Hà Nội: Thêm 11 trường tham gia mô hình VNEN

(Dân trí) - Với những hiệu quả và tính tích cực của mô hình trường tiểu học mới (VNEN), năm học 2014 - 2015 ở Hà Nội có thêm 11 trường tiểu học đăng ký, nâng tổng số trường tham gia VNEN lên con số 58.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT Hà Nội, mô hình trường tiểu học mới (VNEN) được triển khai nhân rộng ở Hà Nội từ tháng 9/2013, học sinh (HS) mới làm quen với chương trình VNEN so với chương trình trước đây chưa thực sự nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên đã có những thay đổi tích cực: HS được rèn luyện kĩ năng làm việc theo nhóm, kĩ năng giao tiếp, hợp tác và kĩ năng điều hành. Một số bạn chưa tự giác học đã được các ban nhóm trưởng nhắc nhở, hướng dẫn cả những vấn đề chưa hiểu, đây là một điều rất mới và hay mà chương trình hiện hành chưa có được.

Điều đặc biệt là trong nội dung bài học có hoạt động ứng dụng yêu cầu sự giúp đỡ của bố mẹ, người thân, điều này đã tạo điều kiện cho phụ huynh kiểm tra việc học tập của con em mình.

Điểm khác biệt lớn nhất là trước đây để đánh giá được mức độ hiểu bài của HS sau mỗi tiết học giáo viên (GV) cũng chỉ có thể kiểm tra vài HS, nhưng ở mô hình này, tất cả các HS đều được các bạn khác trong nhóm kiểm tra nên không xảy ra tình trạng “ bị bỏ rơi”. Chính vì vậy mà kết quả học tập của HS được nâng lên.

“Điểm nổi bật của mô hình VNEN là sự đổi mới của quá trình sư phạm"

Năm học 2011 - 2012 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT bắt đầu thí điểm mô hình VNEN ở 6 tỉnh với 24 trường. Năm học 2012 - 2013 Bộ triển khai đại trà cho 63 tỉnh với 1.447 trường, trong đó Trường tiểu học Tả Thanh Oai là trường duy nhất của thành phố Hà Nội được tham gia thực nghiệm với 4 lớp (2 lớp 2 và 2 lớp 3).

Sau một năm triển khai, với tính hiệu quả tích cực mà VNEN mang lại nên năm học 2013-2014, Trường tiểu học Tả Thanh Oải quyết định nhân rộng thành 20 lớp (7 lớp 2, 7 lớp 3 và 6 lớp 4) với 801 HS tham gia. Năm học này, nhà trường quyết định triển khai với tất cả các khối lớp từ khối 2 đến khối 5.

“Điểm nổi bật của mô hình VNEN đó chính là sự đổi mới của quá trình sư phạm. Mô hình áp dụng phương pháp dạy học mới thay thế phương pháp dạy truyền thống với việc HS sẽ giữ vai trò trung tâm, GV là người hướng dẫn, đồng hành với HS, giúp các em tự tìm hiểu, tiếp cận kiến thức trong mỗi giờ học ở lớp” - cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng Trường tiểu học Tả Thanh Oai chia sẻ. 

Cô Nguyễn Thị Hương Giang - GV Trường tiểu học Đức Giang, ngôi trường mới triển khai thực nghiệm hai lớp ở năm học 2013-2014 tâm sự: “Khi nhận nhiệm vụ dạy thí điểm mô hình trường học mới, bản thân tôi cũng như một số đồng nghiệp trong trường có nhiều băn khoăn và lo lắng. Song qua tập huấn và được thăm quan thực tế dự giờ thăm lớp tại Trường tiểu học Tả Thanh Oai thì những băn khoăn, lo lắng của chúng tôi đã được giải đáp phần nào. Và chúng tôi đã có sự tự tin để tham gia dạy thí điểm mô hình này”.

Lớp học VNEN của Trường tiểu học Đức Giang (Long Biên, Hà Nội).
Lớp học VNEN của Trường tiểu học Đức Giang (Long Biên, Hà Nội).

Cô Hương Giang chia sẻ thêm: Trong các lớp học VNEN, các em HS tự tin, không khí học tập trong lớp tự nhiên, nhẹ nhàng, thân thiện và kết quả học tập, chất lượng giáo dục bước đầu được cải thiện. Các em trong hội đồng tự quản của lớp đã biết làm quen với nhiệm vụ của mình. Đáng ghi nhận là đã phát triển năng lực tự học, kỹ năng giao tiếp, hợp tác tích cực trong hoạt động nhóm của HS (đây được coi là điểm mới của HS học lớp VNEN hơn hẳn các lớp không học theo mô hình này). HS có nhiều cơ hội độc lập suy nghĩ, bộc lộ ý kiến riêng khi làm việc cá nhân và có nhiều cơ hội phát huy năng lực hợp tác khi học nhóm, được tranh luận, tự đánh giá bản thân và đánh giá các bạn.

