Giật mình nghe con trẻ xin ba mẹ thả điện thoại xuống

(Dân trí) - "Con ước ba mẹ hãy bớt xem điện thoại để chơi với con" - đó là tiếng cầu xin tha thiết của một bé gái tại Diễn đàn Trẻ em 2018 do thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tổ chức cuối tuần qua. Không chỉ em, tại diễn đàn, rất nhiều đứa trẻ khác cũng chung tâm tư, mong muốn như vậy.

Dẫn dắt chuyên đề "An toàn cho trẻ trong thế giới công nghệ số" trong khuôn khổ Diễn đàn Trẻ em 2018 tại Vũng Tàu ngày 10/6, TS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM) đã trực tiếp chia trẻ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của các em.


Nhiều bạn nhỏ bày tỏ mong muốn cha mẹ hãy thả điện thoại xuống nói chuyện với mình tại Diễn đàn trẻ em 2018 diễn ra tại TP Vũng Tàu ngày 10/6.

Nhiều bạn nhỏ bày tỏ mong muốn cha mẹ hãy thả điện thoại xuống nói chuyện với mình tại Diễn đàn trẻ em 2018 diễn ra tại TP Vũng Tàu ngày 10/6.

Khi được hỏi về mong muốn của mình, một bé gái bộc bạch: "Con ước ba mẹ hãy bớt xem điện thoại để chơi với con". Ngay sau phát biểu của em, rất nhiều cánh tay, nhiều đứa trẻ khác đều muốn được lên tiếng. Và không khỏi bất ngờ khi hầu hết các em đều có chung mong muốn như vậy.

"Con mong ba mẹ chơi cùng con, đưa con đi du lịch"

"Con mong ba mẹ bớt xem điện thoại, để yêu thương con nhiều hơn"

"Con mong ba mẹ hãy dành thời gian cho con"

"Con muốn được chơi thể thao, không phải ở trong nhà nhiều như thế này"

Có học sinh tiểu học kể nhà em có đến hàng chục thiết bị công nghệ trong nhà. Nhà có 5 chiếc tivi, 1 ở phòng khách, 1 ở bếp ăn, 3 cái ở ba phòng ngủ. Bố có 2 chiếc điện thoại, mẹ 2 chiếc, chị gái một chiếc, chưa kể máy tính. Giữa vòng bủa vây như vậy của công nghệ, em tha thiết mong muốn ba mẹ hãy bớt cầm điện thoại để nói chuyện, để chơi cùng với mình.

Ghi nhận tại chuyên đề, nhiều trẻ cho biết các em sử dụng điện thoại, ti vi đến 4-6 tiếng mỗi ngày, thậm chí nhiều hơn, có em xem mọi lúc ngoài thời gian ăn, ngủ, học tại nhà.

"Điều đặc biệt là rất nhiều trẻ chưa biết những lợi ích của công nghệ, trẻ không tiếp cận những trang hữu ích để học hỏi do bố mẹ không chỉ dẫn các em sử dụng điện thoại, iPad một cách hữu ích. Và cũng nhiều em đã biết tác hại khủng khiếp của công nghệ nhưng vẫn chơi nhiều vì không có các hoạt động thay thế, bị giam giữ trong nhà nên chỉ biết xem ti vi", TS Phạm Thị Thúy nhấn mạnh.

Rất nhiều đứa trẻ ở trong nhà chỉ tương tác với điện thoại
Rất nhiều đứa trẻ ở trong nhà chỉ tương tác với điện thoại

Theo bà Thúy, mong ước trên của con trẻ là một lời cảnh tỉnh với phụ huynh. Cha mẹ cần lắng nghe con, giảm bớt thời gian dành cho công nghệ, giảm công việc để chơi cùng với trẻ. Mong ước của các em tưởng là nhỏ nhưng tác động rất lớn đến quá trình giáo dục và hạnh phúc sau này của các con. Chỉ khi cha mẹ thả điện thoại xuống, tập trung vào nói chuyện, lắng nghe con thì mới có thể nắm bắt được cảm xúc, tâm tư, suy nghĩ của con. Còn cha mẹ tập trung vào điện thoại, xao nhãng đứa trẻ thì con trẻ dễ gặp nguy hiểm về mọi mặt, về sự an toàn của bản thân, và về phát triển tâm hồn, cảm xúc, tư duy.

Trong một chương trình tư vấn tâm lý tuổi teen tại TPHCM cách đây chưa lâu, một nữ sinh cấp 2 kể, gần như em không giao tiếp với thành viên trong gia đình. Ở nhà ai ở phòng người nấy, mỗi người một máy tính, điện thoại. Lúc hiếm hoi có mặt ở phòng khách thì bố ngồi xem ti vi, mẹ cầm điện thoại, anh chị cũng cầm điện thoại. Cơm nước có người giúp việc lo, nhiều khi đến giờ ăn cũng không chung bữa, mạnh ai nấy xúc mỗi người một tô, vừa ăn vừa cầm điện thoại...

Mọi vấn đề, tâm sự em chỉ nói với bạn bè, chủ yếu cũng thông qua... mạng xã hội, hoặc lên các diễn đàn trút buồn trút vui với những người không quen không biết. "Gia đình là một căn nhà, nhưng nhà với em chỉ là... chỗ để về ngủ", nữ sinh này nghẹn ngào.

Khung cảnh gia đình của nữ sinh này cũng giống y bức tranh "sum họp gia đình" của một học sinh tiểu học vẽ mà PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, ĐH Sư phạm TPHCM được tiếp cận trong quá tình tư vấn. Bức tranh cậu bé vẽ cảnh gia đình mình trong chuyến đi du lịch biển. Ngồi trên bãi biển, ông bố chăm chú với chiếc điện thoại, còn người mẹ đang cúi đầu xuống iPad… Còn cậu bé, em cầm quả bóng bay trên tay với sự lơ đãng, vô hồn.

Họ - một gia đình cùng nhau đi du lịch nhưng ai cũng lẻ loi, cô độc - ngay bên cạnh những người thân. TS Sơn đã phải rùng mình với câu hỏi: Đó là khoảnh khắc đi nghỉ ngơi, tận hưởng dành cho nhau mà con trẻ còn bị bỏ rơi như vậy thì trong sinh hoạt hàng ngày, bố mẹ với bao nhiêu bộn bề thì họ đối với con trẻ như thế nào?

TS Huỳnh Văn Sơn cũng lưu ý, bức tranh chân thực của câu bé chính là lời cảnh báo về những bất ổn, rối nhiễu tâm lý mà trẻ nhỏ đang và sẽ phải dối diện xuất phát từ lý do lỗi kết nối, tương tác trong mối quan hệ gia đình.

Chúng ta hãy thả điện thoại xuống, nhìn con cười, lắng nghe con khóc... sẽ biết con cần bố mẹ hơn quần áo đẹp, đồ ăn ngon, hơn đồ chơi xịn, hơn cả điện thoại, iPad... Đừng để con phải thiếu cha thiếu mẹ dù họ ở ngay bên cạnh mình.

Một số lưu ý dành cho cha mẹ:

- Xác định trước thời gian cho trẻ dùng thiết bị công nghệ số

- Đừng cấm sử dụng mà hãy đưa ra các lựa chọn khác phù hợp

- Hãy làm gương cho trẻ trong việc sử dụng công nghệ

- Bố trí những không gian, hoạt động trong gia đình tránh xa các thiết bị công nghệ.

TS Phạm Thị Thúy

Hoài Nam