Giáo dục Đại học Việt Nam: Còn nhiều thách thức!

(Dân trí) - Giáo dục Đại học Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 1/6 nhu cầu học tập, đội ngũ giảng viên chưa bắt kịp trình độ và sinh viên quá kém ngoại ngữ. Những thực tế đáng buồn đó đã được Đại sứ Mỹ tại VN Michael Marine nêu trong buổi nói chuyện tại TPHCM ngày 6/8.

Trong buổi nói chuyện tại cơ sở trường Doanh nhân Shidler của ĐH Hawaii (Mỹ) ở TPHCM, ông Micheal Marine cho rằng, hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém về cả nhân lực và tài lực, sự phát triển của giáo dục chưa tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.

Sự yếu kém về nhiều mặt của nền giáo dục đại học ở Việt Nam đặt ra yêu cầu bức thiết phải thay đổi. Chỉ có như vậy mới đáp ứng đủ nhân lực cho sự phát triển của đất nước Việt Nam trong tương lai.

Ngài đại sứ đưa ra nhiều con số để chứng minh sự yếu kém của giáo dục đại học Việt Nam như: tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 20 - 24 tham gia GDĐH ở Việt Nam chỉ có 10%, còn ở Thái Lan là 41%, Hàn Quốc là 89%, người láng giềng Trung Quốc cũng là 15% (Nguồn: Báo cáo phát triển thế giới năm 2006 của Ngân hàng Thế giới).

Một con số nữa là trong kỳ thi tuyển sinh ĐH vừa qua có tới 1,8 triệu lượt thí sinh dự thi, nhưng hệ thống giáo dục đại học Việt Nam chỉ đáp ứng được 300 ngàn chỉ tiêu, chỉ bằng 1/6.

“Một con số gây ấn tượng sâu sắc là năm 1990, số sinh viên tại Việt Nam đã là 150 ngàn. 17 năm sau, con số đó tăng lên gấp đôi. Nhưng hệ thống giảng viên thì không thay đổi là mấy suốt 17 năm qua. Đó là một sự tụt hậu đáng báo động” - ông Michael Marine kết luận.

Sau khi kết luận, ông lại nói thêm một nỗi nhức nhối của nền giáo dục đại học Việt Nam: “Sinh viên Việt Nam quá kém ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh, một thứ ngôn ngữ không thể thiếu trong xã hội hòa nhập này”.

Nhưng ông cũng cho rằng, chính phủ Việt Nam đã nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề GDĐH, cho nên thời gian vừa qua đã có nhiều động thái tích cực để giải quyết.

Thời gian vừa qua, Hoa Kỳ đã có nhiều chương trình hỗ trợ giáo dục cho Việt Nam như: chương trình Fulbright Việt Nam, chương trình Khách tham quan quốc tế, chương trình Hubert H. Humphrey, chương trình Chuyên gia Văn hóa/Học thuật, chương trình Diễn giả Hoa Kỳ. Và các chương trình đào tạo của các trường Đại học Mỹ tại Việt Nam như chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị kinh doanh của ĐH Hawaii (MBA)…

Và ông cho biết, trong tương lai, chắc chắn Hoa Kỳ sẽ còn nhiều chương trình hỗ trợ giáo dục cho Việt Nam hơn nữa.

Kết thúc buổi nói chuyện, ngài đại sứ dẫn lời một danh nhân Hoa Kỳ để nói lên tầm quan trọng của giáo dục: “Giáo dục không phải là tất cả, nhưng đó là ánh sáng của ngọn lửa dẫn đường”. Ông hy vọng vào một tương lai của giáo dục Việt Nam: “Ngọn lửa tri thức ấy sẽ soi sáng mọi ngõ ngách của đất nước tươi đẹp và quyến rũ này”.

 

Các chương trình trao đổi giáo dục của Mỹ tại Việt Nam

 

1. Chương trình Fulbright Việt Nam  

Được bắt đầu vào năm 1992 với mục đích nhằm gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc Hoa Kỳ và Việt Nam.

 

2. Chương trình Khách tham quan quốc tế

 

Hàng năm, Đại sứ quán Hoa Kỳ có thể chọn lựa và đề cử các đối tượng tham gia vào các chương trình tham quan nghiên cứu theo chủ đề kéo dài bốn tuần tại Hoa Kỳ.

  3. Chương trình Hubert H. Humphrey  

Chương trình Hubert H. Humphrey là một chương trình học bổng nghiên cứu học tập, không cấp bằng, kéo dài một năm trong các lĩnh vực công. Hàng năm, tối đa bảy cán bộ cấp trung của Việt Nam có thể được đề cử cho chương trình này.

  4. Chương trình Chuyên gia Văn hóa/Học thuật  

Chương trình này cung cấp một hoặc hai chuyên gia Hoa Kỳ có trình độ để làm việc tại một cơ quan của Việt Nam trong khoảng thời gian từ hai tuần đến sáu tháng. Chuyên gia sẽ tham gia tiến hành các cuộc hội thảo, trợ giúp xây dựng chương trình học, tư vấn trong các lĩnh vực như văn hóa và nghệ thuật, nghiên cứu Mỹ, khoa học giáo dục, dự thảo luật và giáo dục pháp luật, quản lý môi trường, thị trường vốn… 

  5. Chương trình Diễn giả Hoa Kỳ  

Chương trình Diễn giả Hoa Kỳ mời và chi trả cho các chuyên gia và học giả Mỹ đến thuyết trình tại các cơ quan của Việt Nam có nhu cầu.

 

(Theo Website của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

Tùng Nguyên