Nhiều em HS đã thể hiện được khả năng của mình khi điều khiển và có thể hướng dẫn các bạn khác học, thay cho việc tổ chức hướng dẫn của cô giáo như trước đây. Một điều dễ nhận thấy, đó là HS đã mạnh dạn, tự tin, linh hoạt và sáng tạo hơn trong học tập, tư duy độc lập và phát hiện kiến thức mới.

Và những vướng mắc cần tháo gỡ

VNEN có nhiều ưu điểm mang lại sự tích cực cho cả GV và HS, tuy nhiên việc triển khai mô hình cũng còn gặp khá nhiều khó khăn.

Cô Nguyễn Thị Nga chia sẻ: “Lớp học đông, việc giúp đỡ 2 - 4 em yếu hơn trong mỗi lớp là rất khó khăn, một số HS lớp 2 đọc viết chậm thì không thể theo kịp tốc độ học của các bạn. Một số HS cá biệt, hoặc nghịch ngợm, thiếu ý thức, nếu GV không quan tâm, sát sao các em sẽ ỷ lại ào ào theo nhóm, không theo kịp tốc độ học cả lớp dẫn đến hậu quả không nắm chắc kiến thức cơ bản (nhất là lớp 4).

Cũng do lớp đông nên việc phân hóa đối tượng HS không được nhiều, HS chưa thể hiện rõ việc học tập theo tốc độ khác nhau theo khả năng của mình. Hầu hết các em cùng nhau thực hiện 1 hoạt động trong nhóm, kiểm tra rồi cùng chuyển sang hoạt động tiếp theo. Có chăng những em làm việc tích cực hơn thì sẽ làm tốt và kĩ hơn hoạt động đó rồi giúp đỡ bạn. Do vậy để giải được toán trên mạng, thi IOE, Violimpic tiếng Anh, thi năng khiếu Toán, Tiếng Việt thì phải bồi dưỡng HS theo chương trình riêng ngoài giờ học VNEN”.

Sĩ số lớp quá đông sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mô hình VNEN.
Sĩ số lớp quá đông sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mô hình VNEN.

Đồng quan điểm này, cô giáo Nguyễn Thị Hương Giang cho biết thêm: Dạy theo mô hình nhóm với sĩ số lớp đông (khoảng 10 đến 11 nhóm) nên việc bao quát nhóm của GV cũng phần nào bị hạn chế. Bên cạnh đó, còn một khó khăn, hạn chế nữa đó là GV phải tự nghiên cứu và thiết kế làm nhiều đồ dùng dạy học theo chủ đề tháng, nên mất rất nhiều thời gian.

Cách dạy và học mới nên khiến GV và HS không khỏi bỡ ngỡ, nhất là đối với GV do vẫn còn quen với phương pháp dạy học truyền thống nên khả năng tổ chức hoạt động nhóm, kiểm tra, hướng dẫn và theo dõi tiến độ học tập của HS còn bị hạn chế; GV vẫn phải bổ sung làm việc cả lớp cho từng hoạt động để khai thác mở rộng và khắc sâu kiến thức cho từng HS.

“So với kiểm tra đánh giá HS hiện hành theo Thông tư 32 thì có điểm 2 bài kiểm tra cuối kì I và cuối học kỳ 2 để đánh giá nhưng theo VNEN thì điểm số cho bài kiểm tra không phải là yếu tố quyết định danh hiệu HS đạt được mà phụ thuộc cả quá trình học tập của HS. Đây cũng là khó khăn cho GV, đòi hỏi GV phải là người thật tâm huyết, không đánh giá theo cảm tính” - cô Hương Giang bộc bạch.

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận: Với phương pháp dạy học, cách đánh giá mới nên GV và HS gặp không ít khó khăn khi thực hiện như một số HS ỷ lại tập thể nhóm, sự theo dõi của nhóm trưởng về tiến độ học của các thành viên còn hạn chế ảnh hưởng đến sự trợ giúp của GV trong từng tiết học chưa kịp thời... Số HS đông nên rất khó khăn trong việc thiết kế không gian lớp học và sắp xếp bàn ghế các nhóm; tổ chức nhóm tự quản cho HS. Diện tích phòng học không đủ chỗ cho HS tổ chức trò chơi khởi động.

Bên cạnh đó, bàn ghế thiết kế chưa phù hợp theo hình thức dạy học VNEN (nhà trường phải xếp 2 bàn đôi ghế liền bàn với nhau cho một nhóm HS tạo thành bàn hình chữ nhật) làm cho HS rất khó ngồi học tập và thảo luận nhóm…

Nguyễn Hùng