GS Ngô Bảo Châu: Gian dối trong khoa học dễ bị phát giác

(Dân trí) - Chia sẻ với các giáo viên, sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội tại tọa đàm về nghiên cứu khoa học, GS Ngô Bảo Châu cho biết: "Hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự gian dối trong khoa học rất dễ dàng bị phát giác".

Chủ đề buổi tọa đàm là “Nâng cao tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học”. Đây là chương trình café số 5 do Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN tổ chức. Câu chuyện của Giáo sư Ngô Bảo Châu, các nhà khoa học và sinh viên ĐHQGHN xoay quanh sự bài bản và chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học (NCKH), hướng đi cho nghiên cứu hoa học, nghề NCKH, uy tín NCKH, sản phẩm đầu ra của NCKH…

GS Ngô Bảo Châu và lãnh đạo ĐH QGHN trong buổi tọa đàm.
GS Ngô Bảo Châu và lãnh đạo ĐH QGHN trong buổi tọa đàm.
 
3 phẩm chất nghiên cứu khoa học

Theo GS. Ngô Bảo Châu, phẩm chất cho 1 công trình khoa học cần có là 3 phẩm chất theo thứ tự: Đúng và trung thực, mới và hay. Nhưng quan trọng nhất là đúng và trung thực”.

Nói về tính trung thực trong NCKH, GS Ngô Bảo Châu cho hay: "Chúng tôi đang xây dựng tủ sách làm tiêu chuẩn giảng dạy cho người học. Có những cuốn sách kí tên 1 người nhưng hoàn toàn là dịch. Hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự gian dối trong khoa học rất dễ dàng bị phát giác. Khi đó các bạn sẽ không còn uy tín trong khoa học nữa, phải mất 10-20 năm để xây dựng lại. Việc mất liêm chính như vậy hoàn toàn không xứng đáng".

GS. Ngô Bảo Châu khẳng định: “Làm khoa học và NCKH phải xác định tìm cái gì mới, tìm hướng đi mới, không lặp lại. Ở nhiều lĩnh vực, phương pháp nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, kết quả nghiên cứu phải mới. Với kết quả nghiên cứu mới sẽ được coi trọng nhất, thậm chí nếu trong trường hợp kết quả cũ thì cũng phải xem lại có được phương pháp mới để thuyết phục phương pháp này tới nhiều người khi áp dụng. Để hi vọng với phương pháp mới đó tác giả hoặc người khác có thể làm ra kết quả mới, vì bản thân phương pháp mới không được đánh giá và không được để ý đến, trừ khi chỉ tìm ra được kết quả mới.

“Đến giờ khi có nhiều sinh viên vẫn nghĩ khó nhất là tìm đề tài cho mình. Càng khó hơn đối với nhà khoa học trẻ, vì bối cảnh khoa học hiện đại cạnh tranh rất quyết liệt. Bước khó khăn đối với nhà khoa học trẻ là có bước qua được khi làm khoa học tập sự độc lập hay không” - GS Châu cũng cho hay.

Bàn về vấn đề này, GS. Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết, NCKH có một nghịch lí là kết quả có thể đúng và mới nhưng nội hàm chúng lại mâu thuẫn với nhau, khi đề tài mới thì chưa biết đúng hay sai.

GS Ngô Bảo Châu: Dành cả đời cho một nghiên cứu khoa học

GS Ngô Bảo Châu: "Dành cả đời cho một nghiên cứu khoa học đòi hỏi con người có phẩm chất phi phàm".

Dị ứng trước việc đăng quá nhiều bài báo khoa học không chất lượng

Trước câu hỏi của sinh viên: “Thời gian cho công trình nghiên cứu có quan trọng không? Số lượng bài đăng tạp chí rất quan trọng. Nếu em dành cả đời nghiên cứu ý tưởng mà biết nếu có nhiều thời gian sẽ thành hiện thực vậy liệu em có chỗ đứng trong giới khoa học khi lượng bài báo ít ỏi?”.

