GS Ngô Bảo Châu qua lời kể của một hướng dẫn viên du lịch

(Dân trí) - “Tôi cứ nghĩ là Giáo sư, được nhiều người ngưỡng mộ, chắc tiếp xúc với GS Châu khó lắm, nhưng không phải. 9 ngày dẫn đoàn, tiếp xúc với GS tôi thấy anh rất cởi mở và lịch thiệp trong giao tiếp”.

Đó là chia sẻ của hướng dẫn viên du lịch Trần Đức Tuấn (Công ty ANZ Travel), một trong những người đưa đoàn Giáo sư Ngô Bảo Châu cùng gia đình sang Ấn Độ để nhận giải thưởng Fields. Điều bất ngờ với Tuấn, đó là ngoài hình ảnh của một nhà khoa học mẫu mực, GS Ngô Bảo Châu còn là một người hết sức gần gũi, chan hoà với mọi người, một người con hiếu thảo, một người cha rất mực yêu thương các con…
 
GS Ngô Bảo Châu qua lời kể của một hướng dẫn viên du lịch - 1
Hướng dẫn viên du lịch Trần Đức Tuấn (bên phải) và GS Ngô Bảo Châu tại Ấn Độ.

Mặc dù là một hướng dẫn viên chuyên nghiệp dạn dày kinh nghiệm đưa khách sang Ấn Độ, nhưng với Tuấn, được hướng dẫn đoàn của GS Ngô Bảo Châu là điều rất bất ngờ trong cuộc đời hướng dẫn viên du lịch của anh. Vì trước đó, tất cả những thông tin về GS Ngô Bảo Châu thì Tuấn chỉ được biết qua báo chí, truyền hình.

9 ngày tiếp xúc với GS Ngô Bảo Châu, Tuấn nhận thấy GS Châu có kiến thức văn hóa và du lịch rất sâu và rộng.
 
Hướng dẫn viên Trần Đức Tuấn cho biết, anh Châu là người kín đáo, rất ít cười. Đặc biệt, anh rất cẩn thận. Trước chuyến đi này, GS Châu đã tìm hiểu khá kỹ những điểm mà anh sẽ đến trong dịp dự Đại hội toán học thế giới tại TP Hyderabad, Ấn Độ. Tuấn chia sẻ: "Tôi đặc biệt ấn tượng với hình ảnh GS Châu cưng nựng cô con gái út trong những lúc theo đoàn đi tham quan. Anh Châu đã cõng cô bé suốt cả chặng đường dài, khi cô bé kêu mệt".
 
Trước ngày dự Đại hội toán học thế giới tại TP Hyderabad, GS Châu và gia đình đã có chuyến thăm quan thành phố New Delhi qua một số địa danh như: Qutub Minar - tòa tháp bằng đá cao nhất Ấn Độ được xây dựng năm 1192 ghi công chiến thắng Ghori , India Gate - Đài tưởng niệm 90.000 anh hùng liệt sĩ quốc gia hy sinh trong Thế chiến I, Dinh Tổng thống, tòa nhà quốc hội…
 
GS Ngô Bảo Châu qua lời kể của một hướng dẫn viên du lịch - 2
Đại gia đình GS Ngô Bảo Châu tại Ấn Độ.

Tuấn kể: "Tôi cứ nghĩ là Giáo sư, được nhiều người ngưỡng mộ, chắc tiếp xúc với GS Châu khó lắm. Nhưng không phải. Chín ngày dẫn đoàn, tiếp xúc với GS tôi thấy anh rất cởi mở và lịch thiệp trong giao tiếp. Khoảng cách giữa tôi - một hướng dẫn viên du lịch và một vị giáo sư hầu như không còn. Những cuộc trò chuyện của tôi với GS giống như những cuộc trò chuyện của người anh và người em".

Tuấn được may mắn ở cùng phòng với GS.TSKH Ngô Huy Cẩn - bố của GS Ngô Bảo Châu. Trong những lúc rảnh rỗi, hai bác cháu thường tâm sự cùng nhau về chuyện gia đình và cả chuyện của học hành của GS Châu.

Theo bác Cẩn, ngày còn nhỏ, chuyện học hành của GS Châu không hề bị gượng ép, anh Châu có quyền lựa chọn những môn học theo sở thích của mình. Chính bác Cẩn là người tạo sự hứng thú niềm đam mê cho con. Ông thường xuyên khuyên cậu con trai nên đi ngủ sớm sau những giờ học căng thẳng.

"Đến ngày trọng đại (19/8/2010) khi GS Ngô Bảo Châu được tôn vinh giải thưởng Fields, tôi không được trực tiếp tham dự, nhưng khi nghe tin, tôi như vỡ òa trong niềm vui ấy. Như vậy là niềm mong mỏi, khát khao của hàng triệu người Việt Nam đã trở thành sự thật" - hướng dẫn viên Trần Đức Tuấn cho hay.

Khi tour đặc biệt đó kết thúc, Tuấn mới cảm thấy nhẹ nhàng vì mình đã hoàn thành xong được một việc trọng đại. Tuấn cho hay đó mãi mãi sẽ là những thàng ngày không thể nào quê về cuộc đời làm hướng dẫn viên du lịch của anh.

Tuấn tâm sự: “Những ngày được ở gần GS Ngô Bảo Châu tuy không dài nhưng những gì Tuấn học được từ đức tính, trí tuệ trong cuộc sống đối nhân xử thế cuả GS mãi mãi là bài học lớn trong nghề của Tuấn".

Hữu Thắng