Giáo viên sống được là nhờ dạy thêm?!

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD -ĐT TPHCM phát biểu như vậy khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 của Hội đồng nhân dân TP HCM khóa VII. Ông còn nói nhu cầu học thêm là có thật vì nhân dân ta rất hiếu học.

Ý kiến của ông được một số giáo viên có tham gia dạy thêm ủng hộ. Họ cho rằng không dạy thêm thì cũng phải làm nghề khác để kiếm thêm và thực ra học sinh có nhu cầu học thì họ mới dạy.

 

Tuy nhiên, ý kiến chung của đông đảo người dân và các chuyên gia là ngành giáo dục phải đổi mới phương pháp dạy học và thi cử để các em không đánh mất tuổi thơ của mình.

 

Giải thích hiện tượng dạy thêm và học thêm mà theo cách nói của đại biểu HĐND và cử tri thành phố là vấn nạn, ông Huỳnh Công Minh đưa ra 3 nguyên nhân:

 

Thứ nhất là do chương trình học quá nặng, phương thức thi cử chưa cải tiến triệt để và điều kiện học hành thiếu thốn.

 

Thứ hai: Nhu cầu học thêm là có thật trong thực tế vì dân ta rất hiếu học.

 

Thứ ba: Đời sống giáo viên quá khó khăn. Với mức lương trung bình 1 triệu đồng/tháng,  nếu không dạy thêm, không sống nổi.

 

Trước HĐND, ông Huỳnh Công Minh nói: Sở sẽ xử lý nghiêm những trường hợp ép buộc học sinh đi học thêm. Còn bình thường thì,  khó mà dẹp được vì, giáo viên dạy thêm cũng giống như Bác sỹ mở phòng mạch để kiếm thêm thu nhập, khó mà cấm được!.

 

Trao đổi với phóng viên sáng 22/12/2005, giáo viên Đ.M.H (dạy Văn trường PTTH Bán công M.C) cho rằng phát biểu của ông Giám đốc Sở GD-ĐT đều dựa trên thực tế. Ở trường M.C, trừ giáo viên  môn Giáo dục công dân không dạy thêm được vì không có ai học, còn lại, tất cả đều dạy thêm để kiếm thêm thu nhập.

 

“Thực tế lương bổng như hiện nay thì  dạy thêm là một việc làm phù hợp nhất đối với giáo viên bởi, nếu không dạy thêm thì chúng tôi cũng phải tìm một việc khác để làm thêm. Ngay như bản thân tôi, do dạy môn Văn nên rất ít học sinh có nhu cầu học thêm. Tôi phải đến tận nhà để dạy kèm cho một vài  học sinh  có ý định thi ĐH khối C  (Văn- Sử- Địa)”, giáo viên Đ.M.H tâm sự.

 

Một giáo viên khác, dạy Toán ở trường cấp 3  G.Đ (quận Bình Thạnh) thì  thẳng thắn: “Theo tôi, có cầu thì mới có cung (học sinh có nhu cầu thì thầy giáo mới dạy- PV). Vì vậy, nếu tôi  không dạy thì các em phải đi học thêm chỗ khác. Có như thế, các em mới theo kịp chương trình!”.

 

Để “hợp thức hóa” việc dạy thêm- học thêm, nhiều trường đã “sáng tạo” ra Trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ. Ở đó, giáo viên được nhà trường đồng ý cho mở lớp ngay tại trường để phục vụ nhu cầu học thêm của học sinh ngay sau giờ học chính thức với điều kiện, học phí thu sẽ được chia theo phương thức 6-4 (Giáo viên hưởng 6 phần, nhà trường hưởng 4 phần).

 

Mô hình này không phát triển vì chất lượng dạy và học không cao. Giáo viên cũng không háo hứng lắm vì bị “chặn” mất nguồn thu. Do vậy, giáo viên tìm cách dạy thêm tại gia hoặc thuê mướn mặt bằng để mở lớp.

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo viên dạy thêm chia làm 3 loại.

 

Loại 1: Giáo viên  giỏi ở môn Khoa học Tự nhiên và ngoại ngữ không cần quảng cáo nhưng lò dạy thêm lúc nào cũng nườm nượp học sinh. Ví dụ như “lò” dạy thêm trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3) của thầy P, Hiệu trưởng kiêm giáo viên dạy Lý trường THPT G.Đ (Bình Thạnh).

 

Loại 2: Giáo viên thường thường ở các môn Khoa học tự nhiên và ngoại ngữ do ít học sinh theo học nên phải sử dụng nhiều “chiêu” như: Gây khó dễ với học sinh bằng cách cho điểm thấp, không chấp nhận các hướng giải khác... để ép học sinh đi học thêm.

 

Loại 3: Giáo viên dạy các môn Khoa học Xã hội (trừ Giáo dục công dân) do không có học sinh đi học thêm nên phải  đi dạy kèm tại gia.

 

Giáo viên bậc tiểu học cũng tìm đủ mọi cách để học sinh đi học thêm. Phần lớn giáo viên mở “lò” tại gia, buộc phụ huynh đưa con em mình đến học. Ở trường tiểu học N.T.S trên đường Huỳnh Tịnh Của, sau khi tan lớp chính thức, một số giáo viên thuê địa điểm ngay trước cổng trường để tổ chức phụ đạo cho các em học sinh “không theo kịp chương trình”.

 

Phản ứng với cách giải thích của ông Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM  về vấn nạn “dạy thêm- học thêm”, TS Nguyễn Đăng Nghĩa (Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam”  nói: “Không thể vin vào sự hiếu học của học sinh và sự ... hiếu dạy của giáo viên để giải thích hiện tượng dạy thêm học thêm được. Ngành giáo dục phải có trách nhiệm đổi mới phương pháp dạy học và chế độ thi cử. Nếu không thì, gánh nặng học hành sẽ đánh mất tuổi thơ của các em”.

 

Một người trong cuộc, giáo viên Đ.M.H (trường M.C) thì nói: Nếu lương giáo viên đủ sống thì tôi không đi dạy thêm mà  sẽ đầu tư thời gian để soạn giáo án!

 

Theo Lý Thành Tâm

Tiền Phong