Hà Nội: Họp báo “nóng” về phương thức thi tổ hợp vào lớp 10 THPT

(Dân trí) - Dự kiến năm 2019 - 2020, Sở GD&ĐT Hà Nội tuyển sinh vào lớp 10 THPT bằng cách thức thi tuyển qua bài thi tổ hợp. Trước băn khoăn của dư luận, chiều 10/4, Sở GD&ĐT Hà Nội đã họp báo “nóng”, với sự tham gia của lãnh đạo Sở, các giáo viên và nhà khoa học để giải đáp thắc mắc.

Tháng 9 sẽ có đề thi minh họa

+ Sở GD&ĐT có căn cứ nào để quyết định từ năm sau, sẽ tổ chức thi vào lớp 10 THPT bằng bài thi tổ hợp?

Việc tuyển sinh vào 10 THPT duy trì một cách thức từ 2006 đến nay đã trì trệ. Do đó, cần phải có thay đổi để phù hợp với tình hình. Để chuẩn bị cho sự thay đổi này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chắt lọc, lắng nghe từ các tỉnh để có phương án thi tốt nhất.

Vậy đổi mới theo hướng nào khi Tiếng Anh các em chưa giỏi, có em còn không biết đến lịch sử dân tộc… Chúng tôi đã theo cách thi tổ hợp để yêu cầu các em học đầy đủ các môn học hơn, không học tủ, học lệch.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng tại họp báo
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng tại họp báo

+ Một số địa phương như Hải Phòng đã rút từ 7 môn thi tổ hợp xuống. Một số địa phương khác cũng có kết quả không cao khi áp dụng cách thức thi vào lớp 10 bằng bài thi tổ hợp. Sở GD&ĐT Hà Nội đã tham khảo ý kiến các địa phương ra sao trước lúc triển khai?

Đối với kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT đã áp dụng bài tổ hợp vài năm nay và khẳng định kì thi diễn ra rất thành công.

Đối với Hà Nội, bài thi tổ hợp này thí sinh không được lựa chọn tổ hợp KHXH hoặc KHTN như thi THPT quốc gia bởi kỳ thi THPT quốc gia, các em vừa dùng để xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ theo nguyện vọng ngành nghề.

Đối với kì thi THPT, nhà trường dùng bài thi để đánh giá kiến thức đã học ở bậc THCS nên các tổ hợp thi sẽ được Sở GD&ĐT kết hợp đan xen giữa môn tự nhiên và xã hội ngoài môn “cứng” là Ngoại ngữ.

+ Sở GD&ĐT Hà Nội có quá vội vàng áp dụng phương thức này trong khi chỉ còn 1 năm nữa? Liệu các em học sinh và các nhà trường có chuẩn bị kịp?

Khi đưa ra phương án này, chắc chắn Sở sẽ có lộ trình chi tiết thực hiện ra sao và công bố đề thi minh họa lúc nào. Theo đó, dự kiến khoảng tháng 9 hàng năm, bắt đầu vào năm học mới, sở sẽ công bố đề thi minh họa.

+ Hà Nội hiện có nhiều trường ở Hà Tây (cũ) vẫn chưa đồng đều so với Thủ đô. Liệu Sở GD&ĐT tuyển sinh vào lớp 10 THPT bằng phương thức chung hay triển khai phù hợp từng địa phương?

Tất cả các trường đều tuyển sinh như nhau và Sở GD&ĐT Hà Nội tin chắc chắn các cháu sẽ làm bài thi tốt.

Đề thi sẽ có môn riêng và cả tích hợp

+ Hiện chúng ta đang áp dụng cách dạy cũ trong khi phương thức thi hoàn toàn mới. Liệu các em học sinh có thể thực hiện tốt phương án mới này?

Ngay từ khi Bộ GD&ĐT có phương án thi THPT quốc gia, Sở GD&ĐT Hà Nội ngay lập tức đã đổi mới phương pháp dạy học theo phương thức thi tổ hợp. Do đó ban đầu các em đã được làm quen các bài thi giữa kì và cuối kì bằng phương pháp trắc nghiệm khách quan.

Để chuẩn bị cho phương thức thi mới, nhiều năm qua, Sở đã triển khai trong các nhà trường việc dạy theo phương thức kết hợp giữa thi và đánh giá năng lực. Để các trường cảm thấy bình thường và không bị sốc.

