"Hai bàn tay rưỡi" nuôi con thành tài

(Dân trí) - Câu chuyện về người phụ nữ vươn lên trong khó khăn chung sức cùng người chồng thương binh nuôi 3 con ăn học thành tài khiến ai cũng khâm phục. Đó là chị Huỳnh Thị Bút - thôn Tham Hội 3, xã Bình Thanh Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Chúng tôi đã đến thăm nhà chị giữa một buổi trưa nắng và đã được tận mắt nhìn gia cảnh cũng như lắng nghe những bước thăng trầm của gia đình vợ chồng anh thương binh đi lên từ hai bàn tay trắng này. Trong câu chuyện kể của chị có giọt nước mắt nhớ về những ngày gian khó đã qua và lòng tự hào về những đứa con ham học, hiếu nghĩa.

 

Đôi bàn tay trắng nắm đôi bàn tay trắng

 

Trở về sau cuộc chiến tranh, anh Lê Trung Kiên, chồng chị Huỳnh Thị Bút đã mất đi một chân và một cánh tay, bàn tay còn lại cũng chỉ còn ba ngón. Sau thời gian điều trị ở miền Bắc, anh về lại quê hương Quãng Ngãi. Cha mẹ không còn, em gái đã hy sinh trong chiến tranh, chị gái lấy chồng xa, nhà cửa hoang tàn, đổ nát, được sự giúp sức của xóm giềng, anh dựng một cái trại tạm che nắng che mưa. Và nơi mảnh đất quê, anh gặp chị. Cha mẹ khốn khó, từ lúc vừa lọt lòng, mẹ đẻ đã gửi chị cho cha mẹ nuôi không có con. Cha mẹ nuôi cũng nghèo.

 

Chị về với anh, đôi bàn tay trắng nắm đôi bàn tay không còn lành lặn, vị chi hai người nhưng chỉ có hai bàn tay rưỡi, cùng nhau làm lụng đầu tắt mặt tối, bám mình trên những mảnh ruộng quê phụng dưỡng cha mẹ già và gắng lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn. Lúc trái gió trở trời, những vết thương chiến tranh hành hạ anh, đôi vai chị lại thêm phần trĩu nặng. Chị tự động viên mình khi nói: "Nghĩ đến những anh, chị thương binh nặng hơn chồng tôi, như có anh chị bị mất cả hai tay hai chân hay mất đi đôi mắt... thì tôi còn may mắn hơn".

 

Thương vợ lặn lội thân cò, ngoài việc tham gia công tác địa phương, anh vẫn cùng chị chăm nom việc đồng áng những khi trời thương cho khoẻ mạnh. Chị nhói cả lòng nhìn anh "tay cụt kẹp roi, tay lành cầm cày đi theo sau đôi bò, một chân thật, một chân gỗ bước thấp bước cao lần dò trên thửa ruộng quê" nhưng vẫn cảm nhận sâu xa niềm hạnh phúc "thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông...".

 

Uớc mơ lớn nhất đời anh chị là con cái được theo cái chữ đến cùng. Lòng ham học của các con cũng là nguồn động viên để anh chị lao động miệt mài, cật lực.

 

"Con không bỏ học, cũng không bỏ ruộng"

 

Chị nhớ hoài câu nói đó của đứa con gái thứ hai tên Hoanh khi Hoanh bị thầy giáo chủ nhiệm bắt lên cảnh cáo vì em dám... lận liềm đến trường. Hỏi đầu đuôi mới biết, buổi sáng đến trường, Hoanh đã giắt sẵn trong hành trang cái liềm cắt lúa và một bộ quần áo lao động để đi học về là bổ ngay ra ruộng cắt lúa phụ cha mẹ.         

 

Biết ba mẹ khó khăn vất vả, đêm miệt mài bên ngọn đền dầu cùng con chữ, ban ngày đi học về, các con vẫn phụ giúp anh chị việc nhà từ khi tuổi còn nhỏ, quyết tâm "không bỏ học cũng không bỏ ruộng".

