GS Việt kiều Ngô Mạnh Lân: “Tôi tin vào tương lai đất nước”

(Dân trí)- Là một học giả uy tín đã tham gia giảng dạy ở các trường ĐH ở châu Âu, châu Phi và Nhật Bản, một công chức quốc tế của Liên hợp quốc, nhưng trên hết vẫn là một tấm lòng đầy nhiệt huyết dành cho đất nước. Đó là GS Ngô Mạnh Lân, Việt kiều Pháp.

Tuy chỉ sống gần gũi với quê nhà khoảng 10 năm, nhưng tấm lòng ông luôn hướng về Tổ quốc. Từ nhiều năm qua, ông đã không ngừng có những đóng góp cho đất nước cả trong thời kỳ chiến tranh và trong giai đoạn dựng xây hòa bình.

 

Được nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập

 

Giáo sư Ngô Mạnh Lân sinh năm 1931 tại Côn Minh, Trung Quốc trong một gia đình trí thức Hà Nội. Bố ông là bác sĩ học trường Cao đẳng Y dược Đông Dương năm 1929 ra trường, được bổ làm việc tại Bệnh viện Calmette, một bệnh viện hiện đại của Pháp ở Vân Nam, Trung Quốc. Ngô Mạnh Lân là con trưởng trong số 6 anh em và đều được sinh ra ở Côn Minh. Từ bé Ngô Mạnh Lân đã là một cậu bé hiếu động.

 

Do ở Côn Minh không có trường dạy tiếng Việt và tiếng Pháp, nên khi lên 5 tuổi, cậu bé Ngô Mạnh Lân được gia đình gửi về Hà Nội học. Nghỉ hè, Ngô Mạnh Lân mới có dịp về Côn Minh sum họp với gia đình.

 

Năm 1944, khi chiến tranh Trung-Nhật lan đến Vân Nam, mẹ ông đưa cả đàn con về Hà Nội. Sống trong những tháng ngày sôi động trước cuộc Cách mạng Tháng Tám ấy, Ngô Mạnh Lân đã từng rủ bạn bè lên chiến khu tìm Việt Minh, rồi được chứng kiến cuộc biểu tình sôi sục khí thế cách mạng 19/8/1945 và nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9.

 

Tháng 9/1947, Ngô Mạnh Lân được gia đình cho sang Pháp du học. Tại Pháp, ông được gia đình Giáo sư Marcel Prenant, người từng là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, coi như con nuôi. Bà Lucie, vợ Giáo sư Marcel là hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm nữ (ENS Sèvres) nơi đào tạo nhiều giáo sư nữ ưu tú nhất của Pháp. Chính ở gia đình Giáo sư Prenant, Ngô Mạnh Lân đã được tham dự những buổi họp với các nhân sĩ trí thức, học giả, giáo sư của các trường đại học, các viện nghiên cứu của Pháp và nước ngoài để nghe họ tranh luận với nhau những vấn đề triết học, xã hội học và chính trị. Đây là những cơ hội tiếp thu kiến thức về triết học giúp Giáo sư Ngô Mạnh Lân rất nhiều trong công việc sau này.

 

Nhà báo đóng góp nhiều cho đất nước

 

Những năm đầu thập kỷ 60, Ngô Mạnh Lân được mời làm Tổng Biên tập Tạp chí "Cách mạng - Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, Châu Á" ở Paris. Thời kỳ làm Tổng Biên tập tạp chí này là môi trường rất tốt để ông có dịp tiếp xúc với các lãnh tụ, cán bộ cao cấp của các phong trào giải phóng dân tộc đang hoạt động ở các nước thế giới thứ 3.

 

Tiến sĩ Ngô Mạnh Lân cũng đã viết nhiều bài phân tích cụ thể chiến lược của Mỹ ở Việt Nam, những cuộc biểu tình chống Mỹ - Diệm và đấu tranh vũ trang của nhân dân Việt Nam, giới thiệu cương lĩnh về Mặt trận Dân tộc Giải phóng Nam Việt Nam, về chiến tranh Việt Nam, dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp hồi ký và bài viết của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta về đấu tranh vũ trang... Tranh thủ các chính khách Việt kiều và người nước ngoài ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, vận động các chính đảng, tổ chức Việt kiều hướng về các mục tiêu chính trị chống Mỹ cứu nước.

