Giáo viên cắm bản vùng cao sắp về hưu vẫn không nguôi trăn trở

(Dân trí) - Cô giáo Lê Thị Hằng (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) và nhiều giáo viên cắm bản ở những vùng xa xôi, khó khăn nhất của đất nước đã gửi gắm những tâm sự xúc động về nghề giáo trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2015”.

Chiều 12/11, 64 thầy cô giáo giáo “cắm bản” tiêu biểu đang công tác tại 64 huyện nghèo vùng sâu vùng xa theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ - CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ đã về dự cuộc gặp mặt với lãnh đạo Bộ GD&ĐT.


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ nỗi vất vả của các thầy cô giáo cắm bản

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ nỗi vất vả của các thầy cô giáo "cắm bản"

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long đã chủ trì buồi gặp mặt này. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT và thủ lĩnh phong trào Đoàn thanh niên đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những giáo viên làm việc tại những địa phương có điều kiện vật chất khó khăn nhất trên cả nước.

Là một người có nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ nỗi vất vả của các thầy cô: “Tuy điều kiện công tác còn nhiều khó khăn nhưng thầy cô giáo đã nỗ lực hết mình, không chỉ truyền đạt kiến thức cho các em mà còn chăm lo cho các em học sinh ở xã từ bữa ăn đến giấc ngủ. Bằng tấm lòng, sự tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì học sinh thân yêu, các thầy cô giáo đã được cha mẹ học sinh, chính quyền, nhân dân địa phương tin yêu và gọi là “giáo viên cắm bản”.”

Thứ trưởng tin tưởng rằng 64 thầy cô giáo này là những tấm gương điển hình cho các giáo viên xung kích, tình nguyện công tác tại các trường học điểm lẻ ở miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp giáo dục hiện nay.


Các thầy cô giáo cắm bản ở những vùng xa xôi, khó khăn nhất của đất nước về thủ đô Hà Nội bày tỏ tâm tư, nguyện vọng.

Các thầy cô giáo "cắm bản" ở những vùng xa xôi, khó khăn nhất của đất nước về thủ đô Hà Nội bày tỏ tâm tư, nguyện vọng.

Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức tuyên dương các thầy cô giáo trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2015” là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, kịp thời cổ vũ, động viên và tri ân các thầy giáo, cô giáo; khơi dậy tinh thần xung kích của xã hội, đặc biệt là đoàn viên, hội viên, thanh niên trong việc mang tri thức tới cho các con, em đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của Tổ quốc.

Bí thư Đoàn Nguyễn Phi Long, trưởng ban tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2015” cho biết hoạt động tuyên dương các thầy cô giáo là nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi xã hội tiếp tục quan tâm, giúp đỡ đội ngũ giáo viên và học sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Buổi gặp gỡ với lãnh đạo Bộ GD&ĐT là cơ hội để các thầy, cô chia sẻ những tâm tư nguyện vọng với Bộ GD&ĐT, chia sẻ những kinh nghiệm, hiến kế cho Bộ để có thể có những cơ chế chính sách hỗ trợ cho các em học sinh vùng cao.

Trước sự cởi mở của các lãnh đạo, đoàn đại biểu các thấy cô giáo “cắm bản” hăng hái bày tỏ ý kiến.

Cô Lê Thị Hằng, GV trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa chỉ còn một năm sẽ về hưu, cô có rất nhiều trăn trở về điều kiện học tập, sinh hoạt của học trò. Mong muốn lớn nhất của cô là trường lớp có điện, địa phương có trạm y tế.
Cô Lê Thị Hằng, GV trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa chỉ còn một năm sẽ về hưu, cô có rất nhiều trăn trở về điều kiện học tập, sinh hoạt của học trò. Mong muốn lớn nhất của cô là trường lớp có điện, địa phương có trạm y tế.

