Giáo viên tiếp tục gửi kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo

(Dân trí) - Mặc dù những kiến nghị của giáo viên không phải là những vấn đề “đao to búa lớn” hay định hướng phát triển giáo dục trong 5 năm hay 10 năm tới, mà đó là những vấn đề cụ thể, những bất cập thực tế đang diễn ra trong giáo dục để gửi tới tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Giáo viên tiếp tục gửi kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo - 1

Nhà giáo Trần Vũ, Thị trấn Trảng Bàng- Tây Ninh cho biết, trên báo Dân trí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có nói: “Tôi sẽ thành tâm lắng nghe và tạo điều kiện để các bậc cao minh, trí giả cũng như người dân bình thường đều có thể hiến kế hoặc đưa ra những suy nghĩ tâm huyết”.

Là người dân luôn quan tâm đến những đổi thay của ngành giáo dục, qua phát biểu trên đây, tôi đề đạt đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ( GD&ĐT) đôi điều về hoạt động dạy và học ở trường phổ thông như sau:

Tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT): Nên có môn thi tổ hợp

Nghị quyết số: 29/NQ-TW chỉ rõ: “Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.”

Thực trạng cho thấy, khi thi tốt nghiệp THPT với 3 môn học bắt buột Văn, Toán, Ngoại ngữ và chọn thêm một môn trong 5 môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học và Sinh học, sẽ dẫn đến tình trạng trạng dạy và học lệch đi so với mục tiêu giáo dục toàn diện; bởi lẽ ngoài 8 môn học trên đây, các môn còn lại: Tin học, Giáo dục công dân, Thể dục, Giáo dục quốc phòng và An ninh, Công nghệ ; bị xem nhẹ từ lãnh đạo nhà trường (các môn này không được nhà trường tổ chức kiểm tra tập trung) đến thầy cô giáo và học sinh (học sinh cho rẳng là môn phụ nên ít quan tâm, không cố gắng học, giáo viên hầu như không tập trung để nâng cao chất lượng, lại cho điểm rộng).

Do tâm lý của học sinh là có thi thì mới học; chưa nói đến chỉ tập trung đầu tư vào một hoặc hai môn trong số các môn được chọn để thi tốt nghiệp; thế nên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 tỉ lệ học sinh đăng ký 7- 8 để thi là rất ít.

Vì vậy kiến thức trang bị cho các em khi học hết THPT không được toàn diện như mục tiêu của giáo dục bậc trung học đề ra. Dù hoàn toàn thống nhất với mục tiêu trong Nghị quyết số: 29/NQ-TW: “ Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội…”.

Nhưng tôi vẫn kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Ngoài 3 môn thi bắt buộc Văn, Toán, Ngoại ngữ, học sinh chọn thi thêm một môn trong tổ hợp môn gồm Sử- Địa hoặc Lý- Hóa- Sinh, thay vì một môn riêng như hiện nay; mặc khác Bộ nên xem xét lấy điểm khuyến khích để cộng vào điểm xét tốt nghiệp cho học sinh khi chọn thi thêm một trong 5 môn: Tin học, Giáo dục công dân, Công nghệ Thể dục, Giáo dục quốc phòng và An ninh.

Thực hiện được điều này, ngành GD&ĐT mới có thể đánh giá đầy đủ hơn hoạt động dạy và học ở các cơ sở trường học và học sinh mới: “có năng lực để tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.”

Chỉ tổ chức kiểm tra học kỳ II sau khi môn học được giáo viên dạy hết chương trình.

Trong công văn số: 6285/BGDĐT-GDTrH ngày 01-12-2015 về “ Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông”, Bộ GD&ĐT yêu cầu : “ Các trường học thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ giáo dục toàn diện học sinh theo mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông; tuyệt đối không được cắt xén chương trình, môn học đã quy định”.

Mặc khác ,trong Quyết định số: 2797/QĐ-BGDĐTngày 03-08-2015 của Bộ trưởng bộ GD&ĐT về “Ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2015-2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên” có quy định kết thúc học kỳ II (hoàn thành kế hoạch giảng dạy và học tập): trước ngày 25/5/2016, về chương trình học đối với cấp THCS và cấp THPT có ít nhất 37 tuần thực học (học kỳ I có ít nhất 19 tuần, học kỳ II có ít nhất 18 tuần); còn trong phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT ở phần lớn các môn học quy định kiểm tra học kỳ II ở tiết cuối cùng của chương trình.

