Hà Nội: Thí sinh bất ngờ với đề thi Văn vào lớp 10

(Dân trí) - Sáng nay 9/6, hơn 76.000 thí sinh Hà Nội làm bài thi môn Văn vào lớp 10 THPT. Tuy nhiên, không ít thí sinh tỏ ra bất ngờ khi đề thi có câu rơi vào tác phẩm “Nói với con” của nhà thơ Y Phương.

Bắt đầu vào thi lúc 8h, sau 120 phút làm bài, các thí sinh đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn. Theo ghi nhận của PV Dân trí, nhiều các thí sinh tỏ ra hào hứng, nhẹ nhõm sau khi rời phòng thi. Đề thi Văn năm nay được các em nhận xét là cơ bản.

Thí sinh Hà Nội vừa hoàn thành bài thi môn Văn tuyển sinh lớp 10.
Thí sinh Hà Nội vừa hoàn thành bài thi môn Văn tuyển sinh lớp 10.

Đề thi gồm 2 phần, phần 1 yêu cầu thí sinh phân tích một đoan thơ (4 điểm); phần 2 (6 điểm) phân tích một đoạn truyện ngắn trong tác phẩm Làng của nhà văn Kim Lân.

Theo nhận định của các chuyên gia và học sinh, đề Văn năm nay khá bám sát nội dung chương trình học. Nhiều thí sinh cho biết, nếu ôn luyện cẩn thận có thể đạt 7-8 điểm với đề Văn. Tuy nhiên, không ít thí sinh tỏ ra bất ngờ khi đề thi có câu rơi vào tác phẩm “Nói với con” của nhà thơ Y Phương.

Đề Văn tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội.
Đề Văn tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội.

Thầy giáo Văn học Trịnh Quỳnh đánh giá đề thi Văn rất cơ bản, học sinh có thể dễ dàng đạt trên 8 điểm, các câu hỏi không có nhiều thách thức.

"Ưu điểm dễ thấy là đề thi có sự tích hợp giữa đọc hiểu và nghị luận xã hội, làm văn và tiếng Việt. Đề bài chia nhiều câu nhỏ giúp học sinh tránh mất điểm trong quá trình làm bài. Tuy nhiên các câu hỏi ở mức độ tái hiện học sinh phải ghi nhớ học thuộc còn nhiều chiếm 2 điểm, chưa có các câu hỏi mở", thầy Quỳnh nhận định.

Cụ thể: Câu nghị luận xã hội được sống trong tình yêu thương của mọi người là hạnh phúc cần được học sinh nhìn nhận theo hai chiều biết đón nhận yêu thương thì phải biết cho đi yêu thương. Trong đó tình yêu thương gia đình là quan trọng nhất, là nơi nuôi dưỡng ta trưởng thành và cũng là nơi chào đón ta trở về mỗi khi ta vấp ngã, gặp khó khăn trên đường đời.

Còn giáo viên Nguyễn Phi Hùng cho rằng, cấu trúc đề thi văn vào lớp 10 của TP Hà Nội năm nay giữ cấu trúc quen thuộc với hai phần, kiểm tra toàn diện kiến thức, kĩ năng đọc hiểu văn bản, tiếng Việt và viết đoạn văn nghị luận.

Phần I của đề thi hỏi về bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương và yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội về niềm hạnh phúc được sống trong tình yêu thương. Vấn đề nghị luận khá gần gũi, quen thuộc với mỗi bạn học sinh nên hẳn nhiều em sẽ không gặp khó khăn khi viết về vấn đề này.

Phần II kiểm tra các kiến thức về truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân. Những câu hỏi về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa các chi tiết trong văn bản là những câu hỏi cơ bản, học sinh chỉ cần đọc kĩ văn bản, nắm chắc các kiến thức liên quan và trình bày rõ ràng, mạch lạc là có thể làm tốt và giành điểm tối đa.

Riêng câu cuối (3 điểm), yêu cầu viết đoạn văn về hình ảnh người nông dân trong kháng chiến, các em cần đảm bảo cả các yêu cầu chính về nội dung và cả những yêu cầu phụ của đề ra (hình thức đoạn văn quy nạp, sử dụng câu ghép và phép thế để liên kết câu) mới có thể tối đa hoá điểm số. Cái khó của câu này không nằm ở nội dung kiến thức được hỏi mà ở khả năng tổng hợp, gói ghém kiến thức để trình bày trong khuôn khổ một đoạn văn ngắn. Nếu học sinh không có khả năng tổng hợp, đoạn văn dễ lan man, dài mà vẫn không đủ các luận điểm chính mà đề yêu cầu.

Hà Nội: Thí sinh bất ngờ với đề thi Văn vào lớp 10 - 3

Phổ điểm trung bình dự đoán là 7- 8 điểm

Với 20 năm kinh nghiệm dạy Văn, TS. Phạm Hữu Cường đánh giá, đề Văn vẫn đòi hỏi học sinh phải thuộc và chép lại thơ, cũng như nhớ tên tác phẩm, tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, nên học sinh vẫn phải thuộc lòng và nhớ máy móc, ít nhiều vẫn hạn chế tư duy sáng tạo của học sinh.

Theo thầy Cường, đề thi nhìn chung không bất ngờ, không khó, có khả năng khơi gợi hứng thú làm bài cho học sinh nhưng không mới lạ độc đáo. Đề thi vẫn có cấu trúc tương tự như các năm trước, nghiêng về tính truyền thống, hầu như không đề cập đến các vấn đề thời sự; với phạm vi kiến thức và kĩ năng đều nằm trong chương trình Ngữ văn 9, xoay quanh một tác phẩm trữ tình là "Nói với con" của Y Phương và 1 tác phẩm tự sự là "Làng" của Kim Lân; có nhiều “chất văn”

Các câu hỏi trong đề thi cũng được sắp xếp từ dễ đến khó, phù hợp với trình độ của học sinh lớp 9, kiểm tra khá toàn diện các kiến thức về Tiếng Việt, đọc hiểu văn bản và Làm văn, đảm bảo được việc kiểm tra kiến thức và kĩ năng ở các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Câu nghị luận xã hội trong đề yêu cầu trình bày suy nghĩ về quan niệm: “Được sống trong tình yêu thương là hạnh phúc của mỗi người” là câu hỏi “mở” nhất trong đề, đồng thời có ‎ý nghĩa với học sinh và với mỗi người.

Câu hỏi: Vì sao nỗi trăn trở của ông Hai trong câu văn “Không biết cái chòi gác ở đầu làng đã dựng xong chưa” lại là một biểu hiện của tình cảm công dân cũng khá thú vị, đòi hỏi học sinh phải hiểu sâu và có suy nghĩ riêng.

Tóm lại, đề Văn khá cơ bản và an toàn, có khả năng phân loại thí sinh, phù hợp với việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT, phù hợp với thời gian làm bài 120 phút và mục đích của kì thi.

Qua phân tích, thầy Cường nhận định, với đề thi này, phổ điểm trung bình của thí sinh rơi vào khoảng 7- 8 điểm.

Lệ Thu