Hội nghị lần thứ 2 quan chức cấp cao SEAMEO về giáo dục cơ bản:

Giáo dục hòa nhập là mục tiêu của các nước Đông Nam Á

(Dân trí) - Sáng nay 18/10, hội nghị lần thứ 2 quan chức cấp cao Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) khai mạc tại Đà Nẵng. Theo chủ đề, 100 đại biểu của SEAMEO sẽ cùng “chia sẻ kinh nghiệm phát triển giáo dục hòa nhập tại các nước Đông Nam Á”.

Giáo dục hòa nhập là mục tiêu của các nước Đông Nam Á - 1
100 đại biểu của SEAMEO tham dự hội nghị lần thứ 2 quan chức cấp cao SEAMEO về giáo dục cơ bản.

Kinh nghiệm của Việt Nam

Phát biểu tại buổi khai mạc hội nghị, TS. Witaya Jaradecakul - giám đốc Ban thư ký SEAMEO chia sẻ và nhấn mạnh: “Từ năm 2008, SEAMEO thực hiện 10 dự án đa quốc gia, hướng đến các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn không được tiếp cận với giáo dục (GD). Nhằm hỗ trợ các chương trình hòa nhập, SEAMEO xác định một loạt chiến lược ưu tiên: GD cho mọi người, GD mầm non, GD chuyên biệt, GD khẩn cấp, GD suốt đời… Trong đó, GD hòa nhập được nhấn mạnh là trọng tâm trong các chương trình mục tiêu của các quốc gia Đông Nam Á”.

Giáo dục hòa nhập mà nền GD các nước Đông Nam Á đang hướng tới tập trung quan tâm đến các đối tượng trẻ em khuyết tật, trẻ em gái, trẻ em đường phố, trẻ em người dân tộc thiểu số… Theo đó, các nước trong khu vực trong nhiều năm qua đều có các chiến lược hoạch định chính sách, mở ra nhiều phương thức GD, đào tạo nhân lực, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và công tác nghiên cứu GD hòa nhập.

Tại Việt Nam, nước khởi xướng chương trình GD hòa nhập và được SEAMEO đánh giá cao, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ kinh nghiệm: “Hướng tới GD hòa nhập, ngành GD Việt Nam đã triển khai chương chương trình kiên cố hóa trường lớp, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên miền núi, các vùng dân tộc thiểu số. 

Các dự án đầu tư của nước ngoài (ODA) cho GD đều ưu tiên cho GD miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Đăc biệt, cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh và phát miễn phí cho học sinh đặc biệt khó khăn. Các tài liệu và thiết bị dạy học đặc thù cho học sinh khuyết tật, học sinh dân tộc chưa biết tiếng Việt… được ngành GD đáp ứng đầy đủ

Ngành GD Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm xóa bỏ rào cản ngôn ngữ cho HS dân tộc thiểu số, hỗ trợ lương GV dạy cả ngày ở vùng dân tộc, hỗ trợ bữa ăn trưa tại trường cho HS tiểu học. Tỉ lệ HS khuyết tật đi học tăng nhanh với phương thức GD chủ đạo là GD hòa nhập. Trẻ em lang thang, trẻ em lao động sớm, trẻ em xa nhà… đã được tổ chức học tại các lớp học linh hoạt, phù hợp về nội dung, phương pháp dạy học và cách đánh giá.

Còn nhiều thách thức với các nước Đông Nam Á

Dù đã đạt được những thành tựu, song công tác GD hòa nhập trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam, cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác còn phải đương đầu với nhiều thức thách.

Giáo dục hòa nhập là mục tiêu của các nước Đông Nam Á - 2

Các đại biểu SEAMEO tại Việt Nam...

Giáo dục hòa nhập là mục tiêu của các nước Đông Nam Á - 3
cũng như đại diện các nước khác trong khu vực Đông Nam Á đều nhìn nhận còn nhiều thách thức trong giáo dục hòa nhập cho trẻ em khó khăn.

Hội nghị lần này, theo TS. Witaya Jaradecakul - Giám đốc Ban thư ký SEAMEO, là cơ hội gắn kết thường xuyên và tích cực giữa quan chức cấp cao Bộ GD các nước Đông Nam Á; là cơ hội để các nước nhìn nhận, chia sẻ kinh nghiệm trong GD hòa nhập.

Theo đó, các đại biểu đều nhìn nhận còn nhiều thách thức trong GD hòa nhập ở các nước trong khu vực cần được chia sẻ tại hội nghị để cùng trao đổi, hỗ trợ, tìm giải pháp đối mặt và tháo gỡ các thách thức.

Các thách thức được nhìn nhận, theo như phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, thể hiện trên một số phương diện chủ yếu như: nhận thức của cộng đồng về GD hòa nhập; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy hòa nhập; môi trường học tập, sinh hoạt của trẻ học hòa nhập; vấn đề chính sách, cơ chế; chương trình, tài liệu, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ GD hòa nhập; việc huy động sự tham gia của các lực lượng xã hội…

Để vượt qua những thách thức đó, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi quốc gia, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, việc chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực là điều hết sức quan trọng và cần thiết.

Tại hội nghị, tiếp diễn từ 18 - 20/10, đại biểu các nước Đông Nam Á sẽ lần lượt giới thiệu thực trạng GD hòa nhập trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở mỗi nước. Đồng thời, phát biểu tham luận chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất hướng liên kết, hợp tác về GD hòa nhập trẻ em có hoàn cảnh khó khăn giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, cũng như giữa khu vực với các nước khác trên thế giới.

 Khánh Hiền