Ví dụ môn Lịch sử ( ban cơ bản) lớp 10 cả năm có 55 tiết và kiểm tra học kỳ II ở tiết 55, lớp 11 cả năm là 37 tiết và kiểm tra học kỳ II ở tiết 37, lớp 12 cả năm có 56 tiết và kiểm tra học kỳ II ở tiết 56

Tuy nhiên, không ít trường học tổ chức kiểm tra học kỳ II vào thời điểm trước khi kết thúc chương trình học từ 2 đến 3 tuần, với lý do tổ chức kiểm tra tập trung, rồi chấm bài kiểm tra, tổng kết điểm, làm hồ sơ dự thi tốt nghiệp cho lớp 12…

Sau khi kiểm tra học kỳ II ( trừ các môn có thi tốt nghiệp ở lớp 12) nền nếp dạy và học không còn được duy trì: học sinh khi đã biết điểm trung bình môn cả năm và biết được lên lớp thì không còn động lực để học; học sinh lớp 12 biết được dự thi tốt nghiệp thì hoàn toàn không học các môn không đăng ký thi tốt nghiệp.

Còn giáo viên sau kiểm tra học kỳ II do bận rộn chấm bài, tổng kết điểm, làm hồ sơ sổ sách… và do đã được đánh giá, xếp loại thi đua, xếp loại công chức… nên lên lớp dạy qua loa, có môn cắt xén chương trình.

Còn lãnh đạo nhà trường bận rộn tổng kết năm học, đánh giá xếp loại thi đua, xếp loại công chức, làm hồ sơ thi tốt nghiệp và ôn thi học sinh lớp 12… nên không quan tâm đến việc kiểm tra giáo viên có thực hiện đầy đủ chương trình của các môn học theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT hay không ?

Mặc khác, so với trước đây kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra sau hơn một tháng sau khi các trường học tổng kết năm học, do đó còn nhiều thời gian để cho các cơ sở trường học hoàn tất chương trình, tổng kết năm học, làm hồ sơ thi tốt nghiệp lớp 12…

Dù thống nhất với chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm năm học: “ ...Các trường phổ thông căn cứ chương trình giáo dục của cấp học chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động giáo dục trong năm học đáp ứng yêu cầu và phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương”.

Nhưng tôi vẫn kiến nghị Bộ GD&ĐT: Chỉ thị các cơ sở trường học chỉ tổ chức kiểm tra học kỳ II sau khi môn học được giáo viên dạy hết chương trình.

Thực hiện được điều này, các cơ sở trường học sẽ không còn cắt xén chương trình môn học đã quy định; mặc khác học sinh sẽ được học đầy đủ kiến thức các môn học.

Bỏ hoạt động giáo dục nghề phổ thông ở lớp 11...

Trong chương trình phổ thông lớp11 ngoài các môn học chính khóa, học sinh còn lựa chọn để học một nghề trong số 11 nghề phổ thông bao gồm: Làm vườn, nuôi cá, trồng rừng, gò, điện dân dụng, điện tử dân dụng, sửa chữa xe máy, cắt may, nấu ăn, thêu tay và tin học văn phòng. ( Công văn số: 8608/BGDĐT-GDTrH ngày 16 tháng 8 năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc thực hiện hoạt động giáo dục nghề phổ thông lớp 11).

Thực trạng hiện nay không ít trường phổ thông do nhiều nguyên nhân( giáo viên, cơ sở vật chất…) nên chỉ dạy một nghề duy nhất là Tin học văn phòng.

Mặc khác, khi học môn nghề phổ thông lớp 11 thay vì học thêm 75 tiết theo quy định để thi lấy chứng chỉ nghề học sinh phổ thông (HSPT), nhưng phần đông học sinh cuối năm lớp 10, đăng ký học môn Thêu hoặc Điện dân dụng ở Trung tâm giáo dục thường xuyên(GDTX ) để có kết quả thi xếp loại khá, giỏi và được hưởng điểm khuyến khích nhiều hơn khi xét tốt nghiệp.

Trong khi đó, nhà trường ít khi kiểm tra hồ sơ chuyên môn hoặc dự giờ giáo viên dạy môn nghề phổ thông và do kết quả điểm môn học này không tham gia vào việc tính điểm trung bình các môn học, cũng không được lấy làm tiêu chí để xếp loại hạnh kiểm, nên phần nhiều học sinh không cố gắng học tập.

Thế nên hiệu quả việc dạy và học môn này ở trường phổ thông là không cao, bởi lẽ học sinh không được chọn học một nghề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân, vừa mất thời gian học, vừa tốn kém để thi lấy chứng chỉ nghề HSPT, mặc khác ở Trung tâm GDTX cũng tổ chức dạy môn Tin học văn phòng cho học sinh các trường phổ thông.

Do đó tôi kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Bỏ Hoạt động giáo dục nghề phổ thông ở lớp 11 và giao Trung tâm GDTX đảm nhiệm hoạt động này cùng với dạy các môn nghề cho học sinh phổ thông.

Những ý kiến trên đây của tôi, dù nhỏ nhặt nhưng khi được thực hiện sẽ có hiệu quả nhất định trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số: 29/NQ-TW của Đảng.

Trần Vũ

(Thị trấn Trảng Bàng- Tây Ninh)