Giáo sư Nhật Bản nhen yêu thương cho trẻ khuyết tật vùng quê nghèo Bình Định

(Dân trí) - Trong lần đến huyện Phù Cát (Bình Định) để thực hiện nghiên cứu về hậu quả chiến tranh, Giáo sư Michio Umegaki (Trường ĐH Keio - Nhật Bản) bị ám ảnh trước hình ảnh những đứa trẻ bị khuyết tật, down. Trở về nước GS. Umegaki đã nghĩ đến mở một lớp học mang tên “ước mơ” cho những đứa trẻ nơi đây.

Nỗ lực ấy đã thành hiện thực khi lớp học đầu tiên ra đời năm 2012 bằng chính khoản tài trợ từ tiền dành dụm của ông.

Với những đứa trẻ vừa sinh ra đã phải mang trong mình nhiều thiệt thòi, ước mơ được đến trường, có ban bè, thầy cô cũng trở nên quá xa xôi. Thế nhưng, gần 6 năm qua với những trẻ em khuyết tật nghi nhiễm chất độc da cam ở vùng quê nghèo các xã Cát Trinh, Cát Thanh và Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) thì giấc mơ ấy đã thành hiện thực.

Lớp học “đặc biệt” cho trẻ khuyết tật

Hành trình về trường Tiểu học số 2 Cát Trinh (huyện Phù Cát, Bình Định) vào ngày cuối tháng 12 năm 2017, giữa cái se lạnh của những ngày cận Noel, cảnh làng quê cũng trở nên yên bình. Chúng tôi đến thăm lớp học “đặc biệt” mang tên Ước mơ. Không đặc biệt sao được, bởi lớp học chỉ dạy ngày Chủ nhật hàng tuần. Lớp học có 23 học sinh là trẻ bị khuyết tật, Down, chậm phát triển trí tuệ ở mọi lứa tuổi, đặc biệt hơn cùng ngồi học với các em con co cả những bậc phụ huynh.


Cô giáo Nông Thị Thúy Nga- tình nguyện viên lớp học Ước mơ đang dạy các học sinh.

Cô giáo Nông Thị Thúy Nga- tình nguyện viên lớp học Ước mơ đang dạy các học sinh.

Trong lớp học ấy, tôi chợt nhận ra, dù mỗi em mang trong mình một khiếm khuyết riêng, nhưng tận sâu trong mắt mỗi em là một tâm hồn trong trẻo, hồn nhiên đến đáng yêu. Tất cả em đến lớp học cho thỏa ước mơ cháy bỏng là được đến trường, có bạn bè, thầy cô giáo và quan trọng hơn là giúp các em dạn dĩ, tự tin hơn trong cuộc sống.

Khi tôi bước vào lớp, một nam học sinh chay lại rất tự tin với màn chao hỏi cũng đặc biệt “anh đẹp trai chụp cho em tấm hình đi…”. Đó là em Ngô Võ Cát Tường (13 tuổi, ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) - cái tên rất đẹp và cũng nữ tính nhưng lại không đẹp như số phận em. Chào đời, Cát Tường đã mang trong mình bệnh hiểm nghèo nên cha mẹ đặt cho em cái tên này với mong muốn cuộc sống của em se may mắn.

Cô giáo Nông Thị Thúy Nga - tình nguyện viên lớp học Ước mơ, chia sẻ: “Những ngày đầu các em không ngoan như vậy đâu, em thì la hét, quậy phá, thậm chí cào cấu thầy cô giáo. Trong khi đó, các thầy cô giáo ở đây hoàn toàn không có chuyên môn, nghiệp vụ về giảng dạy cho trẻ khuyết tật nên gặp không ít khó khăn. Thời gian đầu, nhiều phụ huynh thường xuyên ngồi học cùng các em để khi có em nào quậy phá phụ huynh và thầy cô cùng dỗ dành. Đến giờ, hầu hết các em đều biết nghe lời, nhiều em biết tự vệ sinh cá nhân, thậm chí giúp đỡ cho gia đình”.

San sẻ yêu thương

Ngồi kèm cậu con trai vừa tròn 8 tuổi tên là Nguyễn Xuân Hải tập viết với những nét chữ nguệch ngoạc, chị Nguyễn Thị Yến (44 tuổi, thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) tâm sự: “Khi vừa mới sinh ra thấy cháu bình thường nhưng càng lớn tôi thấy cháu càng khờ khạo. Học mãi mẫu giáo mà không biết gì, lại bị bạn bè trêu chọc nên đành phải cho cháu nghỉ học. Phải ở nhà cháu bực tức lắm hay quậy phá nên vợ chồng phải cử người ở nhà trông coi cháu. Nhưng từ khi đến lớp học Ước mơ của Giáo sư người Nhật Bản, cháu tỏ ra thích thú chỉ mong tới Chủ nhật để được đến lớp với bạn bè thầy cô”.


