GS Ngô Bảo Châu: Đào tạo giảng viên ĐH tại Việt Nam đi ngược quy trình của các nước tiên tiến

Những vấn đề về chất lượng đào tạo, chất lượng giảng viên cũng như thị trường giáo dục ĐH của Việt Nam... đã được các vị khách mời đưa ra thảo luận rất thẳng thắn trong chương trình Đối thoại chính sách với nội dung Đổi mới giáo dục ĐH.

Vấn đề của các trường ĐH hiện nay?

Tháng 2 vừa qua, Bộ GĐ-ĐT đã ra quyết định ngừng tuyển sinh với 207 ngành học thuộc 71 trường ĐH trên cả nước. Nguyên nhân là các ngành học này đã không đáp ứng được số lượng giảng viên chính thức trong biên chế, thường được gọi là giảng viên cơ hữu trong biên chế theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Và câu chuyện này đã chỉ ra rất nhiều bất cập trong cách quản lý, bồi dững và sử dụng đội ngũ giảng viên tại các trường ĐH hiện nay.

Chương trình Đối thoại chính sách phát sóng tối thứ Tư (13/8/2014) đã cùng các vị khách mời thuộc nhóm Đối thoại giáo dục gồm GS. Ngô Bảo Châu (ĐH Chicago, Mỹ), TS. Trần Ngọc Anh (ĐH Indiana, Mỹ) và TS. Đỗ Quốc Anh (Học viên khoa học chính trị Paris, Pháp) – những người đã từng có thời gian tiếp thu cả hai nền giáo dục là trong nước và quốc tế, thảo luận về vấn đề học tập và đào tạo giảng viên trong môi trường ĐH của Việt Nam cũng như đưa ra những sự so sánh với môi trường học tập và giảng dạy ở các nước phát triển.

GS. Ngô Bảo Châu (ĐH Chicago, Mỹ): Phương pháp tạo nguồn giảng viên ĐH của Việt Nam đang làm đi ngược lại so với cách làm của các nước tiên tiến. 

P.V: Vấn đề của giáo dục ĐH tại Việt Nam là gì thưa ông?

GS Ngô Bảo Châu: Tôi ủng hộ việc chúng ta dẹp bớt những khóa đào tạo kém chất lượng, một số khóa đào tạo không đủ giảng viên cơ hữu và tôi đặc biệt nghĩ đến những khóa đào tạo từ xa. Thay vì học một học kỳ, có những khóa học chỉ học một tuần hoặc vài ngày. Đào tạo từ xa là nguyên nhân phát sinh rất nhiều vấn đề tiêu cực khác.

Vì thế, tuy đi ngược với nguyên tắc thị trường nhưng chúng ta cần mạnh dạn dẹp bớt những khóa đào tạo kém chất lượng như vậy. Việc này cần đến những sự dũng cảm nhất định bởi điều đó đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý đang đánh vào “nồi cơm” của một số giảng viên. Song đó là việc nên làm và cần làm…

Tại Việt Nam vẫn còn tâm lý sính bằng cấp, thích sự thăng tiến. Bằng cấp có thực chất hay không thường không phải là câu hỏi mà câu hỏi ở đây là: Anh có bằng hay không?

Người ta sẵn sàng trả tiền để theo học những khóa học không tốt miễn sao bằng cấp được trọng dụng. Vì thế, tôi nghĩ cơ quan quản lý vẫn phải có trách nhiệm trông chừng những sự méo mó như vậy.
 
GS Ngô Bảo Châu: Đào tạo giảng viên ĐH tại Việt Nam đi ngược quy trình của các nước tiên tiến

P.V: Một vấn đề hiện nay là nhà nước đang bỏ ra rất nhiều tiền để đào tạo TS ở nước ngoài. Nhưng rất tiếc, nhiều người được đào tạo sau đó đã không quay về nước để làm việc. Và kết quả là nhiều trường vẫn thiếu cán bộ giảng dạy chất lượng cao. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

GS Ngô Bảo Châu: Đào tạo cán bộ giảng dạy ĐH của Việt Nam đang đi ngược với quy trình của các nước tiên tiến. Một phương pháp chung mà các trường đang thực hiện là xin kinh phí của Bộ để cử sinh viên giỏi của mình đi đào tạo ở nước ngoài (phương pháp Tạo nguồn) kèm theo những hợp đồng ràng buộc như phải quay về trường giảng dạy sau khi hoàn tất khóa học. Một số trường đang thực hiện tương đối tốt và chất lượng giảng viên sau đào tạo không quá tệ nhưng đây không phải là phương pháp hay.