 

Từ năm 1965 đến 1975, Tiến sĩ Ngô Mạnh Lân nhận lời đề nghị của một cán bộ cao cấp trong Phái đoàn thường trực của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc giúp Bí thư Đảng ủy của phái đoàn làm việc nhận định tình hình qua báo chí nước ngoài. Vốn sẵn có quan hệ với bạn bè các nước, ông luôn nhận được những tài liệu quý giúp ông có những đánh giá khá chính xác. Sau khi nước nhà thống nhất vào mùa Xuân năm 1975, Tiến sĩ Ngô Mạnh Lân cũng hoàn thành phần công việc Tổ quốc giao cho.

 

Chuyên gia giỏi của Liên hợp quốc

 

Ở lại tìm việc làm tại Pháp, Tiến sĩ Ngô Mạnh Lân xin vào làm việc tại Liên hợp quốc. Tại đây, ông gặp lại các bạn cũ trong thời điểm cuộc đấu tranh vì nền trật tự kinh tế quốc tế mới đang được các chính phủ đưa lên mục tiêu hàng đầu trong các cuộc hội nghị của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

 

Một lần, Ngô Mạnh Lân được mời tham gia Hội nghị có chủ đề "Tiến đến trật tự kinh tế quốc tế mới". Hội nghị làm việc trong suốt một tuần, đạt kết quả rất cao và bầu ra Ủy ban Chấp hành tổ chức Diễn đàn Thế giới thứ ba (gồm các nước chậm phát triến hay đang phát triển). Trong Hội nghị này, bài tham luận của Giáo sư Ngô Mạnh Lân đã gây được tiếng vang và ông được bầu vào Ủy ban Chấp hành của tổ chức Hội các nhà kinh tế của Thế giới thứ ba trong những năm từ 1975 đến 1977. Sau đó, từ năm 1977 đến 1987, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Chương trình nghiên cứu chiến lược phát triển của Liên hợp quốc bên cạnh Ban Thư ký trực thuộc Tổng thư ký Liên hợp quốc.

 

Năm 1977, ông được nhận vào làm việc ở Viện Đào tạo và Nghiên cứu của Liên hợp quốc (United Nations Institute for Training and Research) trực thuộc Văn phòng Tổng Thư ký Liên hợp quốc ở New York. Do làm việc hiệu quả, Ngô Mạnh Lân được bổ nhiệm làm Giám đốc Nghiên cứu và điều phối của Viện này.

 

Trong thời gian là công chức Liên hợp quốc, Giáo sư Ngô Mạnh Lân được giao nhiều trọng trách và đặc biệt tổ chức thành công cuộc Hội nghị quốc tế về Các chiến lược phát triển thay thế cho các nước Châu Á. Đây là một Hội nghị có một không hai của Liên hợp quốc thời đó, vì đụng chạm đến nhiều tổ chức và cơ quan quyền lực trong hệ thống Liên hợp quốc như Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến một số các chính quyền hữu khuynh, các công ty đa quốc gia...

 

Mong quê nhà sớm sánh vai với các nước tiên tiến

 

Trở về Pháp, ông được mời làm Vụ trưởng Vụ Phát triển của Viện Toán và Kinh tế ứng dụng, được mời giảng dạy ở các trường đại học tại một số nước thuộc Liên hiệp châu âu (EU) và đH Weseda - Tokyo, Nhật Bản. Cũng trong thời gian này, ông được Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP mời tham gia chương trình Chuyển giao kiến thức cho các cán bộ văn phòng Chính phủ và các cơ quan nhà nước Việt Nam.

 

ông về Việt Nam nhiều và đặc biệt được đại tướng Võ Nguyên Giáp mời góp ý kiến với Đại tướng khi ông đang làm Phó Thủ tướng kiêm Phó ban dự thảo hoạch định chiến lược đến năm 2000. Giáo sư Ngô Mạnh Lân kể: "Đây là thời gian làm việc sung sướng nhất của tôi".

 

Tuy đã chính thức nghỉ hưu từ năm 1996, nhưng Giáo sư Ngô Mạnh Lân vẫn say mê làm việc, nghiên cứu. Với mong muốn quê nhà sớm sánh vai được với các nước tiên tiến trên thế giới. ông đang vận động thành lập Viện nghiên cứu xu hướng phát triển kinh tế của Việt Nam và thế giới. "Nước ta là thành thành viên WTO, một vận hội mở ra trước mắt. Tôi tin vào tương lai tươi sáng của đất nước", nhà học giả tâm huyết với sự phát triển của đất nước này nói r

 

Vũ Anh Tuấn

(Theo personal.umich.edu và báo chí trong nước)