Giáo viên “đuối” vì bệnh tay chân miệng

(Dân trí) - Đọc tài liệu về bệnh, học cách pha thuốc diệt khuẩn, tăng cường công tác vệ sinh trường lớp, tư vấn cho phụ huynh, “soi” tay chân khi trẻ có dấu hiệu sốt, bỏ ăn… và sẵn sàng đón đoàn kiểm tra trung tâm y tế có thể “ập” xuống bất kỳ lúc nào.

Bên cạnh chuyên môn, quản lý, giáo viên, nhân viên các trường mầm non tại TPHCM tiếp tục “căng mình” đối phó trước diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng (TCM). Chống chọi với dịch bệnh đang trở thành áp lực đè nặng lên giáo viên, nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng đến việc dạy học ở trường. mần non trước thềm năm học mới.

Tại trường mần non 14 (Q. Bình Thạnh), mỗi lần đón học sinh từ phụ huynh, giáo viên sẽ thêm thao tác sờ trán, kiểm tra tay chân trẻ xem có dấu hiệu nóng sốt hay không. Nếu trẻ bị sốt, giáo viên sẽ trao đổi với phụ huynh cho trẻ về theo dõi, kiểm tra.

Giáo viên “đuối” vì bệnh tay chân miệng - 1

Ngoài công việc chuyên môn, giáo viên mầm non đang chạy đua với dịch bệnh tay chân miệng.

“Nhiều phục huynh khó chịu hoặc không đồng tình nhưng để đảm bảo an toàn cho con của họ và các trẻ khác, chúng tôi phải thuyết phục, thậm chí phải kiên quyết không nhận trẻ bị ốm sốt bất thường”, bà Ngô Thị Tâm, hiệu phó trường mần non 14 cho hay.

Với những trẻ xuất hiện dấu hiệu sốt, bỏ ăn tại trường, giáo viên sẽ dựa trên hiểu biết của mình để kiểm tra các dấu hiệu của bệnh TCM, nếu có bất thường sẽ cho trẻ cách ly ngay tại phòng y tế của trường, đồng thời báo với phụ huynh cho cháu nhập viện.

Giáo viên của trường được bồi dưỡng kiến thức về bệnh TCM, cách pha thuốc Cloramin B, vệ sinh trường lớp, đồ chơi học sinh. Đồng thời, kết hợp với trung tâm y tế dự phòng, trường trực tiếp phát tài liệu cũng như tuyên truyền cho phụ huynh về bệnh TCM. “HIện giáo viên đang kiêm luôn công việc của nhân viên y tế”, bà Tâm cho biết.

Bà Phan Thị Phượng, Trưởng phòng Giáo dục Q.6 chia sẻ, năm học mới các trường mần non sẽ gánh thêm nỗi lo trước tình hình dịch bệnh TCM. Ngoài công tác chuyên môn, đổi mới, chuẩn bị nhiệm vụ năm học mới hiện nay phòng tiếp tục tăng cường phối hợp với trung tâm y tế để tiếp tục bồi dưỡng các kiến thức, thao tác, kỹ năng ứng phó với bệnh cho giáo viên.

Bà Phượng nhận xét thời điểm này đang học hè chưa đến mức căng thẳng, hai tuần tới khi vào năm học trẻ tập trung chắc chắn giáo viên sẽ phải “gánh” rất nhiều việc nữa. Vì thế các trường cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các phụ huynh chứ mình riêng nhà trường thì kham không nổi.

Bả Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng phòng Giáo dục Q.3 cho hay, khó khăn lớn nhất hiện nay là hầu hết các trường mầm non đều không có nhân viên y tế. Cả Q.3 có hàng chục trường mần non nhưng số trường có nhân viên y tế chỉ đếm đầu ngón tay.

Trực tiếp làm việc với trẻ, giáo viên đang phải gánh áp lực rất nặng trước dịch bệnh nào là đi tập huấn, đọc tài liệu, dọn dẹp tẩy rửa trường lớp, tuyên truyền cho phụ huynh… Vừa phòng bệnh, còn phải kịp thời phát hiện trẻ mắc bệnh trong khi giáo viên không phải là những người có khả năng chuyên môn.

Bà Nguyệt cho biết thêm, việc tập huấn về bệnh TCM cho giáo viên cũng theo lộ trình. Không một lúc mà tập huấn được cho toàn bộ giáo viên nên các trường cử người đi rồi về truyền đạt lại. Nhiều giáo viên, đến cả nhân viên bảo vệ chưa được truyền tải lại đều mất tinh thần khi nhân viên y tế ập xuống kiểm tra.

“Thậm chí những người được tập huấn cũng sợ các câu hỏi của bên y tế. Có những cháu mắc bệnh vào viện còn khó phát hiện ra bệnh huống hồ là giáo viên, những người không chuyên môn mà bị hỏi như tra khảo không phát hiện kịp thời, pha thuốc thế nào, thuốc có tác dụng thế nào… Giáo viên vừa làm đủ việc để phòng lại vừa lo thom thóp như bị trả bài”, bà Nguyệt bộc bạch.

Trước vấn đề này, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay mức lây nhiễm TCM ở trường học chỉ chiếm 23%, còn chủ yếu là lây nhiễm ở nhà. Việc phòng chống tay chân miệng hiện nay triển khai thành nhiệm vụ chung của các quận huyện chứ không riêng gì trường học.

Theo bà Thanh, hiện nay giáo viên sẽ vất vả vì nhiều việc hơn như kiểm tra sức khỏe trẻ, dọn vệ sinh, lau sàn, tẩy rửa đồ chơi, tăng cường giữ vệ sinh cho trẻ… để phòng dịch. “Tuy nhiên, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của trường học là đảm bảo an toàn cho trẻ nên thầy cô cần xác định tư tưởng đây là công việc của mình để cố gắng hết sức mình”, bà Thanh nhấn mạnh.

Hoài Nam