Giáo viên dự đoán phổ điểm đề thi minh họa môn Ngữ văn

Đề thi minh họa môn Ngữ văn gần gũi với đời sống, có sự phân hóa cao. Phổ điểm học sinh đạt được dự đoán rơi vào khoảng từ 5 đến 6 điểm.

Bộ GD-ĐT vừa công bố bộ đề thi minh họa các môn cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Bộ đề này nhằm tạo điều kiện để giáo viên và học sinh có thể tham khảo, làm quen với định dạng của các đề thi trong quá trình dạy học và ôn tập phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Điểm mới của các đề thi minh họa năm nay là thêm phần kiểm tra kiến thức của học sinh ở cả lớp 11, chứ không chỉ riêng lớp 12 như mọi năm.

Giáo viên dự đoán phổ điểm đề thi minh họa môn Ngữ văn - 1

Đề thi minh họa môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Đề thi gần gũi với đời sống

Đánh giá về đề thi minh họa môn Ngữ, cô Ngô Thị Lan Anh (giáo viên trường THPT Trần Phú, Hà Nội) cho biết, đề thi đảm bảo được yêu cầu kiểm tra kiến thức của học sinh để tốt nghiệp THPT và có sự phân hóa để sàng lọc thí sinh vào các trường ĐH-CĐ.

Đề thi gồm 2 phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm). Phần Đọc hiểu không có gì là lắt léo, khó hiểu. Tư liệu, dẫn chứng để làm rõ cho phần Đọc hiểu có liên quan đến phần Làm văn.

Trong phần Đọc hiểu có câu hỏi nghị luận: “Anh/chị có đồng tình với quan niệm: Trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có? Vì sao”. Đây là câu hỏi rất hay, gần gũi trong đời sống và giúp học sinh liên hệ với thực tế.

Trong phần Làm văn, ở câu 1 đề cập: Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chi ̣hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự trải nghiệm trong cuộc sống.

Với câu hỏi này, cô Lan Anh lưu ý học sinh phải biết dạng bài, bố cục viết đoạn văn chứ không phải là bài văn.

Trước kia, đề thi thường ra viết đoạn văn đề cập đến 1 ý thì đề thi minh họa môn Ngữ văn yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về nhiều ý.

Khi kết nối các ý trong đoạn văn, các em cần biết chuyển ý để sao cho vẫn đề cập đầy đủ ý trong một dung lượng chỉ khoảng 200 chữ.

Phổ điểm sẽ rơi vào khoảng 5 đến 6 điểm

Nếu như trong các đề thi THPT Quốc gia ở những năm trước chỉ kiểm tra kiến thức của học sinh ở lớp 12 thì trong câu thứ 2 của phần Làm văn của đề thi minh họa năm nay còn kiểm tra kiến thức của học sinh ở cả lớp 11.

Ở câu hỏi này có tích hợp kiến thức giữa tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân (Ngữ văn 11 tập 1) và tác phẩm “Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân (Ngữ văn lớp 12 tập 1).

Việc Bộ GD-ĐT ra đề thi có cả chương trình lớp 11 và 12 cũng là yêu cầu học sinh học tập, ôn luyện toàn diện hơn, tránh học tủ, học lệch.

Theo cô Lan Anh, đề thi minh họa môn Ngữ văn năm nay khó hơn đề thi chính thức của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017.

Phần Làm văn không phải là học sinh nào cũng có thể làm được. Với học sinh chuyên về các môn xã hội thì đề thi không quá khó nhưng với học sinh thiên về các môn khoa học tự nhiên thì tương đối khó.

Đây cũng câu hỏi phân hóa trình độ của học sinh khi xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ.

Học sinh muốn làm được các câu hỏi cần có sự khái quát các ý để trình bày rõ các luận đề sao cho phù hợp với yêu cầu của đề bài.

Với đề thi này, cô Lan Anh dự đoán, phổ điểm mà học sinh đạt được sẽ rơi vào khoảng từ 5 đến 6 điểm. Học sinh nào đạt từ điểm 7 trở lên sẽ là những người học chuyên về khối khoa học xã hội, vững kiến thức và có sự liên hệ các tác phẩm văn học với đời sống thực tiễn phong phú.

Theo Bích Lan

VOV