“Hai không” chỉ là biện pháp cắt ngọn?

(Dân trí) - Ngành giáo dục đã có nhiều đổi thay khi đã bước đầu thực hiện tốt phong trào “Hai không”. Song nạn học sinh “ngồi nhầm lớp” vẫn còn phổ biến mà chưa có một bài toán hữu hiệu nào. Căn nguyên của “bệnh” này từ đâu?

Xuất phát từ trăn trở ấy, một giáo viên có thâm niên công tác hơn 20 năm đã không ngần ngại bày tỏ suy nghĩ của mình với Phó Thủ tuớng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân bằng cả một bầu nhiệt huyết trên trang web Bộ GD-ĐT (http://moet.gov.vn).

Có lẽ đây là giáo viên đầu tiên phân tích về những “khối u” giáo dục dưới một góc độ hoàn toàn mới với cụm từ: “Chống cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý giáo dục ngồi nhầm chỗ”.

Dân trí xin đăng tải ý kiến của giáo viên này với hi vọng những bậc thầy cô đang công tác trong ngành giáo dục hiểu hơn nỗi lòng của đồng nghiệp.

Cuộc vận động "Hai không" do Bộ trưởng phát động đã bước đầu mang lại những kết quả đáng mừng, diện mạo ngành giáo dục đã có những thay đổi. Năm học 2007-2008, Bộ trưởng lại tiếp tục phát động cuộc vận động này với 4 nội dung. Nhưng theo tôi 4 nội dung đó mới chỉ là những biện pháp cắt ngọn.

Cái gốc của mọi vấn đề nằm ở nội dung mà Bộ trưởng đã nghĩ tới, có thể còn nhiều lý do để Bộ trưởng chưa dám đề cập đến vấn đề nay một cách rõ ràng hơn đó là nội dung “Chống cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý giáo dục ngồi nhầm chỗ”.

Tôi biết Bộ trưởng đã từng đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có ai ngồi nhầm chỗ không?” với Hiệu trưởng các trường Đại học nhưng vẫn chưa có câu trả lời. 

Riêng đối với ngành giáo dục thì việc cán bộ quản lý, lãnh đạo “ngồi nhầm chỗ” là nguyên nhân gây ra mọi sự yếu kém của nền giáo dục nước nhà hiện nay.

Nếu cán bộ quản lý, lãnh đạo của ngành giáo dục ngồi đúng chỗ của mình thì giáo viên không thể đứng nhầm lớp được.

Chúng ta cũng từng nghe báo chí nói về đạo đức nhà giáo ở một số địa phương qua những vụ việc thật đau lòng như: Đổi điểm lấy tình, bắt học sinh liếm ghế, cho học sinh thay nhau tát vào mặt học sinh ...

Tuy chỉ là số ít và cũng chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh, nhưng tôi biết có nơi cha mẹ học sinh còn đề nghị thầy cô giáo cứ đánh con mình nếu nó lười hoc, vi phạm nội quy kỷ luật. Tuy nhiên chẳng giáo viên nào có lương tâm lại nhận lời làm như vậy. Do đó, việc “đứng nhầm lớp” ở đây chủ yếu là chất lượng đội ngũ giáo viên.

Bộ trưởng hãy khảo sát thử xem số giáo viên yếu kém về năng lực chuyên môn này xem họ được đào tạo từ đâu, nguồn nào đưa họ vào ngành giáo dục, họ có “cây cao, bóng cả” nào không?

Hiện nay, các địa phương đang tổ chức rà soát đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên, thậm chí có nơi còn tổ chức thi công chức, thi kiểm tra trình độ giáo viên... nhưng kết quả thế nào thì chúng ta cũng đoán đuợc phần nào.

Chính vì “ngồi nhầm chỗ” nên các nhà quản lý, lãnh đạo ngành giáo dục mới đẻ ra cái gọi là bệnh thành tích và phát sinh ra tiêu cực. Chính lí do này mà chúng ta mới có nhiều học sinh ngồi nhầm chỗ.

Tôi là một giáo viên đã có trên 20 năm trong ngành, ngay tại trường nơi tôi công tác khi thi tuyển đầu vào lớp 10 THPT với hơn 400 học sinh đã tốt nghiệp THCS dự thi thì kết quả chỉ có 7 em đạt điểm 5 cả hai môn thi Văn, Toán nhưng vẫn phải tuyển hơn 300 em vào học lớp 10. Vậy nếu thực hiện chống “ngồi nhầm lớp” thì lại bắt các em học lại THCS hay sao?

Do đó trường chúng tôi đành phải nhận và tìm mọi cách mà “chống ngồi nhầm lớp”.

Tôi nghĩ rằng Bộ trưởng hiểu rất rõ những điều này, vậy thì bây giờ phải làm sao đây?

Có lẽ chỉ còn cách là toàn xã hội phải tập trung vào việc “Chống cán bộ quản lý, lãnh đạo của ngành ngồi nhầm chỗ”, có như vậy chúng ta mới thực sự xây dựng được một nền giáo dục theo mong ước của mọi người dân…”

N.H

Nguồn: Website Bộ GD-ĐT