Bạn đọc viết:

Giáo viên “ngán ngẩm” với sinh hoạt chuyên môn

(Dân trí) - Vào đầu mỗi năm học, Ban giám hiệu nhà trường nhận được một lịch phân công giáo viên chúng tôi trong thời gian tới sẽ đi sinh hoạt tại một số trường trên địa bàn huyện. Câu chuyện đi sinh hoạt chuyên môn sẽ không có gì đáng bàn nếu nó thật sự có ý nghĩa với chúng tôi. Nhưng...

Trong thời điểm “nước rút” như thế này, giáo viên “ngập đầu ngập cổ” với một núi công việc khi học sinh vừa thi học kì 1 xong, nào chấm bài, nhập điểm, vào sổ điểm lớn, vào cổng công nghệ, thống kê… thì chúng tôi được “vinh dự” đi tham gia buổi sinh hoạt chuyên môn tại một trường cách xa trung tâm hàng trăm cây số. Trước buối sinh hoạt một ngày, các đồng nghiệp của tôi lao xao hỏi nhau địa điểm mình sẽ đến, ai cũng ngao ngán lắc đầu.

Qủa thật, với cái rét “cắt da cắt thịt”, cùng với quãng đường quá xa, ai không chùng lòng cho được. Những giáo viên trẻ còn thay phiên “ đổi xế” để tránh cái lạnh rợn người, chứ những giáo viên “có tuổi” thì e hơi khó.

Vượt qua khó khăn để đến nơi, ai nấy đều suýt soa vì lạnh. Cái lạnh bên ngoài, môi tím, tay tê, da mắt tái… thì ít mà cái lạnh trong lòng thì nhiều. Giao viên toàn huyện về gặp nhau, nụ cười mở ra không trọn vẹn. Chị đồng nghiệp ngồi cạnh tôi buông một câu nói nghe đúng làm sao: “Không biết bao nhiêu là việc, sao lại còn hành hạ nhau như thế này nữa chứ.” Tôi chỉ biết cười gượng.

Nhìn lên các bàn trên, vẫn thấy những người trong Tổ bộ môn còn bàn công việc. Sau đó, một giọng nói quen thuộc vang lên: “Trong thời điểm cập rập như thế này, nào điểm chác, thống kê, nộp các biểu mẫu… mà quý thầy cô giáo không ngại thời tiết lạnh, đường xá xa xôi đã đến được đây. Mong quý thầy cô thông cảm.” Đó là câu nói của cô Tổ trưởng tổ bộ môn.

Buổi sinh hoạt diễn ra hết sức vô vị. Dưới sự điều khiển của Tổ bộ môn, giáo viên chúng tôi nêu ý kiến về đề thi, đáp án của môn mình dạy trong kì thi học kì một vùa qua. Đây là một việc làm tốt nhằm lấy ý kiến từ giáo viên chúng tôi gửi về Phòng Giáo dục, rút kinh nghiệm cho đợt thi sau, nhưng việc này bị lặp lại, vì mọi ý kiến về đề thi, đáp án bài thi chúng tôi đã ghi ra giấy, tổ trưởng đã tập hợp lại sau buổi thi để gửi về Phòng rồi. Hà cớ gì phải điều chúng tôi đi tiếp như thế?

Từ câu chuyện này, làm tôi nhớ đến, các buổi sinh hoạt chuyên môn những năm đầu, tôi mới “chập chững vào nghề ”. Lịch sinh hoạt chuyên môn dày đặc, mỗi tháng một lần, đi khắp “ hang cùng ngõ hẹp”, có khi lên tận một trường ở miền nui cao, nên tờ mờ sáng chúng tôi phải khăn gói ra đi, thậm chí có những người thấy mình không đủ sức cầm tay lái, rủ nhau góp tiền để thuê xe taxi đến nơi, để khỏi bị vắng mặt. Có khi về một trường tận miền biển.

Tôi nhớ có lần, chị em phải đi sinh hoạt một trường ven biển. Sau khi vượt qua cây cầu dài nhất nhì tỉnh, rồi phải vượt qua một cái đầm nước rộng mênh mông trên con thuyền chồng chềnh mới đến nơi. Ngồi trên thuyền, nước, sóng mấp mé hai bên, thỉnh thoảng những đợt sóng ập vào, bọt tung trắng xóa, bay khắp mặt, khắp người, ai nấy đều “thất kinh hồn vía”. Nghĩ tại sao mình lại nông nỗi như thế này! Nếu biết nguy hiểm đến tính mạng thì viết đơn xin nghĩ cho xong, nhưng mấy ai lường trước những hậu quả của chuyến đi như thế. Ngồi trên thuyền mà tim đập, chân run. Mấy cô lớn tuổi chực khóc. Nhớ lại, tôi vẫn nổi cả gai ốc.

Không biết Phòng Giáo dục có hiểu không mà những năm trở lại đây tôi không thấy, tên của trường ven biển này không có trong danh sách đi sinh hoạt nữa. Hú vía!

Đi sinh hoạt chuyên môn ngán ngẩm như vậy, nhưng giáo viên chúng tôi cũng chẳng muốn viết đơn xin nghỉ phép, mà tặc lưỡi: “Viết đơn thà đi sinh hoạt cho lành”. Trừ trường hợp bản thân đau nặng, đi không nổi, có giấy khám của bác sĩ hoặc trường hợp con đau ốm đột xuất, giáo viên nghiễm nhiên được nghỉ, còn với lí do khác, cần có chữ kí của Hiệu trưởng, thông qua Tổ trưởng nhờ báo với Tổ bộ môn.

Những năm trở lại đây, hình thức sinh hoạt chuyên môn của giáo viên có tiến bộ hơn rất nhiều nhưng vẫn không tránh khỏi những chồng chéo về mặt thời gian, công việc lặp lại… Dù gì đi chăng nữa, công việc chính của giáo viên chúng tôi là giảng dạy và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chúng tôi săn sàng học hỏi kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn, giữ gìn đạo đức chuẩn mực của người thầy giáo, cho nên mong Bộ, Sở, Phòng Giáo dục nghiên cứu kí lưỡng, áp dụng một cách khoa học các hình thức sinh hoạt chuyên môn đối với giáo viên chúng tôi để nó có ích hơn trong việc giáo dục học sinh.

Thanh Thanh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!