GS.VS Phạm Minh Hạc:

"Quá thất vọng vì đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí THCS bị hủy bỏ"

(Dân trí) - Là người từng rất nhiều lần ủng hộ việc tăng lương giáo viên và miễn học phí cấp THCS, GS.VS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục) đã rất thất vọng khi cả hai đề xuất trên đều không được đề cập trong Dự thảo Luật Giáo dục. Ông chia sẻ: “Tôi vô cùng ngạc nhiên và quá thất vọng khi cả hai đề xuất đều bị hủy bỏ".

"Tôi vô cùng ngạc nhiên"

Trao đổi với PV Dân trí, GS Phạm Minh Hạc chia sẻ sự thất vọng khi cả hai đề xuất trên đều không còn được đề cập trong dự thảo luật cũng như trong tờ trình mà Bộ GD&ĐT thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3 vừa qua.

“Tôi không biết ý kiến của mình có được xem xét hay không, nhưng việc Bộ Tài chính và Bộ nội vụ không đồng ý với hai đề xuất trên của Bộ GD&ĐT khiến tôi vô cùng ngạc nhiên và không hiểu tại sao Nhà nước đối xử với giáo viên như thế”, GS Hạc nói.

Ông chia sẻ thêm về vấn đề vì sao phải tăng lương cho nhà giáo và tăng thế nào là cần thiết, theo GS Hạc, một số cán bộ hành chính và một số ngành nghề khác, họ sống không phải từ lương mà có cả lương + thưởng + phụ cấp, gọi chung là thu nhập. Thu nhập này ở nhiều ngành nghề khá cao.

“Sự thật nhiều người không sống bằng lương mà bằng các khoản thêm trên đây, bằng các khoản thưởng. Thế nhưng những khoản thu này, nếu đưa vào để tính toán vào bậc lương, thu nhập thì lại thường không được công khai.

GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (Ảnh: Mỹ Hà)
GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (Ảnh: Mỹ Hà)

Về thu nhập của giáo viên thì hiện nay thấp nhất trong các ngành, dù trên giấy tờ thì lương ngành giáo dục đứng thứ 14/28 ngành. Các ngành khác còn có khoản nọ khoản kia, thu nhập bên ngoài, trợ cấp, phụ cấp này khác, còn giáo viên thì không có gì ngoài lương. Thưởng Tết các ngành khác có tiền triệu, thậm chí vài chục triệu, vài trăm triệu thì giáo viên chẳng bao giờ có.

Do đó, khi báo chí và Bộ GD&ĐT đề nghị tăng lương nhà giáo hạng nhất, hạng nhì gì đó và lại cả hai bộ không đồng tình thì tôi vô cùng ngạc nhiên. Không hiểu Nhà nước đối xử với các giáo viên như thế nào, tôi không hiểu được.

Và theo tôi được biết, trong một bài báo nào đó có đề cập tới, vấn đề này phải Chính phủ và Quốc hội mới giải quyết được. Trong khi ngân sách khó khăn, những khoản đầu tư khác vẫn cứ thực hiện thì tại sao đầu tư cho giáo dục lại không”, GS Hạc băn khoăn.

Ông kể thêm: “Một lần về quê, tôi nghe một giáo viên tâm sự, mình cũng là giáo viên dạy giỏi, từng đoạt giải giáo viên dạy giỏi này kia nhưng lương tháng có 2,3 triệu đồng nên phải sống bằng cơm gạo của bố mẹ trợ cấp cho hàng tháng. Không chỉ có cô giáo này mà hầu hết các thầy cô giáo khác, nếu không làm thêm gì thì đều thấp như vậy. Cho nên tôi hay các anh chị báo chí có góp tiếng nói, cũng là để cố gắng cải thiện tình hình mà thôi”.

Quan điểm của GS Hạc đưa ra, giáo viên không chỉ được hưởng mức lương cao nhất trong hệ thống thang bảng lương, mà còn cần phải có thang bảng lương đặc thù dành riêng bởi giáo viên là một nghề đặc thù, gắn với trình độ chuyên môn đào tạo và với một loại hình lao động.


Giáo viên không chỉ được hưởng mức lương cao nhất trong hệ thống thang bảng lương, mà còn cần phải có thang bảng lương đặc thù dành riêng. (Ảnh: minh họa)

Giáo viên không chỉ được hưởng mức lương cao nhất trong hệ thống thang bảng lương, mà còn cần phải có thang bảng lương đặc thù dành riêng. (Ảnh: minh họa)

Không giống nước nào trên thế giới

Trong một lần phỏng vấn gần đây của PV Dân trí, GS.VS Đào Trọng Thi, người từng rất tâm huyết với hai chủ trương xin tăng lương giáo viên và miễn học phí cấp THCS từng nói, nếu nhiều người hiểu được rằng, muốn chất lượng của con cháu chúng ta sau này được nâng cao, trước hết phải chăm lo đời sống nhà giáo. GS Thi cho rằng: “Tăng học phí là mong muốn cao cả hơn lương giáo viên nhưng tăng lương là cấp bách”, vậy quan điểm của GS về vấn đề này ra sao?

GS Hạc cho hay: “Tôi đã từng nói nhiều lần về việc muốn tăng chất lượng giáo dục phổ thông lên (gọi chung là chất lượng giáo dục), trước hết phải chăm lo đội ngũ nhà giáo. Thầy cô giáo không an tâm để giảng dạy, sao nâng cao chất lượng giáo dục? Đó là chân lý của nhiều nước hàng thế kỉ nay.

Tuy nhiên, tôi thấy bây giờ có nhiều người quan tâm tới giáo dục đâu. Năm 2017, một số trường cao đẳng Sư phạm chỉ dưới 9 điểm là đỗ vào, như thế làm sao nền giáo dục của chúng ta tiến lên được. Nhờ cách mạng tháng 8, chúng ta đã có những bước tiến dài nhưng khoảng 20 năm nay, chúng ta đang chững lại. Nếu chất lượng giáo dục thấp thì chất lượng nhân công thấp và chỉ đi làm thuê, không làm chủ được công nghệ”.

Được biết, về vấn đề miễn học phí, GS Phạm Minh Hạc cũng nhiều lần đề cập việc miễn học phí tới cấp THCS là điều tất yếu cần thực hiện, nhất là khi đất nước đã phát triển như hiện nay. Thậm chí, khi góp ý sửa Hiến pháp năm 2013, GS Hạc từng đề nghị cần đưa vào Hiến pháp quy định “Tất cả các bậc học phổ cập thì được miễn học phí”.

Theo ông, miễn học phí cho học sinh THCS, đã là cấp học phổ cập thì trên thế giới, luôn luôn được miễn phí.

“Nhiều nước tôi may mắn đi qua và tìm hiểu, ở cấp học phổ cập, họ còn miễn ăn trưa, cấp phát quần áo cho cấp học phổ cập. Ở nước ta, coi là cấp học bắt buộc nhưng vẫn bắt buộc học phí, thật không giống nước nào trên thế giới”, GS Hạc khẳng định.

Mỹ Hà