Hướng dẫn mới về giảm tải chương trình tiểu học:

Giáo viên phải “ngấm” văn bản!

(Dân trí) - Ngay từ đầu năm học 2005-2006, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Ngyễn Minh Hiển đã có chỉ thị cắt ngay lập tức 15% chương trình tiểu học. Tuy nhiên, phải sau hơn một học kỳ, Bộ mới chính thức có văn bản chỉ đạo thực hiện

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai cho biết:   

 

- Ngày 13/2/2006 Bộ GD - ĐT đã có văn bản gửi tới tất cả các Sở GD - ĐT hướng dẫn về việc điều chỉnh việc dạy và học cho học sinh tiểu học, sẽ được thực hiện trong học kỳ II của năm học này đối với những trường có điều kiện. Trong đó nêu ra hai vấn đề là đổi mới công tác quản lí, chỉ đạo, đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên và điều chỉnh một số nội dung học tập của học sinh. 

 

Thưa bà, văn bản này sẽ giúp các trường thực hiện việc giảm tải thế nào?

 

Văn bản đã hướng dẫn rất tỉ mỉ, chi tiết những yếu tố cần thiết trong việc đổi mới giảng dạy, như giao cho các trường chịu trách nhiệm về nội dung. Các trường chủ động cụ thể hóa phân phối chương trình học tập của học sinh phải phù hợp với từng lớp học cụ thể nhằm cải thiện kết quả học tập của học sinh, cán bộ quản lý cần khuyến khích giáo viên đổi mới cách dạy để đáp ứng khả năng học tập của tất cả học sinh trong lớp. 

 

Như vậy, hầu như“gánh nặng” giảm tải chủ yếu sẽ do các trường tự giải quyết? 

 

Văn bản hướng tuy đã chỉ ra những yếu tố cần thiết để tiết học thành công nhưng điều quan trọng là giáo viên phải biết cách dạy. Các Sở GD - ĐT sẽ chỉ đạo đổi mới cách soạn giáo án để giáo viên có thời gian tập trung vào công tác giáo dục, giáo án cần ngắn gọn nhưng có nhiều thông tin và mỗi bài có thể chỉ cần 1 trang A4. 

 

Giờ đây giáo viên và nhà trường không được chạy theo bệnh thành tích mà cần quan tâm tới từng học sinh. Bộ sẽ không cứng nhắc trong việc quy định thời gian của một tiết học cụ thể mà giáo viên được quyền chủ động kéo dài hay rút ngắn giờ học của từng tiết học làm sao cho học sinh hiểu được bài. Thời gian có thể kéo dài ở bài khó và có thể rút ngắn ở bài dễ chứ không quy định cứng nhắc như trước đây. Nhưng giáo viên sẽ phải điều chỉnh làm sao để học sinh hiểu bài nhưng vẫn đảm bảo theo kịp chương trình. 

 

Có vẻ như giáo viên mới chính là người gây nên sự quá tải nên muốn giảm tải thì hoàn toàn phải phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên?

 

Theo tôi thì chương trình quá tải không phải do chương trình qúa nặng mà do cách dạy của giáo viên, giáo viên phải hiểu học sinh để có phương pháp dạy, thì chương trình sẽ không quá tải, còn dạy theo phương pháp cứng nhắc học sinh không chấp nhận được thì đó là quá tải. Mỗi giáo viên cần tìm ra một phương pháp dạy hợp lý nhất, phải xác định dạy học cho học sinh tiểu học không phải chỉ là biết đọc biết viết và tính toán, mà điều quan trọng là thông qua bài học cần phải thể hiện được ý tưởng giáo dục trong bài học đó.

 

Những yêu cầu đó, vào thời điểm này liệu có là đòi hỏi quá sức đối với đội ngũ giáo viên, thưa bà?

 

Muốn làm được điều đó thì từng giáo viên phải “ngấm” văn bản giảm tải này, tuy nhiên không phải một sớm một chiều. Giáo viên cần phải biết đặt câu hỏi cho học sinh để học sinh có sự phản xạ nhanh, làm cho học sinh hiểu bài một cách nhanh chóng và những điều trong sách phải thể hiện thật gần gũi với cuộc sống đời thường, không nên quá nặng nề gây áp lực đối với học sinh. Không phải chỉ dạy cho các em kiến thức mà cần dạy cho học sinh biết cách giao tiếp, biết chủ động sáng tạo trong học tập và công việc. 

 

Xin cảm ơn bà!

 

      Minh- Hạnh

(thực hiện)