Giáo dục homeschool: Đang “nhồi” kiến thức hay thần thánh hóa nhà trường

(Dân trí) - Xu hướng homeschool (giáo dục tại gia) đang được nhiều gia đình thành phố áp dụng. Tuy nhiên, một số chuyên gia giáo dục đã có quan điểm trái chiều quanh vấn đề này.

Không nên thần thánh hóa nhà trường

GS.TS Nguyễn Lộc, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, đối với nước ta mô hình này còn lạ nhưng ở các nước phương Tây thì rất phát triển.

“Đừng quá thần thánh hóa nhà trường. Tôi ủng hộ phương pháp này bởi không ai hiểu con bằng chính bố mẹ mình. Nhất là khi chương trình giáo dục tại gia đã được Quốc tế kiểm nghiệm và thực hiện rất nhiều trên thế giới.

Và đặc biệt trên thực tế, nhiều bố mẹ còn dạy con giỏi hơn cả giáo viên. Nhiều gia đình có điều kiện có thể cập nhật nhiều chương trình tiên tiến hơn cho con.

Việc học ở trường hay học ở nhà cũng giống như ngày xưa ta đi xe đạp, sau đó đến đi xe máy và tiến tới đi ô tô, máy bay. Vì vậy tại sao không đi theo xu hướng tất yếu này”?, GS Lộc chia sẻ.


Các chuyên gia giáo dục có nhiều quan điểm khác nhau về giáo dục tại nhà (ảnh: minh họa)

Các chuyên gia giáo dục có nhiều quan điểm khác nhau về giáo dục tại nhà (ảnh: minh họa)

Theo phân tích của GS, hiện có nhiều phương pháp giáo dục khi các gia đình triển khai homeschool: Mời gia sư dạy tại gia hoặc chính bố mẹ tự dạy cho các con theo một giáo trình mà mình lựa chọn.

Tùy bố mẹ mỗi gia đình có sự lựa chọn giáo trình hoặc phương pháp học cho con sao cho thích hợp. Tuy nhiên, theo ông, cần có sự hướng dẫn chương trình giáo dục tại nhà từ một tổ chức có uy tín.

“Ở nước ngoài, mô hình giáo dục tại gia khá “mở”. Học sinh được thi lấy bằng cấp sau mỗi cấp học mà không cần biết đã học ở đâu, có đến trường hay không.

Còn ở Việt Nam, điều này vẫn chưa được công nhận chính thống. Và cái đích cuối cùng của các con là phải ra nước ngoài du học vì ở các hệ thống trường của chúng ta hiện nay đều yêu cầu phải có bằng cấp”, GS Lộc nói.

Mặc dù theo GS Lộc, phương pháp này có nhiều ưu điểm nhưng cái chính là bố mẹ phải có điều kiện về kinh tế để thuê gia sư, có tri thức để tìm hiểu các chương trình và có phương pháp hợp lý bởi lẽ đây là hướng giáo dục mới, không được phép sai sót.

Ngoài ra, chúng ta phải có chính sách đi kèm để phát triển hình thức này. Chẳng hạn, ở các kì thi, bố mẹ được quyền đăng kí thi cho con ở bất kì trường nào mà trong hồ sơ chỉ cần ghi: “học tại nhà”, không nhất thiết yêu cầu các em phải từng tốt nghiệp ở trường nào.

Trẻ đến trường không chỉ vì vài chữ

Trái ngược với quan điểm của GS Lộc, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, hình thức giáo dục homeschool thực sự chưa thích hợp ở Việt Nam. Ngoài một số mặt tích cực, theo TS Thu Hương, giáo dục “tại gia” có hại cho trẻ khi các con sống thiếu tập thể và môi trường xã hội.

Đồng quan điểm này, ông Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trẻ con quan trọng là môi trường giao tiếp với bạn bè. Vì vậy, về mặt xã hội, không nên tách trẻ ra khỏi môi trường bạn bè bởi cũng giống như người lớn, trẻ con cần môi trường để giao tiếp, để phát triển chứ không đơn giản chỉ là vài chữ nhét vào đầu là hết.

Về phương pháp sư phạm, theo ông Thành, việc dạy trẻ ở nhà chỉ với một vài học sinh thường khác với phương pháp dạy ở trường. Nếu hiểu một cách hơi thái quá, một số gia đình dường như đang “nhồi” kiến thức cho các con như kiểu chăm một con vịt.

Ông Thành cũng cho biết, nếu tôi dạy cháu mình chương trình lớp 1, chỉ trong vòng 3 tháng tôi đã có thể hoàn thành chương trình cả năm. Tuy nhiên, việc dạy trẻ em không đơn giản chỉ nhét vào đầu con vài câu chữ. Các em đến trường còn được tiếp thu nhiều điều, trong đó có quyền được vui chơi. Không ai bù được cho con trẻ quyền được vui chơi cả.

Có thể việc dạy đó khiến con mình nắm chương trình rất nhanh nhưng mặt khác, các em có thể què quặt về tâm hồn, giao tiếp với các bạn rất kém và các gia đình khó mà bù được tuổi thơ cho các con sau này.

Thứ hai, theo phân tích của ông Thành, trẻ em đến lớp ngoài học chữ còn hài hòa với nhiều thứ khác như: Học bạn, giúp đỡ bạn, giao tiếp, tranh luận, chia sẻ và cả sự phấn đấu với nhau. Vì thế, quan điểm của ông không nên cổ xúy cho phương pháp này mà hạn hữu mới phải thực hiện.

“Hiện chỉ có khoảng 1/ 4gia đình tham gia giáo dục con cái với nhà trường. Tôi nghĩ, nếu giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục trong gia đình thì sẽ tốt hơn là làm ngược lại bởi với trẻ em, không phải bất cứ cái gì mới cũng đều phù hợp- nhất là ở nước ta”, ông Thành chia sẻ.

Nói về việc hành lang pháp lý của chúng ta hiện nay cũng chưa ủng hộ các gia đình thực hiện phương pháp giáo dục tại gia, ông Thành cho rằng, có thể việc đánh giá chất lượng học sinh đang được Bộ GD&ĐT hướng đến thông qua việc đánh giá năng lực nên vấn đề thi cử sẽ không còn quá quan trọng như trước đây nữa.

Mặc dù thừa nhận phương pháp giáo dục tại gia là xu hướng tất yếu và ông rất ủng hộ, tuy nhiên chia sẻ với Dân trí, GS Lộc cũng thẳng thắn thừa nhận, đã từng có nghiên cứu của một chuyên gia người Nga liên quan đến tác động của xã hội với sự tiếp thu của trẻ em.

Theo đó, con người chỉ có thể tiếp thu được khi có sự quan hệ giao tiếp trong xã hội. Đấy cũng là điều khiến nhiều người lo ngại khi triển khai mô hình giáo dục tại gia.

Tuy nhiên, chuyên gia người Nga này cho rằng, nói thế không có nghĩa là áp dụng homeschool thì bố mẹ không thể cho con chơi bởi hiện nay, các trung tâm mở ra như nấm nên các gia đình có thể bớt lo ngại về sinh hoạt tập thể. Các con sẽ được bố mẹ bù đắp bằng cách cho tham gia các câu lạc bộ hoặc sinh hoạt tập thể trong các lớp kĩ năng sống.

Quốc Huy (ghi)