Giáo dục đại học cần thực tế

Nhận thức, đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy học, cơ chế. Đây là những cái mà giáo dục ĐH cần nhưng đang thiếu.

Đó là những vấn đề chính được nêu ra tại hội nghị Kiều bào góp ý, hiến kế thực hiện chương trình nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM và CLB Khoa học - Kỹ thuật người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức ngày 19-8.

 

Quan trọng nhất là chọn lựa người thầy

 

Để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, TS Dương Minh Trí (Việt kiều Đức) cho rằng ngoài cơ sở vật chất, điểm then chốt là tìm được các nhà khoa học có năng lực thực sự trong giảng dạy, nghiên cứu. GS-TS Nguyễn Xuân Xanh (Việt kiều Đức) cũng đồng ý kiến: “Muốn có chất lượng phải có thầy giỏi mà thầy giỏi chính là người có khả năng nghiên cứu, dẫn dắt sinh viên sáng tạo. Vì vậy, họ phải có thời giờ để nghiên cứu, phải đi dự các hội nghị quốc tế, phải có đồng nghiệp nước ngoài. Không có nghiên cứu, trình độ thầy và trò và của quốc gia sẽ bị lạc hậu”.

 

Trong khi đó, chính sách lương bổng hiện nay chưa đủ nuôi sống người thầy để họ toàn tâm vào nghiên cứu. GS-TS Lâm Thành Mỹ (Việt kiều Pháp) góp ý: “Cần để người thầy đặt tâm trí vào nghiên cứu, giảng dạy mà không quá bận tâm vì đồng lương không đủ nuôi gia đình. Làm sao cho người thầy không bị tràn ngập vì phải dạy quá nhiều; làm sao cho có thiết bị, tài liệu đầy đủ,… Đó là những bài toán phải được đưa ra và được giải quyết, ít nhất trong một số trường ĐH đi đầu”.

 

GS-TS Nguyễn Đăng Hưng cũng kiến nghị: “Thông thường tỉ lệ giữa thời gian giảng dạy và nghiên cứu khoa học phải là 3/2. Do đó lương bổng của người thầy phải đủ sống ngay cả khi chỉ giảng dạy có 2/3 thời giờ của mình”.

 

Giáo dục đại học cần thực tế - 1

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận (thứ hai từ trái sang) đang trò chuyện với các Việt kiều. Ảnh: QUỐC DŨNG

 

Đào tạo gắn với doanh nghiệp

 

Dù đánh giá cao thành tựu giáo dục của TP.HCM nhưng Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cho rằng nguồn nhân lực được đào tạo trên địa bàn TP có chất lượng chưa cao, năng lực làm việc của người lao động qua đào tạo chưa thích ứng với nhu cầu vận động biến đổi của thị trường.

 

“So với các nước phát triển thì kết quả đào tạo của Việt Nam còn có những khoảng cách khá rõ rệt và ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu sắp tới của TP tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học-kỹ thuật; phối hợp đào tạo giữa các trường ĐH, CĐ với các doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, giải quyết việc làm cho sinh viên…” - ông Thuận nói.

 

GS-TS Lâm Thành Mỹ nhận định: “Việc hợp tác giữa ĐH, CĐ với doanh nghiệp là điều quan trọng để thúc đẩy sự tiến triển của hai bên với điều kiện cả hai cùng tham gia. Doanh nghiệp phải nhận đủ trách nhiệm của mình trong việc tham gia với ĐH như nhận, nhiệt tình hướng dẫn thực tập. Doanh nghiệp có thể tham gia dự án của sinh viên để hướng đến nghiên cứu phát triển. Việc đào tạo qua dự án là phương pháp đào tạo rất tốt hiện nay”.

 

Nên nhắm đến mục tiêu gần

 

900 là số giờ một giảng viên ĐH phải dạy trong một năm. Trong khi đó, ở Trường ĐH Kỹ thuật Nanyang (NTU), một trong hai trường ĐH nghiên cứu hàng đầu ở Singapore, một giáo sư dành khoảng 130 giờ/năm cho giảng dạy. Quỹ thời gian còn lại chủ yếu để nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên và nghiên cứu sinh, tham gia phát triển học thuật và quản lý.

 

 TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, dẫn chứng: “ĐH Việt Nam đang loay hoay tìm cách giải quyết nhiều bài toán nhưng chưa làm được. Đó là bài toán số lượng, chất lượng. Theo nghị quyết Chính phủ, đến năm 2020 phải đạt 450 sinh viên/10.000 dân... Hiện chỉ số 200 sinh viên của ta chỉ hơn Campuchia, Lào, Myanmar. Mục tiêu đến năm 2020 thì thật khó khăn. Tuy nhiên, 450 sinh viên/10.000 dân này có trình độ cỡ nào? Trình độ cỡ ĐH làng hay ĐH NUS (Singapore)…? Đó là bài toán mà các trường ĐH Việt Nam phải xác định chứ không chờ ai”.

 

TS Nghĩa cũng dẫn chứng chúng ta muốn có ĐH đẳng cấp nhưng vẫn loay hoay không biết xây dựng từ đâu, mời nước ngoài đầu tư hoàn toàn hay xây dựng từ các trường ĐH có truyền thống, có nền móng. “Hiện nay có nhiều chương trình tiên tiến, kỹ sư tài năng… chúng tôi mong muốn giảng dạy tiếng Anh, có nhiều thầy từ nước ngoài về nhưng sinh viên có học bằng tiếng Anh được không, lại một vấn đề loay hoay cần phải giải quyết” - TS Nghĩa đặt vấn đề.

 

GS-TS Đặng Lương Mô (Việt kiều Nhật, cố vấn ĐH Quốc gia TP.HCM) nói: “Nên tránh nêu lên những mục tiêu xa vời mà hãy nhắm vào những mục tiêu gần, có thể đạt được trong tầm tay. Có lẽ nên học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc quy định các tiêu chuẩn tối thiểu đối với một ĐH để đảm bảo chất lượng ĐH về hai mặt là cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy. Đạt được hai tiêu chuẩn này thì những ĐH tầm cỡ thế giới, ĐH tầm cỡ khu vực… đều sẽ tự nhiên thành”.

 
 

Nên bãi bỏ chế độ học hàm giáo sư mà không có chức năng giảng dạy thực thụ tại các ĐH với số giờ tối thiểu cần thiết, vì hàm giáo sư hiện nay dùng tùy tiện quá, không đứng lớp, không nghiên cứu nhiều năm liền thì làm sao gọi là giáo sư?

 

GS-TS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG

 

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, người thầy phải tìm hiểu các giáo trình và sách giáo khoa của ngành mình ở các nước phát triển để tham khảo và tiếp thu. TP cần tài trợ cho một cuộc dịch thuật lớn để tăng cường và bổ sung tri thức, bởi những phát minh quan trọng về khoa học-công nghệ đều nảy sinh từ những nước phát triển.

 

GS-TS NGUYỄN XUÂN XANH

 

“Đặc biệt tệ hại là chính sách lương: trả lương cho thầy, cô giáo dưới mức sống hợp lý, buộc thầy, cô phải xoay xở kiếm thêm thu nhập bằng mọi cách (dạy thêm, làm thêm ngoài giờ, bằng tay trái, đến nỗi hiện tại cũng không hiếm giảng viên ĐH dạy sô trên 30 giờ/tuần)”.

 

Trích sách Giáo dục - Xin cho tôi nói thẳng củaGS HOÀNG TỤY (NXB Tri Thức)

 

Theo Quốc Dũng

Pháp luật TP.HCM