Giáo dục ĐH với cạnh tranh toàn cầu:

Giáo dục Mỹ vẫn dẫn đầu

(Dân trí) - Thách thức lớn đặt ra cho mỗi quốc gia là một mặt phải đáp ứng được nguyện vọng của người dân, mặt khác thỏa mãn được yêu cầu của thị trường lao động. Nước nào không vượt qua được thách thức đó sẽ phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám.

Một trong những thế mạnh của hệ thống giáo dục bậc cao Mỹ là mô hình phát triển tự do. Sau khi đạo luật Morrill 1862 ra đời, cho phép phân bổ đất đai của liên bang cho các tiểu bang để xây dựng trường sở, thì các bang không chỉ thành lập trường đại học, mà còn cả các trường cao đẳng, dạy nghề - một số trường chỉ thực hiện các khóa đào tạo 2 năm.

 

Không hề có một chiến lược quốc gia thống nhất nào, nhưng hầu hết các trường cao đẳng và đại học công lập đều đi theo một mô hình - mức học phí ở trong khả năng chi trả của số đông, vị trí địa lý đắc địa và được cả chính phủ liên bang và chính quyền bang hỗ trợ kinh phí.

 

Chất lượng giáo dục của Mỹ đã được minh chứng bằng việc sau sự cố 11/9, số lượng học viên nước ngoài xin nhập học tại các trường của Mỹ sụt giảm, nhưng chỉ không lâu sau đó, Mỹ vẫn là lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế. Hiện nay, nền giáo dục bậc cao của Mỹ là một ngành kinh doanh trị giá hơn 200 tỷ USD, với gần 18 triệu sinh viên đang học tập tại khoảng 4.000 trường đại học và cao đẳng công lập và tư thục.

 

Trong khi đó, ở nhiều nước khác, nền giáo dục đại học phát triển dưới sự chỉ đạo và kiểm soát của nhà nước. Ở các nước như Liên bang Xô viết cũ, Trung Quốc, và hầu hết các nước châu Á và châu Mỹ La tinh, chính phủ nắm quyền kiểm soát hệ thống trường đại học và cao đẳng. Cho đến nay, mô hình này vẫn tồn tại ở nhiều nước.

 

Về cơ bản, hệ thống giáo dục kiểu này thường kém nhạy bén trong việc thích ứng với những thay đối về nhu cầu của người học, trong khi ngay cả người dân ở vùng sâu vùng xa - thông qua các phương tiện truyền thông và Internet - đã bắt đầu mở mang nhận thức về cuộc sống của những người của thu nhập cao hơn, được sống trong điều kiện vật chất tốt hơn. Nhiều người xem giáo dục như là một lối thoát để cải thiện chất lượng cuộc sống.

 

Khi chứng kiến các đồng hương đi du học về, mang theo tấm bằng của Mỹ hoặc châu Âu, và có được những công việc tốt nhất, họ bắt đầu đòi hỏi nền giáo dục trong nước phải cải tiến chất lượng, trong khi nhà nước luôn thiếu nguồn lực để thực hiện. Kết quả là khoảng cách giữa nhu cầu và thực tế ngày càng lớn.

 

Để theo kịp Mỹ, các nước ở châu Âu, châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh rất ủng hộ sự phát triển của hệ thống trường đại học tư lập. Tuy nhiên, nhiều trường kiểu này đang bị nghi vấn về tính hợp pháp.

 

Tại bang Chhattisgarh ở miền Trung Ấn Độ, mô hình trường tư thục đang nở rộ, nhưng theo tờ Tribune của địa phương thì đa số là “trường đại học trên danh nghĩa”, còn thực chất thậm chí không có trường lớp tử tế.

 

Giảng viên cũng là một vấn đề, khi ở nhiều nước, giáo sư được trả lương bèo bọt và các trường phải dựa vào đội ngũ trợ giảng, giáo viên ký hợp đồng ngắn hạn và làm việc bán thời gian.

 

Để tồn tại hệ thống trường lớp kém chất lượng sẽ phản tác dụng vì hầu hết sinh viên đều không chấp nhận việc ra trường với một tấm bằng giá trị thấp. Trong thời đại của thương hiệu toàn cầu, mọi người đều muốn sở hữu loại quần áo, xe cộ và cả bằng cấp có “mác đẹp”.

 

Ở Trung Quốc, sinh viên của các trường “hạng 2” (second-tier) thường chấp nhận trả thêm tiền để trên bằng tốt nghiệp của họ ghi tên một trường nào đó danh tiếng tốt hơn, và sẽ khiếu kiện ầm ĩ nếu nhà trường không thực hiện đúng cam kết này.

 

Để tồn tại, nhiều trường đại học đang phát triển theo mô hình của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc phải tăng học phí, tăng số lượng tuyển sinh (kể cả sinh viên nước ngoài du học tự túc) và kêu gọi tiền tài trợ. Tuy nhiên, vấn đề là vẫn chưa đủ tiền để có thể xây dựng một trường đại học chất lượng tốt.

 

Ở nhiều nước, các giáo sư không được hưởng địa vị, hay mức thu nhập, đủ để có thể thu hút được nhân tài. Một số nước có đội ngũ kỹ sư, hay nhà khoa học, đông đảo, nhưng như thế không có nghĩa là có nhiều người giỏi. Trong khi đó, nhiều nước khác đang mở rộng bộ máy hành chính để tạo công ăn việc làm cho những người đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm - đây thực sự là một thảm họa.

 

Ngày nay, cơ chế thị trường tự do đang xung đột với việc nhà nước sở hữu, hoặc kiểm soát, hệ thống trường đại học. Thách thức lớn đặt ra cho mỗi quốc gia là phải đáp ứng được không chỉ nguyện vọng của người dân, mà còn cả yêu cầu của thị trường lao động. Nước nào không vượt qua được thách thức đó sẽ phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám. Ngay cả Mỹ cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

 

Trước đây, Mỹ phụ thuộc vào việc nhiều sinh viên nước ngoài đến học tập - nhất là trong các ngành khoa học, toán và công nghệ - rồi sau đó ở lại làm việc luôn. Mỹ cũng áp dụng chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với những người nhập cư có trình độ chuyên môn cao.

 

Tuy nhiên, hiện nay, khi nhiều nước bắt đầu phát triển về kinh tế, họ có đủ khả năng giữ chân nhân tài và thậm chí còn thu hút thêm nhiều giáo sư của Mỹ. Do đó, Mỹ ngày càng phải dựa vào nguồn nhân lực của chính mình để đào tạo đội ngũ kỹ sư, giáo viên, nhà khoa học và chuyên gia.

 

Thực tế là năm ngoái, toàn bộ 11 trường đại học và cao đẳng của tiểu bang Maryland chỉ “xuất xưởng” được 46 giáo viên toán và khoa học hệ trung học. Hay một thực tế khác là tỷ lệ nghiên cứu sinh khoa học người nước ngoài tại các trường đại học Mỹ hiện đã lên tới gần 60%.

 

Nước Mỹ cũng phải nỗ lực gấp đôi, đặc biệt là đầu tư nhiều hơn cho việc nâng cao chất lượng giáo dục bậc phổ thông, và cả đại học. Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, không có chỗ cho sự tự mãn, ngay cả với Mỹ - nước có hệ thống trường công lập và tư thục đa dạng, đã thành công hơn hầu hết các nước khác trong việc đối phó với những thách thức trong nền giáo dục đại học.

 

Lê Hà

Theo Newsweek