Giáo dục quốc phòng: 10 năm nữa mới đủ giáo viên?

(Dân trí) - Cả nước có hơn 3 triệu học sinh THPT, ĐH,CĐ và THCN, nhưng chỉ có 1.924 giáo viên giáo dục quốc phòng. Nhiều người cho rằng, với tiến độ đào tạo giáo viên GDQP như hiện nay, thì 10 năm nữa mới đủ giáo viên chính quy, đáp ứng môn học.

Giáo dục quốc phòng (GDQP) cho HSSV mặc dù được Chính phủ chỉ đạo đưa vào giảng đường trong các trường THPT, THCN – Dạy nghề, ĐH, CĐ và được xác định là môn học chính khoá trên 40 năm nay nhưng đội ngũ giáo viên chưa được tạo nguồn, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chính quy. Các cấp, bậc học thiếu trầm trọng giáo viên GDQP. Việc thực hiện chương trình GDQP phần lớn là do giáo viên chuyên môn khác kiêm nhiệm. Nhiều giáo viên được tuyển chọn từ bộ đội xuất ngũ, chuyển ngành.

 

Với các trường THPT do cơ quan quân sự địa phương phối hợp tổ chức thực hiện. Khối các trường đại học, cao đẳng tuy có đội ngũ sĩ quan biệt phái nhưng cũng chỉ làm nòng cốt, chưa đáp ứng nhu cầu giảng dạy cho đội ngũ trí thức cả về quy mô và chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất đảm bảo cho môn học còn nhiều yếu kém, điều kiện sân bãi ngày càng thu hẹp, thậm trí nhiều địa phương còn nhận thức môn học như một hoạt động phong trào.

 

Hiện, việc đào tạo giáo viên chủ yếu tập trung ở trường ĐH Sư phạm liên kết với các trường quân sự với các Sở GD-ĐT để đào tạo ngắn hạn hàng năm cho giáo viên (6 tháng) được 1920 giáo viên GDQP kiêm nhiệm, đạt 56% nhu cầu. 

 

Bộ GD-ĐT  đã đưa ra phương án sẽ mở rộng nguồn tuyển sinh đào tạo giáo viên GDQP như: Mở mã ngành đào tạo giáo viên GDQP tại trường Sĩ quan Lục quân I và tại 2 trường ĐH Sư phạm trọng điểm HN và TPHCM; Đến năm 2009 sẽ luân chuyển hết số giảng viên sĩ quan biệt phái hiện nay; Ngành GD-ĐT tuyển chọn các giảng viên sĩ quan các trường quân sự còn trong độ tuổi lao động nhưng quá tuổi sĩ quan, có trình độ chuyên môn chuyển ngành làm giảng viên GDQP...

 

 

Hồng Hạnh - Mạnh Cường