 

Chị nhớ lại lúc con trai đầu còn học phổ thông, dưới xã chưa có dạy môn Anh văn. Vợ chồng anh chị phải gửi lên trường thị trấn để "theo kịp với con cái người ta". Đường sá xa xôi, mùa đông, sáng sớm thức dậy nuốt vội miếng cơm độn khoai rồi còng lưng đạp xe đến trường trong mưa gió vậy mà "thằng Dũng" (tên con trai đầu của anh chị) không bỏ bữa học nào.

 

Sách vở, "mấy anh em nó" đều mượn của bạn bè về tự học, chưa bao giờ biết đến chuyện đi học thêm. Thời khốn khó nhất là lúc hai con đầu lần lượt vào đại học. Tiền trợ cấp xã hội của anh chỉ đủ lo thuốc men và tằn tiện chi tiêu trong gia đình. Đàn bò với mấy sào ruộng phải bán dần để có tiền cho con ăn học. Con heo nái già không còn đủ sức để đẻ những bầy con kịp bán, cây không kịp tái sinh phải đành bán cây non.

 

Khốn khó tưởng chừng như không vượt qua nổi, nhưng nghĩ đến tương lai của các con, anh chị bấm bụng xoay xở, vay mượn của bà con để đủ tiền gửi cho con ăn học. Lối xóm thấu hiểu hoàn cảnh gia đình anh chị, biết "mấy đứa nhỏ" có chí cũng nhiệt tâm giúp đỡ.

 

Anh con trai đầu tốt nghiệp khoa Kinh tế Đại học Bách khoa Đà Nẵng loại xuất sắc. Cô con gái thứ hai tốt nghiệp khoa Kế toán trường Đại học Huế loại xuất sắc. Cả hai đều đã có công ăn việc làm ổn định. Cậu con trai út không vào được đại học, xin cha mẹ cho đi lao động ở Hàn Quốc. Vừa học vừa làm, mới rồi gửi về khoe cha mẹ, anh chị giấy khen và được tặng thưởng học sinh giỏi chăm học dành cho người nước ngoài học tiếng Hàn Quốc.

 

Làm khuyến học để trả nghĩa bà con

 

Các con thành tài, đã đỡ đần được kinh tế gia đình. Tuổi ngày càng cao, anh chị vẫn không bỏ ruộng đồng. Tiết kiệm, tích cóp từng đồng, anh chị đem đi làm công tác xã hội. Chị bàn với anh: "Các con ăn học thành tài ngoài do ý thức ham học, cha mẹ gắng sức chăm lo, còn có sự giúp đỡ của bà con lối xóm lúc mình nghèo khó, túng thiếu nên giờ có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình rồi thì có bao nhiêu giúp sức cho cộng đồng bấy nhiêu".

 

Lần đi dự Đại hội Gia đình hiếu học cấp tỉnh về, hiểu sâu sắc mục đích của công tác khuyến học, chị báo cáo với Chi bộ thôn xin cho thành lập Chi hội Khuyến học thôn Tham Hội 3. Ban đầu, do bà con còn chưa hiểu rõ mục đích của Chi hội khuyến học nên còn nhiều khó khăn, chị không nản lòng, đến từng nhà vận động, tuyên truyền 3 tiêu chí của Gia đình hiếu học và ý nghĩa của xã hội hoá học tập.

 

Từ cuối năm 2005 đến nay, toàn thôn đã có trên 80 hội viên. Quỹ khuyến học từ đầu năm 2007 đến nay của Chi hội khuyến học thôn Tham Hội 3 là hơn 2 triệu đồng thì riêng gia đình chị đã đóng góp hơn 1 triệu đồng. Chị được tín nhiệm làm Phó chủ tịch Hội Khuyến học xã.

 

Tự cho mình học ít, chị Bút vẫn theo dõi báo đài, học tập, nắm bắt thông tin để "khỏi lạc hậu làm nhiệm vụ mới tốt." Bên cạnh đó, chị còn tham gia công tác Hội Phụ nữ vận động chị em trong thôn, trong xã lá lành đùm lá rách, chung tay giúp đỡ gia đình các chị em có hoàn cảnh khó khăn để "trong thôn, trong xã mình, bếp nhà ai cũng đỏ lửa, trẻ con được đi học đúng tuổi và giúp sức các cháu vượt khó học giỏi".

 

Khánh Hiền