Lãnh đạo huyện Phù Cát nhận hỗ trợ của giáo sư Michio (đứng giữa, đeo kính).

Lãnh đạo huyện Phù Cát nhận hỗ trợ của giáo sư Michio (đứng giữa, đeo kính).

Có phần xót xa hơn, chị Phan Thị Thu Hồng (44 tuổi, ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát) có 5 người con, nhưng có 2 người con chẳng may bị bại não, trong đó đứa út mới 5 tuổi bị bại não nặng phải nằm ở nhà. Hơn 1 năm đưa con gái Nguyễn Thị Mỹ Lệ (8 tuổi) bị khuyết tật bẩm sinh đến lớp học Ước mơ, bé Mỹ Lệ nhanh nhẹn, dạn dĩ hơn. “Lúc chưa đến lớp học Ước mơ, cháu rất ít nói, không vừa ý cái gì là la hét, có khi đánh trả cả cha mẹ. Từ ngày đến với lớp học Ước mơ, cháu nhanh nhẹn, nói chuyện vui vẻ với bạn bè, thầy cô. Đến lớp học này, các cháu trở nên dạn dĩ, tự tin trước đám đông, không chỉ vậy các cháu còn được tặng quà, phát sữa nên các cháu vui lắm…”, chị Hồng phấn khởi.

Cô giáo Phạm Thị Bảy, Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 Cát Trinh, chia sẻ: “Dù các thầy cô của trường chưa được đào tạo những kỹ năng để dạy trẻ khuyết tật. Nhưng bằng tình yêu, sự quan tâm chia sẻ, các thầy cô đã đều đặn đến lớp trong suốt gần 6 năm qua. Giáo sư người Nhật ở đất nước xa xôi còn mở lớp học Ước mơ được, thì thầy cô giáo trường cũng nguyện đem tình yêu thương của mình dạy dỗ các em học sinh của lớp với mong muốn các em tiến bộ, tự tin hơn trong cuộc sống”.

Yêu thương lan tỏa

Người khởi xướng lớp học Ước mơ cho trẻ da cam ở huyện Phù Cát là Giáo sư người Nhật Bản Michio Umegaki (70 tuổi, Trường ĐH Keio - Nhật Bản). Trong một lần đến Phù Cát để thực hiện nghiên cứu về hậu quả chiến tranh, GS Michio Umegaki đã gặp những gia đình có con em bị khuyết tật, bị down. Cảm thương những đứa trẻ ở làng quê nghèo với nhiều khó khăn, ông quyết định phải làm một điều gì đó cho chúng. Nỗ lực ấy đã thành sự thật khi lớp học đầu tiên ra đời năm 2012 bằng chính khoản tài trợ từ tiền dành dụm của ông.

Lớp học Ước mơ là dự án của GS. Michio Umegaki phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định và UBND huyện Phù Cát tổ chức từ năm 2012 đến nay. Mỗi năm, GS. Michio Umegaki hỗ trợ 2.500 USD/lớp học. Thành công từ lớp học Ước mơ 1 tại trường Tiểu học số 2 Cát Trinh là lớp học Ước mơ 2, 3. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, huyện Phù Cát có 3 lớp học Ước mơ ở các xã Cát Trinh, Cát Thành, Cát Minh.


Giáo sư người Nhật Bản Michio Umegaki (70 tuổi, Trường ĐH Keio - Nhật Bản) đang chỉ các học sinh tô màu tại lớp học Ước mơ.

Giáo sư người Nhật Bản Michio Umegaki (70 tuổi, Trường ĐH Keio - Nhật Bản) đang chỉ các học sinh tô màu tại lớp học Ước mơ.

“Sau lớp học Ước mơ 1, 2, 3 tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều lớp Ước mơ khác sẽ ra đời và phát triển bền vững. Giáo sư cũng gửi gắm mong muốn, các thầy cô giáo và tình nguyện viên tích cực hỗ trợ học sinh để các em có được cơ hội học tập, hòa nhập, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử xã hội như người bình thường. Hãy giúp đỡ các em, đừng chỉ chăm chăm nhìn vào khiếm khuyết của các em”, GS. Michio Umegaki tâm sự.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát (Bình Định), ông Nguyễn Huỳnh Huyện, đánh giá cao dự án mở lớp học Ước mơ của GS. Michio Umegaki. “Các em là những đứa trẻ sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh lại sinh ở vùng quê nghèo. Từ khi có lớp học Ước mơ của GS. Michio Umegaki, các em được đến lớp, có bạn bè, thầy cô; đặc biệt khi tham gia các lớp các em tiến bộ về giao tiếp, ứng xử. Chúng tôi hy vọng cùng với các nhà hảo tâm, GS. Michio Umegaki sẽ tiếp tục mở nhiều hơn những lớp học Ước mơ cho những trẻ bị khuyết tật không chỉ trên địa bàn huyện mà cả các địa phương khác trong tỉnh”.

Doãn Công

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục