Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE):

Giáo dục tư nhân rơi vào vòng xoáy thương mại hoá

Nguồn tin Bộ GD xác nhận rằng khoảng 80% viện, trường và nhà trẻ tư nhân thuê lao động bất hợp pháp như giám sát, giáo viên và nhân viên hành chính. Đây là một trong nhiều vấn đề tồn tại trong mảng GD tư - mảng GD chiếm tỉ trọng vượt trội trong hệ thống giáo dục UAE...

Trong thực tế, những trường này khai thác tình trạng bất hợp pháp của giáo viên và tuyển dụng họ với mức lương thấp. Ban quản trị những trường này biết rằng giáo viên và lao động bất hợp pháp không thể kiện tụng trong trường hợp bị chậm trả lương bởi họ vi phạm luật lao động và nhập cư.

 

Tuyển dụng giáo viên bất hợp pháp sẽ ảnh hưởng tới hệ thống giáo dục. Các trường tư chủ tâm tận dụng giáo viên bất hợp pháp và chậm trả lương. Các giáo viên vì thế sẽ nghĩ nhiều hơn về khoản lương chưa được trả và không toàn tâm với học sinh của họ.

 

Vì thế những người thiệt thòi nhất sẽ là học sinh và phụ huynh, những người hy vọng học phí cao sẽ mang lại chất lượng giáo dục tuyệt hảo. Nhưng thực tế, tiêu chuẩn dạy sẽ suy giảm khi giáo viên không ổn định và cuối cùng ảnh hưởng tới tiêu chuẩn học. Trong khi đó, một số trường tư còn tổ chức hoạt động dạy thêm một cách qui mô sau giờ học để tạo thêm nguồn thu cho giáo viên bị trả lương thấp và thu thêm kinh phí cho trường - đây bị coi là hoạt động thương mại hoá giáo dục quá đà.

 

Tại UAE, những vấn đề về chất lượng giáo dục trường tư có ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả giáo dục chung của nước này khi mà mảng giáo dục tư thậm chí lấn lướt giáo dục công lập. Tại thủ phủ Dubai, mảng giáo dục tư tiếp nhận 100.000 nam, nữ sinh trong khi các trường công lập chỉ có 30.000 học sinh.

 

Làn sóng tăng học phí “phi mã” ở mảng trường tư cũng đang khiến dư luận phản đối. Phòng Giáo dục Dubai cho rằng cần phải áp đặt lợi nhuận của trường tư chỉ trong khoảng 5% thu nhập của trường để không biến trường học thành một công ty thương mại.

 

Ngoài ra, việc các trường tư cạnh tranh bằng cách áp dụng rất nhiều cách thức đánh giá quốc tế khác nhau đang phá đi sự thống nhất chương trình giáo dục chung. Ngành giáo dục cần phải phân loại lại các tiêu chuẩn để đưa ra một chuẩn chất lượng cho học sinh trong cả trường tư lẫn trường công. Về phía chính phủ phải sớm soạn thảo các qui định quản lí chặt chẽ mảng giáo dục tư nhân.

 

 

Theo Bảo Chi

Giáo Dục Thời Đại/ Báo nước ngoài