GS. Ngô Bảo Châu trả lời: “Tôi bị dị ứng trước việc đăng quá nhiều bài nhưng chất lượng không đảm bảo, nhà quản lí chỉ chạy theo chỉ số, máy móc. Cảm nhận đồng nghiệp về mình như thế nào dù không số hóa được nhưng đó mới là cái thực chất. Khi đa số đánh giá anh là nhà khoa học nghiêm túc, có ý tưởng mới tức anh nhà khoa học giỏi. Và tốt nhất nên để đồng nghiệp nước ngoài đánh giá. Nhiều người quan niệm đồng nghiệp nước ngoài họ không hểu trình độ, thực tế Việt Nam nhưng thực ra sai. Họ rất hiểu mình khó khăn thế nào nên nhiều khi không không khắt khe, gay gắt nhiều như trong nước. Vấn đề là anh có dám đưa công trình cho họ đánh giá hay không mà thôi”.

GS. Ngô Bảo Châu khẳng định: “Để có sự đánh giá chính xác, bài báo không quyết định. Không cần phải chạy theo số lượng. Tuy nhiên giữa 15-20 bài báo không khác nhau mấy nhưng 0 và 1 lại khác. Bạn vẫn phải có bài báo. Khi theo đuổi lâu dài vẫn có mục đích ngắn hạn, vẫn có sản phẩm để họ đánh giá về bạn”.

GS Châu cho biết: Ở Pháp tôi nghĩ Mỹ thích số lượng bài báo nhưng 7 năm làm việc ở Mỹ thực tế không phải vậy. Suy nghĩ của đồng nghiệp về bạn mới quan trọng và số lượng bài báo nhiều có khi ảnh hưởng ngược lại.

Về câu hỏi liệu có nên dành cả đời cho một NCKH? GS. Châu khuyên:Cần thận trọng. Để làm như vậy đòi hỏi con người có phẩm chất phi phàm, không phải ai cũng có được như vậy. Để có mục đích lâu dài nên có mục đích ngắn hạn. Nếu không bạn sẽ không đủ kinh phí, sức lực theo đuổi cái lâu dài”. 

 

GS Ngô Bảo Châu: 10 bước trong quy trình nghiên cứu khoa học

Thứ nhất, phải xác định được lĩnh vực nghiên cứu, có thể phụ thuộc vào khả năng chuyên môn. Cách nhanh nhất để xác định những vấn đề nóng hổi và không tưởng là phải tham gia các hội thảo khoa học, xem khoa học đang đi về đâu, xu hướng, vấn đề gì mấp mé mà sinh viên có thể làm được.

Thứ hai, sau phạm vi nghiên cứu, vấn đề, cơ hội, xác định câu hỏi thì những người làm nghiên cứu phải tập hợp tất cả những bài báo, công trình nghiên cứu khoa học để biết chính xác câu hỏi đã được giải quyết đến đâu. Không nên chọn những vấn đề quá khổ, quá khó hoặc không ai quan tâm nữa.

Thứ ba, phải đọc và xác định đâu là bài báo kinh điển, biết được tư tưởng quan trọng nằm ở đó, ai đã từng làm, làm đến đâu, sử dụng kĩ thuật gì. Khi cập nhật thông tin rồi phải biết hướng giải quyết, thường nằm ngay trong bài báo gần nhất.Chúng ta sẽ sử dụng phương pháp đương đại nhất, đó là hướng hiện thực nhất, khả thi nhất.

Thứ tư, việc lập kế hoạch không đơn thuần là về chuyên môn, nó còn là về mặt tài chính, phải có đội ngũ làm việc. Bước này mọi chuyện phải minh bạch.

Thứ năm: Giải quyết. Làm khoa học là có rủi ro nhưng trong đầu người làm phải lường trước những khó khăn.

Thứ sáu: Gói lại công việc. Ít khi thực hiện được 100%, đến 1 mức nào đó cần gói ghém lại, làm rõ những việc làm được và chưa làm được. Quan trọng trong đề tài là thực sự bàn về cái gì đó mới.

Thứ bảy: Viết bài báo khoa học. Kinh nghiệm của GS. Ngô Bảo Châu là chọn 2-3 bài báo cảm thấy chuẩn thì chép tay lại, sẽ hiểu phong cách trình bày bài báo như thế nào.

Thứ tám: Viết xong có thể luân chuyển, gửi bạn bè, đồng nghiệp, xin ý kiến, trình bày ở hội nghị để nhận phản hồi. Sau đó viết lại bài báo.

Thứ chín: Chỉnh sửa bài báo.

Thứ mười: Gửi đến 1 tạp chí. Cần phải chọn tạp chí.

 
Hồng Hạnh (ghi)