Trước khi đưa ra phương án này, đã trưng cầu ý kiến của cha mẹ học sinh và nhân được 700 ý kiến trong vòng 5-6 năm nay và năm nào cũng họp vài cuộc về đổi mới thi cử.

+ Dựa trên cơ sở khoa học nào để Sở GD&ĐT Hà Nội sắp xếp các tổ hợp thi môn tự nhiên lồng ghép với xã hội ở các tổ hợp thi?

Ở các tổ hợp đều có môn thi “cứng” là ngoại Ngữ. Còn các tổ hợp đều có các môn trộn lẫn giữa KH tự nhiên và KH xã hội bởi cấp THCS chưa có định hướng rõ ràng nghề nghiệp, các em đang cần phải nắm kĩ tất cả các môn nên đề thi phải trộn lẫn để học sinh không học lệch.

Cụ thể, trong đề thi, chúng ta sẽ có phần riêng của từng môn và khả năng sẽ có cả những câu hỏi tích hợp liên môn chứ không phải ghép các môn một cách cơ học.

+ Việc ra đề thi tổ hợp như trên đây dẫn đến lo ngại các em sẽ học thêm tràn lan?

Chúng ta cảm giác và lo ngại như thế thôi. Tuy nhiên, đề thi này sẽ ra cơ bản nhất và đáp ứng được cho năng lực của học sinh. Các em sẽ phải học toàn diện hơn, không học lệch, học tủ.

Ban Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội trả lời báo chí về tuyển sinh đầu cấp
Ban Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội trả lời báo chí về tuyển sinh đầu cấp

Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: "Định dạng đề thay đổi sẽ không có học thêm"

Trước sự thay đổi bao giờ cũng có sự trăn trở. Có thể khẳng định đây là đề án rất nghiêm túc đối với nhân dân và với phụ huynh học sinh.

Sở dĩ chúng tôi phải thay đổi bởi phải chuẩn bị đầu ra tốt nhất cho kì thi THPT quốc gia.

Chúng tôi đã trăn trở: Làm thế nào để học sinh học đều, nắm chắc các môn do đó đã chọn cách thi tổ hợp.

Thứ 2, việc thi nhiều môn sẽ có lo ngại xảy ra học thêm? Sở đã có tính đến bởi áp lực dạy học thêm là do áp lực thi và định dạng đề thi. Khi cách thức thi thay đổi nhẹ nhàng, khoa hoặc bằng cách trắc nghiệm khách quan. Do đó, định dạng đề thi phải phù hợp, khoa học để học sinh chỉ cần học chuyên cần, chăm chỉ là có thể làm tốt bài thi, không cần phải học thêm, không đánh đố.

TS Trần Phương, Phó Giám đốc TT hỗ trợ phát triển tài năng: "Đề thi sẽ không quá tải"

Đây là cách thức thi rất văn minh. Ở các tổ hợp, có hai môn chủ lực là Toán và Văn còn hai môn kia vẫn nhẹ nhàng để các em không học tủ, học lệch.

Cách đánh giá bằng cách thức trắc nghiệm khách quan của các môn thi còn lại trong tổ hợp hoàn toàn không gây nặng nề cho các em khi làm bài thi.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội: "Đề thi sẽ khó học thêm"

Phải quan niệm việc thi hiện nay phải buộc các em phải học. Đến khi nào chúng ta phát triển đến mức không phải thi mà chỉ cần căn cứ vào bài kiểm tra đánh giá của từng trường như trên thế giới đã thực hiện thì lại khác.

Trước đây, chúng ta giảm áp lực cho học sinh nên chỉ tập trung vào Văn, Toán. Hiện tại Sở GD&ĐT mạnh dạn tổ chức thêm các tổ hợp thi là cách thức rất tốt.

Chúng ta chống dạy thêm,học thêm là một quá trình. Đề thi tổ hợp sẽ khó học thêm bởi đề thi có nhiều câu hỏi tư duy. Đổi mới cách thi sẽ đổi mới cách dạy, đề thi có các câu hỏi tư duy, các em sẽ không thể học thêm bởi lúc đó không ai bày cho các em cách tư duy ra sao.

Tôi nghĩ đề thi làm sao buộc học sinh phải học thật nhiều, phải tư duy thật nhiều và gắn với thực tiễn. Điều đó sẽ khiến các em không thể học thêm.

Mỹ Hà