Tôi nghĩ phương pháp hay phải có sự minh bạch về thị trường lao động để khi một người tìm việc họ phải biết rõ được mọi thông tin. Vấn đề tuyển dụng vẫn thuộc quyền tự chủ của từng trường nhưng thông tin phải thống nhất trong cả nước để mỗi người khi tìm việc họ biết được mọi lựa chọn có thể.

Vấn đề nữa phải nói đến là thu nhập của giảng viên. Hiện tại, thu nhập chính thức của giảng viên rất thấp. Một TS đi học nước ngoài về lương chỉ khoảng 2-3 triệu tuy nhiên thực sự lại cao hơn tương đối nhiều. Chúng ta cần minh bạch hết và người tuyển dụng có thể mô tả chính xác về công việc, yêu cầu như thế nào, mức đãi ngộ như thế nào… Đó mới là động lực chính để dần dần xây dựng lại đội ngũ giảng viên chứ không phải sử dụng phương pháp Tạo nguồn.

TS Trần Ngọc Anh (ĐH Indiana, Mỹ): Giáo dục ĐH là một thị trường có thể tự hoạt động tốt

P.V: GS Ngô Bảo Châu nêu ra một vấn đề hiện còn gây tranh cãi, đó là có nên coi giáo dục là một thị trường không hay đây là một lĩnh vực đặc thù, cần sự quản lý nhà nước vì chúng ta đang “động chạm” đến vấn đề con người, ông nhận định thế nào về vấn đề này?

TS. Trần Ngọc Anh: Đứng ở góc độ của một người nghiên cứu về kinh tế, tôi cho rằng giáo dục ĐH là một thị trường và thị trường này có thể hoạt động tốt mà ít cần sự quản lý của nhà nước, chính phủ. Câu trả lời của tôi sẽ là không nếu chúng ta đang nói đến vấn đề bệnh viện bởi lĩnh vực y tế, khi người bệnh nhân đi khám họ không thể biết được chất lượng khám chữa thế nào, họ có hết bệnh được hay không.

Nói về giáo dục ĐH, người “tiêu dùng” biết khá rõ chất lượng của giáo dục, người tuyển dụng cũng biết rất rõ về chất lượng giáo dục và ở nơi đó không có những sự hạn chế về mặt thông tin như lĩnh vực tôi vừa nêu (y tế - PV). Tôi nghĩ điều chúng ta có thể làm để mở rộng, bật phá được thị trường Giáo dục là nên để thị trường tham gia một cách mạnh mẽ hơn.
 
GS Ngô Bảo Châu: Đào tạo giảng viên ĐH tại Việt Nam đi ngược quy trình của các nước tiên tiến

P.V: Nhưng liệu có là mạo hiểm hay không khi một quyết định sai của người học sẽ dẫn tới 4-5 năm uổng phí và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của chất lượng nguồn nhân lực?

TS. Trần Ngọc Anh: Chính xác! Vì thế vai trò của nhà nước không phải là tự cung cấp dịch vụ này. Vai trò của nhà nước là đưa ra các quyết định đúng ví dụ như việc đóng cửa những ngành học không đạt tiêu chuẩn.

Một vai trò quan trọng hơn của nhà nước là phải cung cấp thông tin cho người đi học để họ biết được chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất của trường. Tóm lại, phải có nơi công bố thông tin này để người học có thể lựa chọn. Tuy nhiên, chúng ta phải rất cẩn trọng trong việc hạn chế cạnh tranh.

Tôi có đề xuất thế này về vấn đề cải cách giáo dục:

Chúng ta mở bung thị trường ra, tất cả nhảy vào kinh doanh giáo dục có lợi nhuận, phi lợi nhuận… và có hàng trăm, hàng ngàn trường ĐH. Họ đưa ra cả những sản phẩm tốt lẫn sản phẩm xấu. Một thời gian sau thị trường sẽ tự có phân khúc. Một số kinh doanh chất lượng giáo dục cao, tương tự là loại trung và loại thấp. Và mỗi nhóm sẽ lập thành những hiệp hội giáo dục với những yêu cầu cụ thể khác nhau. Thị trường khi đó sẽ phục vụ nhân dân các nhu cầu khác nhau.

Tuy nhiên, để dẫn tới được sự tự phân khúc như thế, thị trường sẽ phải trải qua giai đoạn hỗn loạn trong khoảng 5-7 năm đến 10 năm. Và vai trò của nhà nước, của Bộ GĐ-ĐT là làm thế nào để tối thiểu hóa giai đoạn hỗn loạn này.

Dĩ nhiên, chúng ta cũng phải đặt ra những yêu cầu nhất định, không thể để trường hợp không có cơ sở vẫn đi bán bằng. Nhưng cơ quan chức năng không nên can thiệp quá mạnh mẽ dễ khiến không nâng được sức cạnh tranh... 

Theo VTV Online