Hà Nội: Trầy trật khai giảng vì phân ban

(Dân trí) - Đến thời điểm này, hầu như tất cả các trường THPT công lập ở Hà Nội đã hoàn thành việc tuyển sinh vào lớp 10. Dù đã tạm ổn khâu “đầu vào” nhưng các trường đều chưa thể sẵn sàng bước vào năm học mới vì đang lúng túng chuyện chia ban.

Năm nay cũng là năm đầu tiên chương trình phân ban THPT được triển khai đại trà, vì thế việc tuyển sinh của các trường vất vả hơn nhiều so với mọi năm.

 

“Quá tải ” ban khoa học tự nhiên, “ế ẩm” ban khoa học xã hội

 

Ông Hoàng Cơ Chính, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn cho biết trường dự kiến sẽ có 6 lớp ban khoa học tự nhiên (KHTN), 2 lớp ban khoa học xã hội (KHXH) và 8 lớp ban cơ bản (CB). Nhưng thực tế, đã xảy ra tình trạng số lượng học sinh đăng ký vào một ban quá nhiều. Trường phải căn cứ để phân lớp dựa vào nguyện vọng (NV), điểm thi và phải dựa vào tổng điểm xét tuyển, điểm thi tuyển, thậm chí tính cả điểm trung bình năm học lớp 9...

 

Trường THPT Trần Nhân Tông là một trong tốp năm trường dẫn đầu thành phố về điểm chuẩn cũng đã hoàn thành công tác tuyển sinh. Ngày 22/7 trường phát phiếu cho học sinh đăng ký NV vào các ban; 24/7 thu về và 26/7 bắt đầu xếp lớp. Năm học tới, trường có 15 lớp 10, trong đó dự kiến có 3 lớp ban KHTN, 3 lớp ban KHXH và 9 lớp ban CB.

 

Tuy nhiên, theo phiếu đăng ký NV vào các ban của học sinh thì các lớp ban KHTN sẽ “quá tải” vì có tới 230 học sinh (tương đương với 5 lớp) đăng ký vào ban này trong khi trường dự kiến có 3 lớp; chỉ có 49 học sinh đăng ký vào ban KHXH.

 

Ông Hoàng Thanh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thực tế căn cứ để học sinh chọn ban KHTN không dựa vào cơ sở gì, chọn đôi khi chỉ đơn giản vì nghĩ đến “đầu ra” trong tương lai.

 

Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép điều chỉnh cơ cấu lớp của các ban nhưng trường sẽ điều chỉnh theo hướng chẳng hạn như học sinh phải đạt từ 8 điểm toán trở lên mới được vào ban KHTN. Trong 9 lớp ban CB của trường sẽ có 5 lớp định hướng KHTN, 4 lớp định hướng KHXH. Số tiết học của những lớp này chênh không nhiều so với ban KHTN do đó 5 lớp định hướng KHTN cũng có thể ví là 5 lớp KHTN “phẩy”.

 

Trường THPT Hai Bà Trưng dự kiến có 6 lớp KHTN, 2 KHXH, 8 CB, nhưng thực tế chỉ có trên 80 học sinh đăng ký vào KHXH. Ông Nguyễn Quốc Thắng, hiệu trưởng nhà trường cho rằng chính tên gọi đã “giết chết” tình yêu của học sinh với các ban, vì dù về hình thức ban CB có định hướng KHTN nhưng học sinh lại đổ xô vào ban KHTN chứ không chọn ban CB. Trường sẽ xếp ban căn cứ vào NV của các em và việc chia lớp sẽ tiến hành muộn hơn các trường khác vì sẽ mất nhiều thời gian chuẩn bị nhưng sẽ xong trước ngày 20/8.

 

Trước kỳ tuyển sinh vào 10, có 23/54 trường ngòai công lập đăng ký mở lớp ban KHXH nhưng hiện nay ở một số trường ban này hầu như không có học sinh đăng ký: Trường THPT DL Lômônôxốp (trước là trường Bán công chuyên ngữ Hà Nội) - vốn có thế mạnh về các môn xã hội. Nhưng, ngay trong phương án phân ban dự kiến với Sở GD-ĐT, Lômônôxốp đã không đăng ký ban KHXH.

 

Ông Nguyễn Phú Cường, hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã lường trước tình hình ban KHXH sẽ... ế ẩm. Và thực tế, chỉ có 3/350 học sinh vừa được tuyển vào trường có NV học ban KHXH. Tương tự tại trường THPTDL Đinh Tiên Hoàng cũng chỉ có... hơn 10/500 học sinh đăng ký vào ban này nên trường sẽ chỉ triển khai phân lớp theo hai ban KHTN, CB vì không gom đủ học sinh cho ban KHXH.

 

Chưa sẵn sàng bước vào năm học mới

 

Phần lớn các trường đều cho rằng để triển khai phân ban sẽ có nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất, phòng học chật chội không thể đáp ứng được cho từng ban; đến thời điểm này đội ngũ giáo viên sẽ dạy chương trình lớp 10 phân ban vẫn chưa được bồi dưỡng... Nếu cơ sở vật chất hạn chế thì dù thiết bị dạy học có tuyệt vời đến mấy cũng khó lòng phát huy hiệu quả...

 

Song ở đây, cả hai yếu tố này đều có vấn đề. Ông Hoàng Thanh Sơn, hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông cho biết, chỉ còn hơn một tháng nữa là khai giảng năm học mới, nhưng thời điểm này chưa có sách giáo khoa, thiết bị dạy học. Trường có 25 phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện... đủ đáp ứng cho 50 lớp học hai ca. Nếu phục vụ cho chương trình cũ thì không vấn đề gì nhưng với phân ban thì chắc chắc rất khó khăn.

 

Chỉ thí dụ đơn giản, nếu học sinh chọn chuyên đề văn nghệ, hát hò ầm ĩ sẽ ảnh hưởng đến các lớp học xung quanh. Mỗi lớp học sinh sẽ học 2 tiết thể dục/tuần, trường có 50 lớp do đó có ngày cái sân trường con con sẽ phải “gánh” từ 3-4 lớp. Đây cũng là lý do khiến nhiều người cho rằng các môn tự chọn của học sinh sẽ do nhà trường... quyết định, học sinh “được” tự chọn... “bắt buộc”.  

Nhóm PV Giáo dục