Góp ý ĐH Đảng: Đổi mới giáo dục từ kinh nghiệm của Hàn Quốc

Trên cơ sở Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, TS. Trần Hải Linh, Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Hàn Quốc, chia sẻ những quan điểm của mình và đề xuất một số kiến nghị cho đổi mới nền giáo dục Việt Nam, từ góc nhìn của một giảng viên Đại học ở Hàn Quốc.

 


 

Hệ thống giáo dục Hàn Quốc được đánh giá có chất lượng và uy tín không chỉ ở châu Á mà trên phạm vi toàn cầu.

 

Hệ thống giáo dục Hàn Quốc được đánh giá có chất lượng và uy tín không chỉ ở châu Á mà trên phạm vi toàn cầu.

Các nghị quyết của Đảng về giáo dục - đào tạo được lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đạt được những thành quả nhất định về quy mô, mạng lưới cơ sở, hệ thống giáo dục và đào tạo. Trong đó, đầu tư cho giáo dục, đào tạo cũng được chú trọng hơn (bằng 20% tổng chi ngân sách nhà nước); Chất lượng giáo dục và đào tạo, cũng như đội ngũ giáo viên được nâng cao cả về số và chất lượng. Bên cạnh đó, xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh. Đặc biệt là chủ trương đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho con người đã được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện và nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội.

Hiểu thực trạng để giải quyết vấn đề

Trong dự thảo báo cáo ở mục 5 chưa nêu bật được thực trạng nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Thiết nghĩ, cần phải hiểu rõ thực trạng nền giáo dục thì mới đưa ra được những định hướng phát triển trong tương lai. Báo cáo cần đưa ra những con số cụ thể về nền giáo dục từ mầm non, tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học, sau đại học và dạy nghề để từ đó rút ra những gì đã làm được và chưa làm được, cũng như so sánh với các nước trong khu vực để thấy được Việt Nam còn yếu kém ở những mặt nào.

Báo cáo cũng đề ra mốc thời gian phấn đấu đến năm 2030 đưa nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Tuy nhiên, những giải pháp đưa ra một cách chung chung, chưa có lộ trình và hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Hiện nay, nguồn nhân lực của Việt Nam đang trong thời kỳ vàng của dân số, thể hiện trên bình diện trẻ về độ tuổi lao động, trình độ tay nghề tốt và kỹ năng lao động thành thạo, dễ tiếp thu cái mới và đào tạo. Tuy nhiên, vấn đề manh mún trong đào tạo và giáo dục ngày càng thể hiện rõ nét như: Chưa có chiến lược cụ thể trong phát triển mạng lưới các trường đào tạo, các cơ sở giáo dục cao cấp như trường đại học, viện nghiên cứu;

Tỷ trọng dành cho giáo dục quá thấp trong ngân sách, ngang hàng với các nước kém phát triển, nghèo đói; Tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp quá cao, trình độ sinh viên quá thụ động, không có tư duy sáng tạo trong môi trường công việc; Tỷ lệ phân bố nhân lực cao cấp như tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư trong các tỉnh, thành chênh lệch quá cao, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...

Chúng ta cần nghiên cứu các nền giáo dục hiện đại trên thế giới và khu vực để chọn lọc phương thức áp dụng vào Việt Nam. Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội cần phải có chiến lược rõ ràng về giáo dục, định hướng rõ trong mười năm về việc đổi mới và phát triển giáo dục và thực sự coi "giáo dục là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước". Trong đó, cần chú trọng việc tập trung đổi mới giáo dục đại học.

Góc nhìn từ Hàn Quốc

Hàn Quốc không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng phát triển được như ngày hôm nay một phần là nhờ biết tận dụng nguồn chất xám của đội ngũ trí thức Hàn Quốc được đào tạo bài bản ở nước ngoài trở về đóng góp cho đất nước. Bên cạnh đó, những chính sách về đổi mới giáo dục đại học kèm theo các chương trình phát triển nhân lực trình độ cao trong khoa học, công nghệ, công nghiệp đã đóng vai trò then chốt trong việc phát triển nền kinh tế.

Điều làm nên thành công của Hàn Quốc chính là sự đồng thuận và quyết tâm cao của Chính phủ và người dân Hàn Quốc, trong đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ Hàn kiều được đào tạo bài bản ở tất cả các nước tiên tiến quay trở về nước tham gia vào phát triển đất nước. Chính những con người này cùng với hỗ trợ chính sách đặc biệt của Chính phủ và phối hợp, đồng thuận của các cơ quan chức năng, đã đưa Hàn Quốc trở thành một nước phát triển như hiện nay, dựa trên nền tảng sự phát triển vượt bậc về khoa học và công nghệ cao trong thời gian ngắn.

