Giật mình bạo lực học đường “leo thang”

(Dân trí) - Nhiều người phải nhắm mắt, bủn rủn khi xem clip một nữ sinh ở Trà Vinh bị nhóm bạn đánh hội đồng… Học trò đánh nhau là chuyện thửa nào cũng có nhưng có lẽ phải nhìn nhận chưa bao giờ phần ác trong con người trẻ thơ "bùng nổ" một cách không ngờ như lúc này.

Phẫn nộ, bàng hoàng, sửng sốt cho đến đau xót, sợ hãi… là những cảm xúc của nhiều người khi xem clip nữ sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị đánh hội đồng. Một nhóm học trò, trên áo còn phấp phới khăn quàng đỏ lao vào đánh bạn không nương tay.

Đó là hình ảnh những nữ sinh ra tay với vẻ thách thức, dửng dưng. Một vài nam sinh - sự “hùng dũng” của phái được gọi là “nam nhi đại trượng phu” lúc này được thể hiện bằng việc tới tấp những chiếc ghế và cả chống ghế lên đầu một bạn nữ đang bị tấn công.

Ở đó, khoan đã nói về tình bạn bè vì cũng đâu còn một chút tình giữa người và người. Tất cả chỉ là sự vô cảm đến lạnh tóc gáy trong từng động tác, đến vẻ mặt lạnh lùng bất nhẫn của những “thiên thần áo trắng”.

Tuy nhiên, clip trên chỉ như nhỏ thêm một giọt nước nhỏ vào sự hoang mang, lo sợ về tình trạng bạo lực học đường đã được cảnh báo lây nay. Còn trên thực tế, chúng ta đã chứng kiến không ít vụ bạo lực học đường có mức độ ghê gớm không kém như lột đồ, đánh bạn đến thâm tím mặt mày… cho đến những trường hợp mất mạng từ những mâu thuẫn học đường.

Hình ảnh một vụ nữ sinh đánh nhau.
Hình ảnh một vụ nữ sinh đánh nhau.

Trong các hội nghị về đạo đức, lối sống học sinh, có nhiều ý kiến nói rằng học trò đánh nhau thời nào cũng có, có chăng bây giờ… công nghệ hiện đại, điện thoại ghi hình sẵn trong tay các em. Đúng, việc học trò mâu thuẫn, đánh nhau thuở nào cũng có.

Nhưng chưa bao giờ mức độ tàn bạo, ra đòn với thái độ vô cảm, tàn nhẫn được các em thể hiện bình thản như bây giờ. Phần ác trong con người các em như đang được bùng nổ với một sự công khai, nhởn nhơ và đầy thách thức.

Được biết, trong sự việc nữ sinh ở Trà Vinh bị bạo hành, những em ra tay đánh bạn đều là học sinh khá, giỏi, hạnh kiểm tốt. Chuyện không thể xem là bình thường!

Trong một hội thảo về đạo đức học sinh diễn ra tại TPHCM, ông Phạm Văn Khương, Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận đã thốt lên rằng việc đo lường chất lượng giáo dục của chúng ta bằng học lực - hạnh kiểm là quá ư hạn hẹp. Sản phẩm giáo dục của chúng ta đang bị lỗi thể hiện trong môi trường học đường và đến khi ra xã hội.

Trong môi trường học đường các em đã có có những hành vi biểu hiện đáng ngại như vậy thì bước ra xã hội các hành vi bạo lực, giải quyết vấn đề bằng bạo lực của các em - những người có thể được đánh giá là giỏi, tốt ở trường học - còn khủng khiếp hơn. Như vậy, bạo lực học đường không là chuyện học trò đánh nhau mà nó đang “nuôi dưỡng” cho xã hội hành xử trên nền tảng bạo lực, không tình người.

Một lời cảnh báo đã được gióng chuông liên hồi!

Những người làm công tác giáo dục thấy rõ điều này hơn ai hết nhưng tất cả vẫn đang bị lờ đi hoặc có chăng mới chỉ là sự vùng vẫy khi chưa có biện pháp thỏa đáng và thực hiện thiếu tâm huyến và quyết liệt.

Một lãnh đạo về công tác giáo dục ở một tỉnh - nơi đã xảy ra nhiều trường hợp học trò thiệt mạng vì bạo lực học đường - chia sẻ rằng chính họ cũng đang lúng túng không biết phải làm thế nào. Đang rơi vào cảnh chờ hậu quả rồi tìm hiểu, mổ xẻ, giải quyết.

Nguyên nhân, lý do và cả các biện pháp để chống lại nạn bạo lực học đường như vì áp lực học tập, cuộc sống, kỷ luật chưa đủ răn đe... được đưa ra bàn rất nhiều nhưng thực tế chúng ta nói nhiều hơn bắt tay vào làm.

Một trong những vấn đề được đặt ra nhiều nhất là giáo dục - trong gia đình lẫn nhà trường - đang quá tập trung cho việc chạy theo theo kiến thức mà bỏ quên việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em. Những giá trị về giáo dục đạo đức, giáo dục làm người chưa được quan tâm triệt để.

Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Gia Hiền bày tỏ chúng ta đang đối mặt về sự xuống cấp của nhân cách xuất phát từ việc lòng nhân, tình yêu thương của con người bị bào mòn, khủng hoảng khi con người chạy theo lý trí cá nhân, vụ lợi. 

Khi mất đi lòng yêu thương, mất đi chỉ số cảm xúc thì chính là lúc cái ác trỗi dậy… Trong khi, lòng nhân của các em phải được nuôi dưỡng và gieo từ sớm, không thể học thành tài mới đi học làm người.

Hoài Nam

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!