo viên vẫn chưa có sự hiểu thấu đáo về dạy học tích hợp, đó là nguyên tắc, là giải pháp, là phương châm hay là mục tiêu?

Nếu muốn phát triển phẩm chất và năng lực thì nhất định con người đó phải có năng lực tích hợp, phải dùng cả kiến thức, kỹ năng, dùng cả những giá trị của mình để rèn luyện, phát triển lên để giải quyết vấn đề thì mới gọi là phát triển phẩm chất và năng lực. Thế nên, nếu biết vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thì cũng là một cách tiếp cận tích hợp rồi”. - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

 

Theo Hà Nguyên

Giáo dục & Thời đại