Cô Lê Thị Hằng, GV Trường Tiểu học Đồng Lương (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) miêu tả trường của cô một nơi không có điện, có nước. Mọi vật dụng cần thiết, thức ăn đều phải gồng gánh lên trường. Lần đầu đến lớp cô xúc động mạnh vì nắm cơm nguội là bữa trưa của học trò.

Khi đến lớp, cô Hằng luôn mang theo vài loại thuốc để kiêm nhiệm vai trò bác sĩ chăm sóc học trò. Cô cũng bỏ tiền túi để mua bút, vở cho các em. Động lực của cô là dạy các em, vận động bà con làm ăn. Năm nay cô Hằng đã 54 tuổi, chỉ còn 1 năm nữa sẽ về hưu nhưng vẫn trăn trở với nghề.

Cô Tạ Thị Hương, giáo viên Trường Tiểu học Kon Tum trình bày: “Tôi đã làm nghề giáo được 20 năm, trong đó có 15 năm công tác tại miền xuôi tại Bắc Giang, có 5 năm công tác tại miền núi nên rất thấm thía được những khó khăn của các em học sinh. Các em học sinh dưới miền xuôi còn có nhiều điều kiện nhưng các em ở miền núi cái gì cũng thiếu thốn. Để chất lượng giáo dục được đồng đều không thể không nâng cao cơ sở vật chất”.

Cô Nguyễn Thị Hạ, giáo viên Trường Tiểu học Xuân Đài (xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ trường của cô đang công tác có muôn vàn khó khăn. Từ ngày đầu đi làm, cô đã phải đi 12km và phải đi bộ tận 6 -7 km để tới trường. Tuy hiện nay đã có đường đến trường nhưng vẫn chưa đủ giáo viên và học sinh các lớp phải học ghép chung với nhau. Cô Hạ mong các lãnh đạo quan tâm để xây dựng trường lớp, lớp học có điện cho các em.

Cô Phùng Thị Huyền - cô giáo trẻ nhất được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô đóng góp ý kiến với lãnh đạo Bộ GD&ĐT
Cô Phùng Thị Huyền - cô giáo trẻ nhất được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" đóng góp ý kiến với lãnh đạo Bộ GD&ĐT

Cô Phùng Thị Huyền, GV trường Mầm non Huổi Lếch (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) kể: “Nơi tôi công tác có những em không có quần, áo để mặc. Khi cô giáo muốn trò chuyện với trẻ thì trẻ không hiểu được cô nói gì do ngôn ngữ bất đồng. Vì vậy, tôi đã quyết tâm học tiếng địa phương để hiểu các em hơn.

Tôi rất muốn nơi công tác có lớp học khang trang, tiện nghi để các em học sinh có điều kiện học tập. Tôi mong muốn ngoài những chế độ đã có dành cho học sinh vùng cao sẽ có thêm nhiều những tấm lòng hảo tâm đối với điểm trường để giúp đỡ các em”.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa lắng nghe ý kiến của các thầy các cô và hứa sẽ đề xuất với Đảng, Nhà nước để có thêm chính sách hỗ trợ thầy và trò vùng cao. Thứ trưởng cũng cho biết hiện nay Bộ Giáo dục đang xây dựng đề án đề đào tạo ngôn ngữ dân tộc cho các thầy, cô.

Tối nay 12/11, chương trình tuyên dương gương giáo viên cắm bản “Chia sẻ cùng thầy cô” sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội).

Trong buổi sáng nay, các thầy cô giáo đã vào viếng Lăng Bác và thăm quan khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

64 thầy cô giáo cắm bản vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng nay.
64 thầy cô giáo "cắm bản" vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng nay.

Trước đó, vào tối qua 11/11, tại khách sạn Khăn Quàng Đỏ (Hà Nội), BTC chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã trao tặng 64 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng cho 64 thầy, cô giáo tiêu biểu đang công tác tại trường học điểm lẻ thuộc các huyện nghèo trong cả nước. Đồng thời, BTC cũng tặng 280 tấm chăn ấm, trị giá 56 triệu đồng cho học sinh trường mầm non tại 14 điểm trường lẻ.


Mai Châm