TPHCM:

Giáo viên còn “lúng túng” thông tin về kỳ thi quốc gia

(Dân trí) - Đã hơn 1 tuần theo quy định học sinh sẽ làm hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia, thế nhưng tại nhiều trường THPT trên địa bàn TPHCM mới nhận được hồ sơ từ Sở GD-ĐT nên chưa hướng dẫn cho học sinh.

Đặc biệt, đến giờ nhiều cán bộ, giáo viên phụ trách hướng nghiệp tuyển sinh vẫn còn khá mơ hồ về những quy định trong việc đăng ký hồ sơ dự thi năm nay.

Giáo viên còn “lúng túng” thông tin về kỳ thi quốc gia
Thời điểm này theo quy định các trường hướng dẫn và nhận hồ sơ đăng ký dự thi của học sinh nhưng nhiều giáo viên thắc mắc trước những thay đổi của kỳ thi.

Chương trình tọa đàm “Tập huấn quy trình tuyển sinh - kỹ năng vào đại học” do trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức ngày 9/4 đã trở thành dịp để đại diện các trường THPT trên địa bàn bày tỏ nhiều thắc mắc về việc cách thức đăng ký dự thi. Còn quá nhiều băn khoăn nên đến nay công tác hướng dẫn học sinh làm hồ sơ đăng ký thi tại nhiều trường vẫn chưa triển khai.

Đại diện đến từ các trường THPT Tây Thạnh, THPT Nguyễn Thái Bình, THPT Tân Phong… đều cho biết vừa mới nhận hồ sơ từ Sở GD-ĐT chuyển về. Cô Ngô Thị Trang - giáo viên phụ trách hướng nghiệp tuyển sinh của Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú) cho biết dù quy định học sinh được nộp hồ sơ từ ngày 1/4 nhưng đến hôm qua, trường mới được nhận hồ sơ đăng ký dự thi từ Sở GD-ĐT TPHCM chuyển về nên chưa triển khai gì đến cho học sinh.

Cô Trang cũng cho rằng năm nay, đến thời điểm này vẫn chưa có bất cứ văn bản chính thức từ phía Sở GD-ĐT hướng dẫn về mặt kỹ thuật như: mã trường có giống năm ngoái? lệ phí tuyển sinh, trường bàn giao lệ phí cho đơn vị nào, thí sinh tự do có được nộp hồ sơ dự thi tại trường hay không... Ngoài ra trường đang rất lúng túng trong việc hướng dẫn học sinh có phải bỏ phiếu xét công nhận tốt nghiệp vào hồ sơ hay không?

Trong khi đó, các giáo viên vẫn tỏ ra lúng túng trước những vấn đề liên quan đến ưu tiên tuyển sinh vì quy định tuyển sinh năm nay, thí sinh phải chịu trách nhiệm về những gì mình khai trong hồ sơ đăng ký dự thi. Cô Liên - đại diện đến từ Trường THPT Tân Phong thắc mắc rằng những năm trước quy định học sinh tốt nghiệp ở đâu thì hưởng ưu tiên ở khu vực đó tuy nhiên năm nay không biết có thay đổi không? Trường hợp thí sinh học 3 năm tại Trường THPT Tân Phong, quận 7 nhưng lại có hộ khẩu ở huyện Cần Giờ, vậy hồ sơ sẽ ghi ưu tiên khu vực ra sao?

Đó cũng là thắc mắc tương tự của cô Thụy Anh - giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11). Cô Thụy Anh nêu rằng trường hợp thí sinh học tại trường mình nhưng có hộ khẩu ở huyện Phú Quốc, Kiên Giang có được hưởng ưu tiên khu vực hay không.

Ngoài ra, cô Thụy Anh cũng cho biết trường cũng chưa dám nhận hồ sơ của học sinh vì đang chờ hướng dẫn về việc thu lệ phí tuyển sinh. “Những ngày trước, Bộ GD-ĐT nói lệ phí tuyển sinh là 35 ngàn đồng/môn nhưng đến hôm qua lại có thông tin, lệ phí chỉ còn 30 ngàn đồng/môn?”, cô giáo phụ trách tuyển sinh tỏ ra băn khoăn.

Giáo viên còn “lúng túng” thông tin về kỳ thi quốc gia
TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM trao đổi và “gỡ” phần nào những điều mà giáo viên còn lo lắng.

Trước nhiều vấn để của các giáo viên hỏi, TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, Thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015 đã có những chia sẻ tháo gỡ thắc mắc cho giáo viên. Ông Nghĩa cũng nhìn nhận rằng những thay đổi liên tục trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay khiến giáo viên phổ thông chưa nắm kịp và bối rối. Không ít thí sinh, nhất là thí sinh tự do cũng cảm thấy lo lắng do chưa được hướng dẫn kỹ càng. Ông Nghĩa lưu ý rằng các trường phải cập nhật liên tục những thông tin liên quan đến kỳ thi để hướng dẫn, tư vấn cho học sinh.

Liên quan đến những thắc mắc về ưu tiên khu vực, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng hiện nay vấn đề ưu tiên khu vực tác động rất lớn đến một lượng thí sinh. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 70% thí sinh sống tại các khu vực ưu tiên tuyển sinh. Riêng từ năm 2014, điều kiện về ưu tiên khu vực đã được điều chỉnh lại, nếu căn cứ theo quy định đại trà, là ưu tiên khu vực được xác định theo nơi các em đã, đang học và thi tốt nghiệp THPT thì sẽ có số lượng không nhỏ học sinh tuy có hộ khẩu nằm trong khu vực ưu tiên nhưng do đi học tại các xã, các trường THPT đóng trên địa bàn các xã thuộc diện ưu tiên không cao, các em sẽ bị mất quyền lợi.

Vì vậy, TS Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý cần phải có những hướng dẫn cụ thể để giúp các em xác định đúng khu vực ưu tiên của mình để tránh thiệt thòi về sau này. “Sở GD-ĐT từng địa phương cần công bố các trường phổ thông nào nằm ở xã nào, được hưởng ưu tiên khu vực loại gì, điều này cũng phải phổ biến đến từng học sinh để các em khai cho đúng, không để mất quyền lợi của các em”.

Lê Phương