Hà Nội lưu ý 4 vấn đề về thi THPT quốc gia 2017

(Dân trí) - Tại Hội nghị “Triển khai công tác thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017”, do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố đã lưu ý 4 vấn đề về kì thi THPT quốc gia 2017.

Nên tổ chức thi theo nhóm trường

Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh (TS) dự thi lớn nhất nước. Năm nay, dự kiến có hơn 80.000 TS đăng ký dự thi. Nếu trước đây có hai cụm thi, nay chỉ có 1 cụm, kiêm cả xét tuyển ĐH, CĐ nên Sở GD&ĐT nhận định, tính cạnh tranh khốc liệt, áp lực lên các cán bộ làm công tác thi rất vất vả.

Để kì thi được triển khai tốt hơn, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT lưu ý 4 điểm cơ bản.

Thứ nhất, việc làm công tác thi năm nào cũng thực hiện nhưng nhưng mỗi một năm có những điểm mới nên Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu phải cẩn trọng, chú ý các điểm chưa tốt của mọi năm để rút kinh nghiệm.

Thứ hai, năm nay làm kỳ thi kép, vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp, vừa dự tuyển vào ĐH nên tính cạnh tranh rất khốc liệt, người làm công tác thi cực kì vất vả.

Muốn cho kỳ thi thực sự nghiêm túc, chặt chẽ và công bằng, theo ông Độ, nên tổ chức theo nhóm trường. Theo đó, học sinh trong một phòng thi không phải học sinh của một trường mà là học sinh của rất nhiều trường để có thể tổ chức một cụm thi lớn, đặt ở tại trường đại học. Ví dụ: Cụm Kinh tế quốc dân; Hoặc cụm đại học Sư phạm với khoảng 200 phòng thi...

“Tôi đã trao đổi với một số lãnh đạo trường ĐH, ví dụ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nếu năm nay Bộ vẫn phân công cho trường này phối hợp với Hà Nội tổ chức coi thi thì điểm thi của trường sẽ có khoảng 200 phòng thi. Chúng ta cùng bàn xem việc này nên làm thế nào. Mục tiêu của chúng ta là làm những điều tốt nhất cho thí sinh”, ông Độ nói.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, trường có thể chưa đẹp nhưng không thể không sạch (ảnh: Huyền Vũ)
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, trường có thể chưa đẹp nhưng không thể không sạch (ảnh: Huyền Vũ)

Trường chưa đẹp nhưng không thể không sạch

Về hình thức thi và môn thi cũng có nhiều điểm mới, nhất là môn tổ hợp vì vậy kĩ thuật năm nay sẽ phức tạp. Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá, việc tổ chức thi, coi thi phải được thực hiện bởi những người rất có kinh nghiệm.

“Thi hết môn thứ nhất, ví dụ là thi tổ hợp Lý, Hóa, Sinh. Đầu tiên là Lý trước, sau khi phát đề và giấy nháp thi, rồi phát bài thi cho thí sinh. Sau khi thí sinh làm xong, phải nộp tất cả đề thi, bài thi và giấy nháp cho giám thị, sau đó mới phát đề thứ 2. Lần thứ 2 làm xong lại thu 3 thứ đề thi, bài thi và giấy nháp và phát đề thứ 3. Nhưng đến lần thứ 3 chúng ta không thu lại đề. Như vậy thí sinh chỉ cầm trong tay đề thi môn Sinh. Kỹ thuật có điểm khác một chút. Như vậy, thí sinh chỉ được mang đề môn cuối cùng của bài thi tổ hợp về, cộng với cả môn Văn, Toán, Ngoại ngữ”, ông Độ lưu ý.

Thứ ba, theo Giám đốc Độ, việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất cũng cần được lưu tâm. Các trường ngoài việc chuẩn bị thật tốt điều kiện cơ sở vật chất, cần sửa sang lại. Trường có thể chưa đẹp nhưng không thể không sạch, không để đất cát ngổn ngang, bàn ghế phải ngay ngắn, sạch sẽ.

Đặc biệt vấn đề cần quan tâm là điện. Ông Độ lấy dẫn chứng ở kì thi năm ngoái, có một trường ngay trước ngày thi 2 ngày đã bị chập điện ngầm ở bên trong. Đây là sự cố bất thường, rất may đã được khắc phục kịp thời nhưng điều đó đặt ra nhiệm vụ cho cá trường phải có hệ thống điện dự phòng bên ngoài, cần xem lại toàn bộ hệ thống quạt, hệ thống máy photo, máy phát điện…

Thứ tư, với Sở, phòng quản lý thi đã có hướng dẫn khá chi tiết. Phòng quản lý thi thêm những lỗi sai mắc phải trong kỳ thi, để đưa ra kinh nghiệm xử lý cho các giám thị, hội đồng thi, để tổ chức thi hạn chế những sai lầm có thể xảy ra tình huống phức tạp.

Mỹ Hà - Huyền Vũ