Hà Nội: Quảng cáo bủa vây trường học

Dạo quanh các cấp học, bậc học ở mọi lứa tuổi tại Hà Nội những tấm biển, băng-rôn quảng cáo xuất hiện nhan nhản dưới nhiều hình thức.

Những hình ảnh quảng cáo xuất hiện nhan nhản trong khuôn viên các trường học hiện nay tại Hà Nội.
Những hình ảnh quảng cáo xuất hiện nhan nhản trong khuôn viên các trường học hiện nay tại Hà Nội.

Hình thức đa dạng

Phổ biến nhất là việc treo băng-rôn khu vực trong và ngoài sân trường. Tại một trường THCS trên quận Đống Đa, Hà Nội 3 tấm biển quảng cáo nằm cạnh nhau chiếm trọn 2/3 chiều dài sân chơi của học sinh: một giới thiệu về trại hè trong quân đội, một của trung tâm ngoại ngữ, tấm băng - rôn còn lại giới thiệu cuộc thi viết do đơn vị truyền thông có tiếng tổ chức.

Khu vực bảng dán thông báo của nhà trường, những bài viết của HS và tên đơn vị tổ chức cuộc thi chiếm diện tích rất rộng.

Cạnh đó, tại một trường tiểu học hình ảnh quảng cáo của các đơn vị, tổ chức xuất hiện với mức độ dày đặc. Tại cổng trường, tên trung tâm tiếng anh xuất hiện ngay phía dưới và cùng kích cỡ với tấm bảng đề tên trường.

Cách đó vài mét là văn phòng tuyển sinh của trung tâm này và một trung tâm tiếng anh khác. Đi vào khuôn viên của trường, từ phòng bảo vệ, các cột nhà, bảng thông tin, khu vực sân chơi của trẻ nhan nhản các tấm biển quảng cáo hình ảnh cho các thương hiệu khác nhau: từ sữa của tập đoàn, bánh kẹo, xe máy. Nhỏ thì vài tấm poster cỡ A4, lớn thì đóng khung, lớn hơn là cả bức hình nhân vật biểu trưng cho sản phẩm của tập đoàn,…

Ở một trường tiểu học khác, vì nằm ở vị trí trung tâm lại có phòng học rộng nên trường cho một trung tâm dạy kiến thức văn hóa thuê. Trong ngày PV đến, ở tờ giấy nhỏ phô-tô “Yêu cầu phụ huynh không lên lớp học” được dán tại cửa tất cả các lớp, trung tâm kia khéo léo đưa lô-gô và tên website của mình vào.

Thông báo tuyển sinh và hồ sơ bán cho phụ huynh của một trường tiểu học thuộc quận Ba Đình, Hà Nội không quên giới thiệu (tỉ mỉ) và bán kèm luôn đơn đăng ký tự nguyện vào “lớp học tương tác”.

Để hình ảnh của mình thêm sinh động, các đơn vị thường hoặc có người trực tiếp bán và giới thiệu sản phẩm hoặc thông qua các hoạt động vui chơi, cắm trại cuối năm, dịp hè để tiếp thị cho mặt hàng.

Trường không được gì?

Những hình ảnh quảng cáo xuất hiện nhan nhản trong khuôn viên các trường học hiện nay tại Hà Nội.
 
Trao đổi với PV, lãnh đạo nhiều trường học cho biết họ khá mệt mỏi khi thường xuyên nhận được những cuộc gọi hay đề nghị quảng cáo trong trường học. Từ trung tâm ngoại ngữ, lớp học làm nông dân, các đơn vị dạy kĩ năng sống hệ thống, sổ liên lạc điện tử đến các công ty bảo hiểm, đồ dùng và thiết bị dạy học...

“Không hiểu sao họ có số di động của mình để gọi, chào mời, rất mất thời gian” – hiệu phó một trường THCS quận Đống Đa thắc mắc.

Vị này giải thích thêm: “Trường chỉ giúp một vài trung tâm ngoại ngữ để họ phát tờ rơi trước cổng trường, thông tin về lớp học làm nông dân cho phụ huynh lựa chọn hay tham khảo giá cả và thiết bị đồ dùng học tập. Còn lại thì đuổi thẳng”.

“Muốn quảng cáo thì đơn vị hay tổ chức nào đó phải có sự đồng ý của phòng giáo dục, sau trường mới xem xét cho vào hay không” – hiệu trưởng một trường tiểu học khác cho biết.

“Họ chỉ xin, mình cho vào quảng cáo kiểu “làm ơn làm phước” chứ được gì đâu?” – vị hiệu trưởng phân trần.

Vị này tiếp lời: “Nếu mình mà mở hoặc vụ lợi thì không thiếu cách. Có nhà sách tư nhân họ từng vào chào bán với hoa hồng đến 20% cho trường. Thậm chí từng có cả anh thợ may, cắt tóc, dầu ăn thực thẩm,…đến đây mời chào. Vậy nên trường phải quán triệt với bảo vệ không cho họ vào nữa”.

Với trường THPT đơn vị xin quảng cáo hầu hết là các trung tâm ngoại ngữ hay chương trình liên kết, du học.

Một phụ huynh có cháu đang học tiểu học ở quận Thanh Xuân than thở: “Ngày nào đến trường cũng thấy có người tiếp thị sản phẩm sữa. Mình đã quá mệt mỏi với quảng cáo trên truyền hình, đi đường thì nay có cả ở trường nên cảm thấy rất bực bội”.

Trong khi đó, một phụ huynh có con học THPT ở quận Cầu Giấy tâm sự: “Trường cháu học hè nào cũng tổ chức học kỳ quân đội. Mỗi khóa từ 4 triệu đến 5 triệu đồng. Các cô bảo tự nguyện nhưng nói thêm “các cháu khác đều đi cả” thì ai dám nói không. Đây là hoạt động liên kết, mình nghĩ nếu không được gì thì liệu trường có làm hào hứng như vậy?”

Theo Phong Đăng
VietNamNet