Bạn đọc viết:

Giáo viên mừng rỡ vì thoát nạn “đòi nợ thuê”

(Dân trí) - Trong cuộc họp hội đồng sư phạm đầu năm, trường tôi được dịp thở phào nhẹ nhõm khi thầy hiệu trưởng thông báo năm học này giáo viên chủ nhiệm sẽ không trực tiếp thu tiền học sinh. Nhiệm vụ ấy sẽ được phân công cho bộ phận nhân viên văn phòng.

Khó có thể nói hết niềm vui rạng rỡ trên gương mặt của mọi người bởi bao lâu nay đó là một nhiệm vụ bất khả kháng. Nặng nề, áp lực, chua xót… là những cảm giác chẳng dễ chịu chút nào khi phải gánh “trọng trách” nặng “mùi tiền” như thế.

Ai là người trong cuộc mới thấm thía hết những nhọc nhằn của nhà giáo khi phải kiêm nhiệm luôn vai trò “huy động viên”, “thu ngân viên”. Các khoản tiền “bắt buộc” từ cấp trên, các khoản “vận động”, “tự nguyện” từ nhà trường, các khoản “thu giúp”, “thu hộ” từ ban đại diện cha mẹ học sinh, công ty bảo hiểm,… cứ thế bủa vây khiến nhà giáo “quay” từ ngày này sang ngày khác.

Bao nhiêu khoản thu là bấy nhiêu phiếu thu đi kèm, lắm lúc không kịp viết phiếu thu đành “nợ” lại học sinh và tranh thủ giờ rảnh rang ngồi “cày” hàng loạt. Sổ thu nộp chỉ toàn những con số vô hồn, ấy vậy mà cực kỳ quan trọng lúc nào cũng giữ khư khư trong cặp. Buồn cười nhất là mọi người sợ mất sổ thu tiền còn hơn cả mất ví, mất giáo án…

Thu tiền học sinh đâu đơn giản, còn phải tính toán, phân loại và cần mẫn tích cóp, chăm chỉ lên gặp thủ quỹ trường để nộp. Giáo viên thu nhầm tiền học sinh phải bỏ tiền túi bù vào đã xảy ra. Giáo viên thâm hụt tiền nộp phải kí nợ, trừ lương cũng không hiếm.

Giáo viên phải tận dụng mọi thời gian có thể để thu tiền. Trong khi người ta dành năm phút đổi tiết để nghỉ ngơi trà nước, giáo viên chủ nhiệm phải tìm về lớp để tranh thủ thu tiền. Giờ học lắm lúc bắt đầu bằng điệp khúc muôn thuở “Hôm nay có em nào nộp tiền không?”. Giờ sinh hoạt lớp chắc chắn phải chen vào câu chuyện em nào đã nộp đủ, em nào còn thiếu, bao giờ hết hạn nộp…

Gia cảnh học sinh khác nhau, đâu phải lúc nào cô nhắc nhở cũng sẵn sàng nộp đúng hạn. Trong khi đó, áp lực thu đủ tiền từ nhà trường đang hối thúc sau lưng. Cá biệt có trường còn thường xuyên thống kê tỉ lệ chênh lệch thu giữa các lớp, nêu tên lớp nộp chậm giữa cuộc họp hội đồng và đưa vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua giáo viên. Thế là giáo viên đành phải trở thành “người đòi nợ thuê” bất đắc dĩ thôi! Dù lòng người thầy trăn trở bao nhiêu đi nữa cũng phải gạt sang một bên để nói chuyện tiền, nhắc tiền nộp và đòi tiền nợ…

Ám ảnh nhất vẫn là cảnh “đứng mũi chịu sào” trao đổi, giải trình, vận động phụ huynh đóng góp các khoản. Mặc dù đã được “mớm lời” trước cuộc họp phụ huynh về khoản này khoản kia nhưng gặp những vị phụ huynh khó tính, nóng tính thì y như rằng giáo viên chủ nhiệm hứng trọn lời chỉ trích và cơn phẫn nộ từ số đông.

Thiên chức cao cả của người thầy là mối quan tâm trí dục, đức dục, thể dục của học sinh. Vậy mà mối bận tâm về tiền cứ như một gánh nặng đeo bên hông chẳng thể vứt bỏ. Lớp học đang bay bổng với ý thơ, lâng lâng trong xúc cảm bỗng xẹp xuống như quả bóng xì hơi khi cô bắt đầu câu chuyện muôn thuở - tiền trường.

Hình ảnh người thầy thanh cao với cái uy nghiêm trong thái độ, chuẩn mực trong hành xử bỗng chốc bay biến đi đâu mất khi còn lại là cảnh nhắc nhở nộp tiền, hối thúc tiền nộp, hí hoáy viết phiếu thu để kịp đưa cho học sinh… Ai cũng khổ tâm nhưng ca thán bao lâu nay vẫn chẳng thay đổi được gì.

Tôi nhớ Sở GD&ĐT TP.HCM năm ngoái đã có chỉ đạo không để giáo viên trực tiếp thu tiền trường. Năm nay, Sở GD&ĐT Khánh Hòa lại tiếp tục “châm ngòi” cho niềm háo hức của giáo viên tỉnh nhà thoát nạn thu tiền. Và may mắn thay, dẫu Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế chưa có chỉ thị “cởi trói” thì thầy hiệu trưởng trường tôi cũng đã thấu cảm với nỗi khổ khó nói thành lời của giáo viên trong trường. Mong là công cuộc đổi mới giáo dục sẽ được bắt đầu bằng những cải cách nhỏ nhoi như thế!

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!