Giáo dục trong sự song hành giữa Nhà nước và thị trường

Điều bất ngờ là trong lúc xu hướng giao quyền tự chủ lớn hơn cho trường học đang thịnh hành, nhận thức "giáo dục cũng là một loại hàng hoá" ngày càng thắng thế thì lẽ ra, vai trò của Nhà nước phải "mờ" đi. Song thực tế có những lý lẽ riêng, khác hẳn với suy luận logic thông thường.

Nhà nước và thị trường

 

Hiện nay ít ai còn tranh luận giáo dục là dịch vụ công hay hàng hoá. Các nước phát triển đứng đầu là Mỹ, Anh, Australia, Đức... đã xuất khẩu giáo dục ra toàn cầu ở Đông Nam Á, Singapore, Thái Lan là những nhà cung cấp dịch vụ giáo dục chủ yếu trong khu vực. Về mặt tổ chức, nhiều trường học có cơ cấu gần như một Công ty cổ phần, có nghiên cứu thị trường, có chiến dịch thu hút khách hàng... Ở Việt Nam mấy năm nay, hội thảo du học đứng đầu bảng về mật độ, với sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu giáo dục. Đứng ở khía cạnh này giáo dục là một loại hàng hoá.

 

Mỹ là quốc gia có hệ thống giáo dục phi tập trung, mang tính tư nhân và chịu sự chi phối của thị trường nhất. Thế nhưng, chỉ riêng giáo dục Đại học đã được ngân sách đầu tư trên 200 tỷ USD, trong đó sinh viên được hỗ trợ tài chính khoảng 8 tỷ USD. Nhật Bản, Hàn Quốc là hai quốc gia tiên phong ở Châu Á chấp nhận xu hướng thị trường hoá. Trong xã hội, người dân chấp nhận Hiệu trưởng có vai trò như một Giám đốc, học sinh là khách hàng, các trường cạnh tranh nhau trong xây dựng thương hiệu nhằm mở rộng thị phần, xuất khẩu giáo dục.

 

Nhưng đây cũng là những nước kết hợp chặt chẽ nhất giữa hệ thống giáo dục và đào tạo với các chính sách kinh tế định hướng của nhà nước. Chính phủ Malaixia thì định hướng cung cấp cơ hội bình đẳng về giáo dục và tiếp cận các nguồn thông tin cho mọi đối tượng...

 

Đến đây, một câu hỏi được đặt ra là, vì sao trong lúc Chính phủ chấp nhân sự chi phối của thị trường và vai trò quản lý của Nhà nước lại "đậm " thêm lên?

 

Khác với nhiều loại hàng hoá khác giáo dục là một sản phẩm đặc thù vì những lẽ sau.

 

Thứ nhất, sản phẩm giáo dục không chỉ nhắm đến một vài nhóm tiêu dùng mà đến toàn bộ xã hội.

 

Thứ hai, quá trình hoàn thiện sản phẩm giáo dục rất dài, qua nhiều cấp độ, từ mẫu giáo, các cấp phổ thông , Đại học hay trường dạy nghề... Từ đó đòi hỏi phải có một tổ chức đứng ra làm đầu mối liên kết các cấp độ theo một chương trình thống nhất, liên thông.

 

Thứ ba, sản phẩm giáo dục mang tính quyết định cho sức mạnh khoa học - công nghệ, sự cạnh tranh quốc gia, cần nhận được sự hỗ trợ đặc biệt về chính sách và vật chất từ Nhà nước cũng như các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp...

 

Thứ tư, giáo dục cơ bản (phổ cập tiểu học, trung học...) là một trong những quyền của công dân, mà chỉ có Nhà nước mới có thể huy động được nguồn lực toàn xã hội chia đều cơ hội tiếp cận cho mọi đối tượng. Do vậy, trong khi chấp nhận sự chi phối của thị trường và tận dụng cơ chế đó để huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục, Nhà nước phải nắm giáo dục trong sự chuyển đổi vai trò từ người cung cấp giáo dục trở thành người đưa ra những chương trình, quy định, tiêu chuẩn chất lượng và bảo trợ cho giáo dục.

 

Hướng tới người tiêu dùng

 

Nhu cầu giáo dục tăng lên, dường như các nhà nước không thể cung cấp giáo dục miễn phí cho mọi người dân được. Mặt khác, thực tế cũng chứng tỏ Nhà nước đảm nhận hoàn toàn việc cung cấp dịch vụ này không hiệu quả bằng san sẻ trách nhiệm, huy động mọi nguồn lực của xã hội.

 

Ở những nước chấp nhận xu hướng thị trường, Chính phủ thường không trực tiếp quản lý hệ thống giáo dục mà giao cho Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, Chính phủ có vai trò đặc biệt quan trọng trong các điều chỉnh vĩ mô thông qua nhiều biện pháp, trong đó có những chính sách (thường là cơ chế hỗ trợ đặc thù), cung cấp tín dụng, kinh phí nghiên cứu khoa học, quyết định mức học phí, học bổng... Thông thường, sự hỗ trợ của chính phủ hướng tới hai "bảo đảm".

 

Một là, bảo đảm quyền tiếp cận cơ hội học tập cơ bản với mọi đối tượng. Tuỳ theo từng nước, quyền học tập cơ bản (phổ cập giáo dục) là tiểu học, THCS, THPT với mức thu học phí thấp hoặc miễn phí.

 

Hai là, bảo đảm sự hỗ trợ không làm yếu đi tính động lực của thị trường giáo dục. Vì vậy sự hỗ trợ không phân biệt theo sở hữu (trường công hay trường tư) mà nhằm tới mục tiêu, vai trò cụ thể của trường đó trong xã hội.

 

Trong hỗ trợ tài chính, Chính phủ thường chọn hình thức cấp tiền trực tiếp cho học sinh chứ không cấp cho nhà trường. Nghĩa là cấp cho người tiêu dùng chứ không cấp cho người sản xuất.

 

Thực tế đã chứng minh đây là quyết sách khôn ngoan, làm tăng tương đối nhu cầu của người học, do đó nhà trường cũng mạnh lên, nhưng quan trọng hơn là đảm bảo được quyền tự chủ tương đối trong hoạt động của nhà trường đối với chính phủ, tức đảm bảo được tỉnh thị trường - một động lực cho giáo dục phát triển trong sự cạnh tranh lành mạnh.

 

Mặt khác, nhà trường cũng luôn nhận được sự bảo trợ của các nghiệp đoàn, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp, để đổi lại các đơn vị này nhận được sự hỗ trợ đào tạo trực tiếp và gián tiếp từ phía nhà trường.

 

Nước ta có mật độ dân số thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Đây là một sức ép rất lớn đối với ngân sách giáo dục và ngành giáo dục - đào tạo. Nhưng nếu chúng ta tìm được một chiến lược giáo dục phù hợp - song hành giữa Nhà nước và thị trường, thì gánh nặng dân số sẽ biến thành lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao.

 

Theo Nhật Vũ

Hồ sơ sự kiện