Một số đề xuất cho Việt Nam

Là những người đang sinh sống, làm việc, nghiên cứu và học tập tại Hàn Quốc, cũng là những người luôn theo dõi bước chuyển mình của quê hương, chúng tôi có một niềm tin mạnh mẽ là Việt Nam sẽ tạo ra những kỳ tích không kém "kỳ tích sông Hàn" của đất nước Hàn Quốc. Để thực hiện được điều này, chúng tôi xin kiến nghị một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội tăng tỷ lệ phần trăm dành cho giáo dục lên mức 5% GDP vì hiện nay tỷ lệ này quá thấp (nhỏ hơn 1% GDP). Mặt khác, trao quyền tự chủ cho các trường đại học có thể coi là một trong các biện pháp hữu hiệu để phát triển giáo dục đại học. Trường nào không có khả năng đáp ứng được nhu cầu của xã hội, của quốc gia sẽ tự dần phải thay đổi hoặc tự đào thải.

Thứ hai, giao quyền phong giáo sư và phó giáo sư cho các trường theo mô hình giống như các nước phát triển đã và đang làm. Giáo sư và phó giáo sư dựa trên những công bố trên tập san khoa học quốc tế, bằng phát minh sáng chế (patent), hoặc các thành tích nghiên cứu khoa học khác đã đạt được. Các trường đại học phải đóng vai trò là nhà nghiên cứu tiên phong, các giảng viên trong trường phải nghiên cứu và có các xuất bản khoa học chất lượng trình độ quốc tế.

Thứ ba, giao trách nhiệm và trao niềm tin cho đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Tạo các cơ hội để cho họ cống hiến và chứng minh khả năng trên quê hương mình.

Thứ tư, tuyển chọn và tài trợ cho những người có chuyên môn phù hợp với những việc mà xã hội và đất nước đang cần đến. Việc tài trợ cho đội ngũ này cần ở mức đủ để họ tập trung vào nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ (thí dụ như họ được làm việc với điều kiện nghiên cứu tốt, có phụ cấp cao gấp vài lần mức lương cơ bản hiện nay). Ngược lại, họ phải đáp ứng yêu cầu công việc là phải hợp tác được với nhau thành những nhóm nghiên cứu mạnh, nhận những nhiệm vụ cụ thể và chịu những trách nhiệm cam kết với nhà nước.

Thứ năm, cần phải khuyến khích các tập san khoa học Việt Nam vươn đến tầm quốc tế. Ở Việt Nam hiện nay, con số các tập san được quốc tế công nhận chỉ "đếm đầu ngón tay" và hệ quả là con số bài báo công bố trên các tập san Việt Nam không hề được công nhận. Và những bản thảo tạp chí khi xuất phát điểm ở Việt Nam thường khó được xuất bản trên các tạp chí quốc tế.

Thứ sáu, các chính sách về khoa học và giáo dục cần đề cao giá trị của các nghiên cứu khoa học có chất lượng (dựa trên số lượng bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế khoa học chuyên ngành, và chỉ số trích dẫn của bài báo).

Thứ bảy, cần cải tiến mạnh mẽ cách xây dựng, tuyển chọn và đánh giá các chương trình, đề tài khoa học công nghệ. Bắt buộc các công ty lớn ở Việt Nam phải có phòng nghiên cứu và phát triển, tăng cường việc phối hợp với các trường đại học trong nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, hàm lượng chất xám cao, tạo giá trị cho việc phát triển nền kinh tế.

Thứ tám, tăng số lượng các trường đại học quốc tế hoặc hợp tác quốc tế để đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngay tại Việt Nam; Tập trung nâng cao mười trường đại học trọng điểm của Việt Nam theo chiến lược mười năm để nâng cao xếp hạng của những trường này theo xếp hạng quốc tế (đặt mục tiêu lọt vào top 200 thế giới). Việt Nam cần thành lập chương trình có tính chiến lược như chương trình Brain Korea 21 của Hàn Quốc đã thực hiện, định hướng và liên kết giữa giáo dục đại học và các nhà nghiên cứu trẻ, nguồn nhân lực trình độ cao trong việc phát triển khoa học, công nghệ, tăng trưởng vượt bậc cho nền kinh tế quốc gia.

Theo TS. Trần Hải Linh, Đại học Quốc gia Chonbuk (Báo Thế Giới và Việt Nam)